Cán cân cung – cầu phân bón vẫn đang ổn định
Giá phân bón trong nước đang có xu hướng tăng mạnh trong thời gian gần đây sau lệnh dừng xuất khẩu của Trung Quốc.
Theo Bloomberg, một số nhà sản xuất phân bón lớn của Trung Quốc đã ngừng ký các hợp đồng xuất khẩu mới từ đầu tháng 9 theo yêu cầu của Chính phủ. Động thái của Trung Quốc khiến giá phân trên thế giới và tại thị trường Việt Nam biến động mạnh.
Cụ thể, giữa tháng 9, Đạm Cà Mau thông báo tăng giá ure tại nhà máy lên mức 11.200 đồng một kg và các kho trung chuyển ở miền Tây, miền Trung tăng lên mức 11.300-11.350 đồng một kg. Mức giá này tăng hơn 10% so với một tháng trước đó.
Tương tự, nhà máy Đạm Phú Mỹ tăng giá ure tại nhà máy thêm 500 đồng một kg lên 11.000 đồng. Nhà máy Đạm Ninh Bình, Hà Bắc cũng thông báo điều chỉnh so với trước đó.
Ghi nhận tại các đại lý, giá bán sỉ và lẻ của phân bón cũng đã được điều chỉnh mạnh. Như tại Công ty phân bón Việt Âu, quận 12 (TP HCM), giá phân cho khu vực miền Tây được điều chỉnh tăng 1.600-2.400 đồng một kg so với tháng 7, tức tăng 24%. Theo đó, ure Cà Mau lên quanh 12.300-12.500 đồng, ure Phú Mỹ là 11.500-12.100 đồng. Đại diện Công ty phân bón Việt Âu cho biết không chỉ ure, các loại phân khác cũng tăng thêm 300-800 đồng một kg so với tháng trước.
Với giá bán lẻ, cập nhập tại Công ty phân bón Bình Điền cho thấy Ure Phú Mỹ tại TP HCM, An Giang là 14.700 đồng, còn Ure Cà Mau 16.300 đồng, tăng lần lượt 300 và 1.800 đồng so với cuối tháng 8.
Nguyên nhân tăng giá phân bón, theo TS Phùng Hà, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, do ảnh hưởng của giá thế giới. Khi Trung Quốc hạn chế xuất khẩu mặt hàng này đã đẩy giá toàn cầu tăng cao.
Ngoài ra, ông Hà cho rằng vụ Đông Xuân đang bắt đầu nên nhu cầu dùng phân bón đầu vụ tăng cũng là yếu tố khiến giá hàng hóa này đi lên.
Liên quan đến vấn đề giá phân bón tăng, tại buổi họp báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật cho rằng thực tế nếu so sánh với các mốc dài hơn thì giá đã giảm rất sâu.
Giá phân urê tháng 9 giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu so sánh với mức kỷ lục thiết lập hồi 5, mức giá này thấp hơn hơn khoảng 36%. Giá phân DAP và Kali cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoài mặc dù có ảnh hưởng bởi biến động từ các nước.
Bà cho biết Việt Nam vẫn đang chủ động được nguồn cung phân bón. Tổng công suất thiết kế phân bón của cả nước khoảng 20,7 triệu tấn và tiêu thụ 10,4 triệu tấn. Trong đó, tiêu thụ vô cơ 7,6 triệu tấn.
“Chúng ta vẫn cần chủ động trong cung – cầu, không thể chủ quan trước những biến động bên ngoài”, bà nói thêm.
Đại diện Cục Bảo vệ Thực vật cho biết trong thời gian tới cơ quan này sẽ thực hiện loạt giải pháp để ngăn chặn tình hình đầu cơ, ổn định thị trường phân bón. Theo đó, cơ quan này sẽ phối hợp với hiệp hội phân bón, Bộ Công Thương để làm việc với các đơn vị sản xuất phân bón lớn, đặc biệt là 4 nhà máy sản xuất urê trong việc điều tiết sản xuất, nâng cao tính ổn định, đảm bảo nguồn cung trong nước.
Theo số liệu từ Hải quan cho thấy 8 tháng, Việt Nam nhập khẩu phân bón đạt gần 2,5 triệu tấn, tương đương 833 triệu USD, tăng 13% về lượng nhưng giảm 19% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc vẫn là nguồn cung phân bón lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 50% tổng lượng phân bón nhập khẩu.
Theo Thương Hiệu Và Sản Phẩm
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu