Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học định hướng quy hoạch Thủ đô

Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học định hướng quy hoạch Thủ đô

Sáng 29-9, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học với chủ đề: “Định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong dự và phát biểu chỉ đạo tại hội thảo.

Tham dự hội thảo có các đồng chí: Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải, Trưởng Tiểu ban lập Quy hoạch Thủ đô; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai; Bí thư Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội Nguyễn Thanh Sơn; Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh; PGS.TS Bùi Đức Thọ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

Với sự góp mặt của 350 đại biểu, hội thảo còn có sự tham gia của đội ngũ trí thức, nhà khoa học đến từ hơn 80 đại học, trường đại học, cao đẳng và học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội.

tm-img-alt
Quang cảnh hội thảo

GS.TS Phạm Văn Điển cho biết, không gian xanh đô thị có vai trò rất quan trọng trong cung cấp môi trường sống bền vững và chất lượng cao cho cư dân thành phố. Vì vậy, ngoài yếu tố bảo tồn không gian mặt nước, không gian xanh đô thị luôn được chú ý trong quy hoạch và hoạch định chính sách đô thị.

Không gian xanh đô thị đề cập đến tất cả các không gian mở đô thị được bao phủ bởi thảm thực vật theo thiết kế hoặc mặc định. Các không gian xanh đô thị gồm công viên, vườn cây, đất, mặt nước và cây xanh, rừng, các loại hình sử dụng đất canh tác và các địa điểm văn hóa, lịch sử. “Hà Nội là Thủ đô của đất nước, do đó, phát triển xanh tại Thủ đô tự thân trở thành một nhu cầu tất yếu” –  GS.TS Phạm Văn Điển nhấn mạnh.

GS.TS Phạm Văn Điển lấy dẫn chứng, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển của Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ, Hà Nội cần phải ưu tiên xây dựng vành đai xanh, đảm bảo môi trường sống; tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới xây dựng Thủ đô xanh, sạch, đẹp, phát triển bền vững; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí; xử lý cơ bản ô nhiễm môi trường nước các hệ thống sông, hồ; quy hoạch xây dựng khu vực nông thôn hài hòa, gắn với phát triển đô thị, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, kết nối đồng bộ với quy hoạch khu đô thị; khai thác có hiệu quả cảnh quan thiên nhiên vùng nông thôn kết hợp với phát triển du lịch xanh.

Bên cạnh đó, nội dung phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 313/QĐ-TTg ngày 7/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu về “Lập phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên địa bàn Thủ đô”. “Tất cả những điều trên đều có điểm mong muốn chung là “Thủ đô Hà Nội cần được phủ màu xanh đặc trưng” – GS.TS Phạm Văn Điển khẳng định.

Theo GS.TS Phạm Văn Điển, Hà Nội có những màu xanh đặc trưng của từng con phố, những hàng cây cổ thụ đã là hình ảnh quen thuộc từ bao lâu nay, trở thành tình yêu, nỗi nhớ của người Hà Nội và cả những du khách khi đến với Thủ đô. Những hàng cây ấy đã mang lại những vẻ đẹp riêng cho từng đường phố, vừa sinh động, vừa có hồn. Những loài cây của Hà Nội đã đi vào thơ ca, văn học và còn rất nhiều loài cây tạo nên vẻ đẹp thơ mộng, đặc sắc cho Hà Nội. Đây có thể là màu xanh của Hà Nội, màu xanh của quá khứ, hiện tại và tương lai, của Thủ đô văn hiến, hiện đại, của thành phố vì hòa bình.

Đối với không gian cây xanh, GS.TS Phạm Văn Điển nêu quan điểm, việc quy hoạch, bảo vệ và cải tạo cần dựa trên cơ sở nguyên lý của sinh thái cảnh quan. Đồng thời ứng dụng công nghệ viễn thám, không gian đô thị xanh để phân tích, định lượng hóa mô hình cấu trúc không gian cảnh quan phù hợp với đặc điểm phát triển của đô thị và yêu cầu nâng cao chất lượng môi trường và cảnh quan đô thị. Quy hoạch, thiết kế không gian xanh đô thị cần được tiến hành đồng bộ với các hạng mục quy hoạch xây dựng khác của đô thị; nghiên cứu chọn giống cây trồng phù hợp.

Sự liên kết giữa các mảng xanh, vành đai xanh, hành lang xanh (giữa ao, hồ với sông và kênh, mương; giữa vườn hoa, công viên với các hành lang, vành đai cây xanh) và đặc biệt với diện tích rừng cần đảm bảo tính liên tục. Qua đó tạo sự kết nối giữa các mảng xanh, hành lang xanh trong đô thị với vùng ngoại ô và nông thôn, tôn trọng tiêu chí quy định về kích thước cũng như nội dung thiết kế cấu trúc hành lang, vành đai cây xanh theo hướng gần với tự nhiên.

GS.TS Phạm Văn Điển lưu ý, cần nâng cao tính đa dạng sinh học đô thị thông qua giải pháp kết nối giữa các mảng xanh, hành lang xanh trong đô thị với các vùng nông thôn, rừng núi ở ngoại ô và phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp cảnh quan gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn.

Các trục không gian lợi thế (như Đại lộ Thăng Long) có thể thiết kế cải tạo thành dạng hành lang cảnh quan sinh thái kết hợp với bảo tồn đa dạng sinh học. Đối với không gian mặt nước, cần quy hoạch thiết kế hệ thống thu gom nước thải, cải tạo bờ nước theo hướng tôn trọng tự nhiên, phục hồi sinh thái. Nghiên cứu, tuyển chọn giống cây và đánh giá khả năng cải tạo môi trường của các cây thủy sinh trồng ven bờ và trong môi trường nước nước để vừa làm đẹp cảnh quan, tăng cường khả năng tự làm sạch nước, vừa bảo vệ bờ nước và ngăn cản rác, vật hữu cơ trôi theo nước mưa xuống ao, hồ, sông và kênh, mương.

Diện tích rừng ở Hà Nội không lớn (chỉ chiếm khoảng 5,67% diện tích tự nhiên), nhưng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo môi trường cảnh quan, là vành đai, là “lá phổi xanh” bảo vệ môi trường sinh thái cho Thủ đô. Rừng Hà Nội cũng gắn liền với các di tích lịch sử văn hóa quan trọng cần được ưu tiên bảo vệ và là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái.

Tuy nhiên, diện tích rừng Hà Nội lại nằm trên diện tích đất được coi là “tấc đất, tấc vàng” nên công tác quản lý, bảo vệ rừng là công việc khó khăn. Với 18.850 ha rừng, trong đó gần 7.600 ha là rừng tự nhiên (chiếm khoảng 40% diện tích rừng, phân bố chủ yếu tại các huyện Ba Vì, Mỹ Đức), còn lại là rừng trồng, trên 80% diện tích rừng tự nhiên của Hà Nội là rừng nghèo kiệt, phục hồi – rất cần quy hoạch các giải pháp nâng cao chất lượng rừng.

Hiện nay, nhiều diện tích đã già cỗi, nhiều diện tích thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ cháy rừng – rất cần thay thế các loài cây này bằng các loài cây bản địa đặc trưng của Hà Nội. Nghiên cứu cải tạo các diện tích rừng trồng ở trên theo hướng phát triển lâm nghiệp cảnh quan sinh thái để tạo phong cách riêng và phát triển lâm nghiệp bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Màu xanh của cây xanh, đất xanh hòa quyện với màu xanh phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô Hà Nội chính là khát vọng xanh của người dân Thủ đô, của đất nước về một Thủ đô bền vững, xứng tầm quốc gia và quốc tế.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích