Nhà nước, báo chí ‘đồng thanh tương ứng’ để truyền thông chính sách

Truyền thông chính sách là quá trình hợp tác giữa cơ quan chức năng và cơ quan báo chí, câu chuyện tuyên truyền không chỉ một chiều mà còn phải đa chiều, phản biện để hoàn thiện chính sách.

Nhà nước, báo chí 'đồng thanh tương ứng' để truyền thông chính sách
Quang cảnh diễn đàn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Một chính sách ban hành phải xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, xa rời thực tiễn thì chính sách sẽ không có “đất sống.” Chính sách ban hành ra mà người dân không biết thì coi như chính sách đó chưa được ban hành. Do đó, báo chí chính là cầu nối, mang chính sách trở thành tri thức có giá trị cho mỗi người dân và cộng đồng.

Đó là lời khẳng định của ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông trong Diễn đàn Tổng Biên tập 2023: “Truyền thông chính sách-Góc nhìn từ các cơ quan báo chí” diễn ra tại Quảng Ninh ngày 29/9.

Báo chí ‘bắc cầu’ chính sách đến người dân

Ở góc độ cơ quan quản lý báo chí, ông Lưu Đình Phúc cho hay nước ta có một hệ thống truyền thông lớn với số lượng 800-900 cơ quan báo chí, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, cơ quan làm truyền thông chính sách chỉ chiếm khoảng 0,56%.

Về cơ bản, báo chí đã làm rất tốt theo chỉ đạo, định hướng của Đảng, quản lý của Nhà nước. Thế nhưng đâu đó vẫn có những câu chuyện, những chính sách của địa phương khi đưa ra chưa có sự khảo sát đánh giá kỹ lưỡng dẫn đến thông tin được lan truyền trên mạng xã hội trái ngược với thông tin chính thống. Nguyên nhân do người dân chưa được tiếp cận thông tin, thiếu thông tin dẫn đến có những ý kiến, bình luận ở một góc độ khác.

Nhà nước, báo chí 'đồng thanh tương ứng' để truyền thông chính sách
Đại biểu chia sẻ ý kiến tại diễn đàn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo Cục trưởng Lưu Đình Phúc, trước khi làm truyền thông chính sách thì cơ quan chức năng phải khảo sát đánh giá nhu cầu của công chúng rồi mới thực hiện chứ không ban hành chính sách theo kiểu “ném đá ao bèo.”

“Qua ‘tiếng nói’ của báo chí, các cơ quan xây dựng chính sách có được nhiều chiều thông tin hữu ích, cả trong khâu xây dựng, thực thi và hoàn thiện chính sách. Như vừa qua, đã có hàng ngàn ý kiến về dự thảo sửa đổi Luật Đất đai được báo chí phản ánh; hay việc truyền thông ủng hộ lực lượng chức năng quyết liệt trong việc xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông uống bia, rượu,” ông Phúc nêu ví dụ.

Đồng quan điểm, ông Trương Quốc Huy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam khẳng định rằng báo chí đóng vai trò quan trọng, là công cụ, phương tiện hữu hiệu đưa chính sách đến với cán bộ, nhân dân; kịp thời phản ánh những đề xuất, kiến nghị của người dân với Đảng, Nhà nước về các chính sách, các quy định pháp luật chưa thật phù hợp, về những bất cập, những vướng mắc, bức xúc trong thực tiễn thi hành, chấp hành pháp luật.

Theo ông Trương Quốc Huy, trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, các thông tin sai lệch về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước được lan truyền với tốc độ nhanh chóng, gây tâm lý hoang mang cho dư luận xã hội.

Do vậy, việc minh bạch thông tin, thẳng thắn đối thoại chính là chiến lược giúp giảm thiểu rủi ro, tránh gây ra những khủng hoảng truyền thông đáng tiếc.

“Nếu được thực hiện tốt, truyền thông chính sách sẽ giúp giảm thiểu những vấn đề này. Do đó, cơ quan chức năng cần tháo gỡ những vướng mắc, tạo thêm cơ chế, nguồn lực để báo chí thực hiện truyền thông chính sách được hiệu quả,” ông Huy nêu vấn đề.

Xây dựng cơ chế đặt hàng báo chí

Đóng góp tham luận tại diễn đàn, ông Trần Tiến Duẩn, Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus cho rằng truyền thông chính sách giúp người dân nhận thức và hành động đúng pháp luật đồng thời lấy ý kiến nhân dân khi về chính sách mới, điều chỉnh chính sách hiện tại, tạo ra sự đồng thuận xã hội.

Nhà nước, báo chí 'đồng thanh tương ứng' để truyền thông chính sách
Chủ đề ‘Xây dựng Đảng’ trên Báo Điện tử VietnamPlus. (Ảnh chụp màn hình)

Những năm qua, Báo Điện tử VietnamPlus đã xây dựng nhiều chuyên mục phản ánh chính sách như: “Đại hội Đảng lần thứ XIII,” “Bầu cử Quốc hội,” “Bài viết của Tổng Bí thư về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội,” “Ngoại giao Cây tre,” “Hộ chiếu mẫu mới,” “Mở cửa Du lịch Quốc tế,” “Dự án Quan trọng Quốc gia, Trọng điểm,” “Thông tin phản hồi, phản bác”…

Không chỉ truyền thông các văn bản đã ban hành, VietnamPlus còn chú trọng truyền thông các dự thảo chính sách trước khi ban hành, phát huy dân chủ rộng rãi, theo nguyên tắc bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, qua đó tạo dựng niềm tin của nhân dân vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước sau khi được ban hành.

Chia sẻ về giải pháp truyền thông chính sách hiệu quả, ông Trần Tiến Duẩn cho rằng cần đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật từ sớm, từ xa; cần có các cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và báo chí.

Ngoài ra, các cơ quan báo chí cần chủ động xây dựng các chuyên mục, tổ chức các chiến dịch truyền thông tuyên truyền kịp thời những thông điệp quan trọng trong chính sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, ban, bộ, ngành, địa phương để thu hút độc giả trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Nhà nước, báo chí 'đồng thanh tương ứng' để truyền thông chính sách
Các đại biểu tại diễn đàn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong quá trình đó, báo chí cần nghiên cứu và triển khai các mô hình truyền thông chính sách mới trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế để vận dụng linh hoạt, phù hợp vào hoàn cảnh của Việt Nam; đẩy mạnh truyền thông chính sách trên các phương thức truyền thông mới.

Ông Duẩn cũng đề xuất Nhà nước bố trí nguồn kinh phí kịp thời để hỗ trợ cho công tác truyền thông chính sách theo quy định của Nhà nước; hoàn thiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ truyền thông chính sách.

Nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí cũng có cùng quan điểm trên.

Ông Lưu Quang Định, Tổng Biên tập Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt, cho rằng khi có kinh phí, truyền thông chính sách sẽ có chất lượng sâu hơn, thời lượng sẽ dày dặn hơn.

Ông khuyến nghị Nhà nước cần hoàn thiện các thể chế chính sách về truyền thông chính sách để đặt hàng cho cơ quan báo chí. Các cấp bộ, ngành, địa phương cần coi việc truyền thông chính sách không chỉ là việc của báo chí mà làm việc của chính quyền, chính quyền phải chủ động đặt hàng báo chí; hỗ trợ nguồn lực cho báo chí, cụ thể hơn nữa là xây dựng định mức đơn giá kỹ thuật.

Nhà nước, báo chí song hành

Ở góc độ quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng để có thể giúp cơ quan báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông chính sách, thì Nhà nước và báo chí phải “cùng bắt tay để thực hiện việc chung,” phải cải thiện mối quan hệ về cả cơ chế, chính sách và kinh tế giữa báo chí và cơ quan chủ quản.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, hầu hết cơ quan báo chí hiện tại không nhận được sự hỗ trợ về tài chính đối với cơ quan báo chí của mình. Nhiều cơ quan chủ quản đang hiểu sai về sự tự chủ của cơ quan báo chí.

Ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương thì cho rằng báo chí cần phải nhìn lại mình rằng đã thực sự làm tốt truyền thông chính sách hay chưa. Ông lưu ý cơ quan báo chí cần phải khách quan, giữ tinh thần phản biện nhưng vẫn phải có tinh thần xây dựng. Tuy nhiên, theo ông, gần đây đã xảy ra những vụ việc đáng tiếc khi có một số bài báo có tác động tiêu cực tới sự phát triển chung, cũng như gây ra những hiểu nhầm của người dân về một số chính sách ở một số địa phương.

Nhà nước, báo chí 'đồng thanh tương ứng' để truyền thông chính sách
Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Kết luận tại diễn đàn, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân đề nghị các cơ quan báo chí cần chủ động hơn, tận dụng chính các tổ chức báo chí của mình giúp các ban, bộ, ngành hiểu được những vướng mắc và khó khăn mà báo chí đang gặp phải trong nhiệm vụ truyền thông chính sách.

Theo ông Lê Quốc Minh, công tác truyền thông chính sách còn đòi hỏi nhiều nỗ lực, cần có thêm sự chỉ đạo từ cấp độ Chính phủ. Truyền thông chính sách không chỉ là câu chuyện mong kiếm tìm những nguồn lực mà còn là câu chuyện hợp tác giữa cơ quan chức năng và cơ quan báo chí, câu chuyện tuyên truyền không chỉ một chiều mà còn phải đa chiều, phản biện để hoàn thiện chính sách.

“Báo chí cần tăng cường nhận thức của cơ quan chức năng về truyền thông chính sách. Giữa Nhà nước, cơ quan chức năng và báo chí cần ‘đồng thanh tương ứng’ mới có thể truyền thông chính sách hiệu quả,” ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh./.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích