Nông dân “thắng” vụ mùa
Giống tốt, hiệu quả kinh tế cao
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Trần Thị Thu Hằng, trong điều kiện dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp, UBND huyện cùng các phòng, ban chuyên môn của huyện đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn, các hợp tác xã nông nghiệp tập trung duy trì sản xuất, chăm sóc lúa vụ mùa.
Theo đó, vụ mùa 2021, huyện Chương Mỹ triển khai 5 mô hình sản xuất lúa chất lượng cao hàng hóa theo tiêu chuẩn xuất khẩu tại các xã: Hồng Phong, Đồng Phú, Thủy Xuân Tiên, Nam Phương Tiến, Tân Tiến. Hiện nay, các mô hình đang cho thu hoạch, năng suất dự kiến khoảng 60 – 62 tạ/ha.
Ông Nguyễn Văn Tiến – Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ cho biết, vụ mùa 2021, nhờ đưa các giống chất lượng cao vào sản xuất nên lúa mùa cứng cây, khả năng chống đổ rất tốt, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, lúa phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhiều giống lúa khác.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh, vụ mùa này, toàn huyện có tổng diện tích lúa gần 6.500 ha, đang trong thời gian thu hoạch rộ, phấn đấu cơ bản thu hoạch xong trước 25/9, năng suất bình quân ước đạt từ 60 tạ/ha trở lên…
Do thời gian sản xuất vụ mùa ngắn, cây lúa sinh trưởng và phát triển trong thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao, lại vào mùa mưa bão nên nguy cơ sâu bệnh, đổ ngã, lép hạt rất lớn… Tuy nhiên, nhờ bố trí đúng cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng đúng khung thời vụ, đặc biệt, mô hình gieo mạ khay và cấy lúa bằng máy của huyện với chi phí sản xuất giảm rõ rệt, vừa khắc phục tình trạng thiếu lao động do quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động đang diễn ra mạnh mẽ ở khu vực nông thôn hiện nay, vừa nâng cao hiệu quả sản xuất.
Sử dụng phương pháp cấy máy còn cho mật độ lúa thưa, thuận lợi cho chăm sóc và đạt năng suất cao hơn 10 – 15% so với phương pháp cấy lúa truyền thống.
Chủ động, linh hoạt ứng dụng giải pháp kỹ thuật
Vụ mùa năm 2021, huyện Ứng Hòa gieo cấy 7.418 ha, nông dân đang tập trung thu hoạch nhanh lúa mùa, năng suất đạt gần 60 tạ/ha. Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng đúc rút, để giành thắng lợi cả về diện tích và sản lượng, chất lượng lúa vụ mùa 2021, công tác điều hành từ đầu tới cuối vụ phải nhịp nhàng, xuyên suốt. Đối với các vùng lúa Japonica đã phát huy hiệu quả trên đồng đất địa phương từ nhiều năm nay, nông dân có kinh nghiệm sản xuất tốt thì tập trung kiểm soát khâu giống và điều tiết nước; đối với các mô hình lúa mới thì tập trung hỗ trợ mọi mặt từ giống, vật tư, kỹ thuật…
Ông Nguyễn Mạnh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật cho hay, hiện nay, toàn thành phố có tới hơn 70% diện tích lúa mùa được áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến một phần hoặc toàn phần, qua đó giảm rất nhiều công chăm sóc, chi phí sản xuất tại tất cả khâu giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Đặc biệt, việc dự báo sâu bệnh hại được đội ngũ cán bộ bảo vệ thực vật, khuyến nông bám sát, nên có tới hơn 90% diện tích lúa mùa không phải phun thuốc bảo vệ thực vật.
Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa, để góp sức vào vụ mùa 2021 thắng lợi, trung tâm phối hợp Phòng Kinh tế huyện, hợp tác xã nông nghiệp các huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao cho hộ nông dân tham gia; đồng thời, hỗ trợ 50% lúa giống, 50% phân bón cho các hộ nông dân tham gia thực hiện mô hình và liên kết với các công ty, doanh nghiệp trong khâu sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Toàn bộ diện tích lúa mùa sản xuất theo quy trình VietGAP, theo hướng hữu cơ… đã phát huy hiệu quả vượt trội cả về năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế. Việc xây dựng thương hiệu và tăng cường liên kết trong sản xuất cũng là giải pháp cốt lõi nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm lúa.
Để vụ mùa đạt kết quả tốt, ngành Nông nghiệp và các địa phương tiếp tục nỗ lực sản xuất trong khung thời vụ tốt nhất; bám sát quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa để xử lý sâu bệnh hại kịp thời; công tác tưới tiêu, thủy lợi bảo đảm đủ nước, không để khô hạn hay ngập úng trong toàn vụ. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ sản xuất khác, như: giống chất lượng cao, kỹ thuật canh tác tiên tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm lúa mùa… phát huy hiệu quả cao. Nông dân và các hợp tác xã cũng chủ động thích ứng, linh hoạt vận dụng kinh nghiệm và khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường khẳng định, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhất là nguy cơ dịch bệnh vụ mùa cao hơn vụ xuân, chỉ đạo sản xuất gặp khó do ảnh hưởng đại dịch Covid – 19… tuy nhiên, vụ mùa 2021 cơ bản thắng lợi, được mùa, các chi phí sản xuất tiếp tục giảm…
Toàn thành phố đã thu hoạch được hơn 44.000 ha, chiếm 58% diện tích, dự kiến đến hết tháng 9, cơ bản thu hoạch xong lúa mùa, chỉ còn một phần nhỏ diện tích trà lúa mùa muộn ở các huyện: Đông Anh, Gia Lâm…
Xem tại đây ./.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu