Indonesia: Sử dụng dầu cọ để sản xuất khí methane sinh học

Indonesia: Sử dụng dầu cọ để sản xuất khí methane sinh học

PGN (công ty con của tập đoàn dầu khí quốc gia Indonesia Pertamina) và 3 công ty Nhật Bản đang tìm cách sản xuất khí methane sinh học từ nước thải nhà máy dầu cọ (POME) nhằm đáp ứng nhu cầu khí đốt tự nhiên ngày càng tăng và giảm lượng khí thải methane.

Dự án nhằm mục đích thu hồi khí methane thải vào khí quyển từ POME, tinh chế thành khí methane sinh học và cung cấp cho khách hàng thông qua đường ống dẫn khí đốt tự nhiên và cơ sở hạ tầng hiện có khác.

Theo đó, liên doanh PGN, JGC Holdings Corporation, Osaka Gas và Inpex Corporation đang nghiên cứu thương mại hóa sản phẩm này tại Indonesia vào năm 2025, dựa vào mạng lưới phân phối khí đốt tự nhiên của PGN. Nguyên liệu thô sẽ được lấy từ các đồn điền trồng cọ dầu ở tỉnh Nam Sumatra.

Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, POME không được xử lý sẽ giải phóng khí methane, có khả năng giữ nhiệt mạnh gấp 25 lần so với CO2 trong khí quyển.

tm-img-alt
Thu hoạch cọ tại nông trại ở Pelelawan, tỉnh Riau, Indonesia (Ảnh: AFP)

Ông Harry Budi Sidharta, Giám đốc chiến lược và phát triển kinh doanh của PGN, cho biết: “Methane sinh học được sản xuất từ dự án này không chỉ được kỳ vọng đáp ứng nhu cầu khí công nghiệp và tiêu dùng mà còn là bằng chứng cho thấy Pertamina và các đối tác JGC, Inpex và Osaka Gas cam kết khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo”.

Khí methane sinh học được sản xuất từ dự án dự kiến sẽ giúp mở rộng hoạt động kinh doanh khí đốt tự nhiên của Pertamina. Hơn nữa, nỗ lực khử carbon bằng nhiên liệu sinh học của Pertamina sẽ mở rộng quy mô sản xuất khí methane sinh học nhằm cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) sinh học. Ngoài ra, sản phẩm cũng sẽ được xem xét xuất khẩu sang Nhật Bản và các thị trường khác.

Trong báo cáo thường niên công bố đầu năm nay, Hiệp hội Dầu cọ Indonesia (Gapki) cho biết Indonesia đã sử dụng khoảng 8,84 triệu tấn trong tổng sản lượng nói trên để sản xuất dầu diesel sinh học làm nhiên liệu để tiêu thụ trong nước.

Việc sử dụng dầu cọ để sản xuất dầu diesel sinh học dự kiến sẽ tăng trong năm nay sau khi chính phủ nâng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học bắt buộc từ 30% lên 35% hồi tháng 2 vừa qua.

An Đông (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích