Câu chuyện “bình mới rượu cũ” – Cẩn trọng với những dự án thay tên nhưng không “đổi họ”
Thời gian qua, địa bàn TP. Hà Nội xuất hiện nhiều dự án được chủ đầu tư rao bán rầm rộ. Trong đó có không ít dự án đã ế ẩm rất lâu, thậm chí vướng pháp lý, nay lại được đem ra “chải chuốt” với những tên gọi mỹ miều rồi rao bán cùng những lời có cánh. Tuy nhiên đối với những dự án như thế này, người dân cần hết sức cẩn trọng, xem xét kỹ lưỡng thông tin chủ đầu tư cũng như tiến độ và “profile” của từng dự án.
Đa phần dự án căn hộ còn hàng tồn hiện nay đều là những dự án tai tiếng, tồn tại nhiều bất cập trong quá trình triển khai, khiến khách hàng mất lòng tin. Vì vậy, khi nhận phân phối sản phẩm tại các dự án này, không ít đơn vị nghĩ ngay đến việc đổi tên dự án để thực hiện chiến dịch tiếp thị mới với những cam kết mới. Một số khác thì do “đắp chiếu” lâu năm nên thay tên để đổi vận. Tuy nhiên, cái tên không thể quyết định được số phận cũng như “cái áo chẳng thể làm nên thầy tu”, chủ đầu tư nếu đã quyết định đổi tên thì cần thay đổi cả cách làm, chú trọng tiến độ xây dựng để lấy lại lòng tin của khách hàng chứ không phải chỉ dùng cái tên để “che mắt”.
Dự án Khu đô thị Kim Chung – Di Trạch (huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) do Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng (Vietracimex, nay là WTO) làm chủ đầu tư. Dự án này được phê duyệt từ năm 2007, khởi công vào cuối năm 2018, có mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 1.000 tỷ đồng. Trong giai đoạn 1, dự án sẽ tiến hành xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và khu nhà ở biệt thự và liền kề.
Tuy nhiên vì nhiều lý do, trong đó nổi bật là nguyên nhân chỉ xây nhà ở mà không có các tiện ích như trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại kèm theo đã nhanh chóng khiến nơi này “đắp chiếu” cả thập kỷ dù đã hoàn thành một vài căn nhà liền kề, biệt thự phần thô, còn lại là đất hoang vu, cỏ dại.
Đáng chú ý, dự án này là 1 trong số 65 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách của huyện Hoài Đức. Mặc dù dự án khu đô thị Kim Chung – Di Trạch của Vietracimex vẫn đang nợ thuế đất hàng trăm tỷ đồng, nhưng gần đây bỗng được rao bán ồ ạt với tên gọi Hinode Royal Park, đặc biệt sau khi có quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án của UBND TP. Hà Nội.
Theo điều chỉnh mới được phê duyệt, dự án nâng tổng diện tích quy hoạch lên khoảng 146,7ha. Trước đó, theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 năm 2008, dự án này có tổng diện tích khoảng 138,1ha.
Trong tổng số 146,7ha, quy hoạch có đất ở khoảng 40,6ha (chiếm 27,67% diện tích nghiên cứu) gồm 47 ô đất ở liền kề diện tích gần 22ha, 27 ô đất ở biệt thự diện tích khoảng 17ha, 1 ô đất ở chung cư diện tích khoảng 1,6ha.
Hiện nay, trên nhiều trang mạng, diễn đàn mua bán bất động sản xuất hiện nhan nhản các thông tin rao bán biệt thự, liền kề tại dự án khu đô thị Kim Chung – Di Trạch với tên gọi Hinode Royal Park. Tại khu vực dự án, các nhân viên môi giới xuất hiện rất nhộn nhịp.
Theo các chuyên gia, khi mua nhà đất ở những dự án chưa đóng tiền sử dụng đất, khách hàng có thể gặp phải nhiều rủi ro như: Không xây được nhà, không được cấp sổ đỏ dẫn đến khó mua bán…
Thực tế, dự án khu đô thị mới Kim Chung – Di Trạch “đắp chiếu” cả thập kỷ từng khiến nhiều nhà đầu tư thiệt hại. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, khi dự án tái khởi động và thực hiện huy động vốn với tên gọi Hinode Royal Park như hiện nay, nguy cơ rủi ro vẫn rất cao. Vì thế, các khách hàng nên thận trọng, tìm hiểu tính pháp lý, cân nhắc trước khi rút hầu bao đầu tư vào dự án.
Không chỉ các dự án đang xây dựng dở mới đổi tên để hút khách, có những dự án mới chỉ manh nha đã đổi tên và rao bán dù chưa hình thành bất cứ một sản phẩm nào, có thế kể đến như Khu dân cư sinh thái Hòa Lạc Lotus, trước đó có tên là Hòa Lạc Lake View và từng bị báo chí phản ánh là dự án “ma”. Dự án do Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Hightech Việt Nam làm chủ đầu tư.
Nói đây là dự án “ma” bởi chính quyền địa phương cũng không hề biết có sự tồn tại của Dự án Khu dân cư sinh thái Hòa Lạc Lake View, những người dân thôn Linh Sơn (xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội) cũng không biết đến khu dân cư sinh thái này là gì, của ai và được làm bao giờ. Các khách hàng đến đây xem đều tỏ ra ái ngại về tính pháp lý của khu dân cư sinh thái này.
Bẵng đi một thời gian, khu dân cư sinh thái này được rao bán rầm rộ trở lại bằng cách “thay tên đổi họ”. Từ Khu dân cư sinh thái Hòa Lạc Lake View chuyển thành Khu dân cư sinh thái Hòa Lạc Lotus. Trên trang web https://hoalaclotus.com/, chủ đầu tư giới thiệu: “Hòa Lạc Lotus là khu dân cư sinh thái, có vị trí đắc địa, giao thông thuận tiện để kết nối đến những nơi trọng điểm của khu vực, pháp lý minh bạch rõ ràng. Là nơi an cư, nghỉ dưỡng cho những gia đình có thu nhập tốt; những kỹ sư người nước ngoài về làm việc tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc sau những giờ làm việc mệt mỏi. Diện tích tổng 9.113m2, với số lô đất dự tính là 150 với view hồ sen nguy nga và tráng lệ”. Tuy nhiên, trên thực tế, diện tích hồ sen lại không nằm trong dự án mà là do UBND xã quản lý.
Theo bảng báo giá, khi khách hàng mua sản phẩm tại dự án sẽ trải qua 3 bước. Bước 1, đặt cọc 50 triệu đồng. Bước 2, bổ sung cọc sau 7 ngày đủ 50% giá trị hợp đồng. Sau 30 ngày kể từ ngày đặt cọc thanh toán đủ 95% và ký hợp đồng công chứng. Sau 7 ngày ký công chứng chuyển nhượng, nộp đủ 95% tiền. Bước cuối cùng nhận sổ đỏ nộp nốt 5%. Chủ tài khoản nhận tiền là Đoàn Ngọc Bích. Theo tìm hiểu, trên trang web Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Hightech Việt Nam có địa chỉ tại số 2, Lô 12A, đường Trung Yên 6, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội. Đại diện pháp luật là Đoàn Ngọc Bích, trùng với thông tin người nhận tiền chuyển khoản.
Việc phân lô bán nền của Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Hightech Việt Nam có đúng quy định? Tại sao dự án phải đổi tên sau khi dính hàng loạt lùm xùm là dự án ma? Khi khách hàng đầu tư liệu sẽ phải chịu những rủi ro gì khi mà chính quyền xã cũng không hề có thông tin về việc phân lô bán nền ở khu dân cư này?
Đây chỉ là số ít trong những dự án thay tên trên địa bàn thành phố. Việc làm này của mỗi chủ đầu tư chắc chắn đều có những mục đích khác nhau. Với những dự án đã từng có “vết” hoặc bê trễ, đổi tên là cách làm hay, nhưng nếu không thay đổi cách làm thì nguy cơ lại rơi vào vòng luẩn quẩn là rất cao. Và xét cho cùng, nếu chỉ thay tên mà không “đổi họ”, nghĩa là chỉ gắn cái “mác” mới cho một dự án cũ, một cách làm cũ, tiến độ cũ thì cái mà chủ đầu tư nhận lại cũng vẫn chỉ là kết quả cũ.
Theo nhận định của giới chuyên gia, việc “ve sầu thoát xác” được các doanh nghiệp áp dụng phổ biến trong thời gian gần đây, có 2 lý do: Thứ nhất, chủ đầu tư thay tên dự án để phù hợp với chiến lược phát triển, chiến lược marketing của doanh nghiệp; thứ hai, chủ đầu tư muốn làm mới dự án của mình để che lấp những thông tin không tốt đã từng xảy ra.
Cả hai trường hợp này là bình thường với điều kiện dự án không có sai phạm hoặc đã được chủ đầu tư khắc phục sai phạm. Nhưng nếu dự án đang còn những sai phạm chưa được giải quyết mà chủ đầu tư đổi tên để bán hàng chẳng khác nào lừa khách hàng.
Ngoài ra, giới nghiên cứu bất động sản còn đưa ra cảnh báo, hiện có 4 thủ đoạn lừa người mua nhà phổ biến trên thị trường hiện nay là thay tên dự án; thay tên chủ đầu tư; “vẽ” lại quy hoạch 1/500 để tăng thêm tiện ích không có thật; tăng giá bán so với giá chủ đầu tư đưa ra.
Do vậy, khách hàng trước khi mua căn hộ cần xem xét kỹ lưỡng về mặt pháp lý của dự án. Bởi, các quyết định phê duyệt dự án, quyết định giao đất, giấy phép xây dựng… sẽ cho khách hàng biết rõ tên thật dự án, tên chủ đầu tư, số lượng căn hộ, thiết kế, tiện ích… Đồng thời, các đơn vị chức năng cần tăng cường, kiểm tra giám sát chặt chẽ hơn nữa đối với các dự án trên địa bàn mình quản lý; nếu phát hiện sai phạm, cần cương quyết, mạnh tay chấn chỉnh, tạo môi trường trong sạch cho giới đầu tư./.