Công ty CP BIC Việt Nam bị tố chiếm dụng quỹ bảo trì và mắc nhiều sai phạm tại Rice City Linh Đàm
Tự hào với những lời quảng bá “có cánh” trong phát triển nhà ở xã hội nhưng Công ty CP BIC Việt Nam lại bị chính những cư dân Rice City Linh Đàm tố cáo về hành vi chiếm dụng hàng chục tỷ đồng tiền quỹ bảo trì và nhiều vấn đề bất cập khác. Phía Công ty này viện dẫn và cho rằng mình làm đúng theo những quy định của Nghị định 100/2015/NĐ-CP nhưng Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản bác bỏ và đề nghị quận Hoàng Mai kiểm tra, yêu cầu đơn vị thực hiện đúng quy định pháp luật.
Không tổ chức hội nghị nhà chung cư, mập mờ trong việc thành lập BQT
Dự án nhà ở xã hội Rice City Linh Đàm tọa lạc tại phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội có quy mô 22.000m2, tổng vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng, tổ hợp chung cư gồm 3 khối tòa Bắc, Trung và Nam.
Trong 3 tòa nhà, mới có tòa Bắc và Trung là được thành lập Ban quản trị mới đây, sau 5 năm từ thời điểm bàn giao và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2016. Còn tòa Nam, tuy là tòa nhà có cư dân về ở đầu tiên (năm 2015) nhưng đến nay vẫn chưa được tổ chức Hội nghị nhà chung cư, chưa được thành lập Ban quản trị.
Mới đây, Reatimes nhận được đơn phản ánh của Ban quản trị tòa Trung và cư dân sinh sống tại dự án nhà ở xã hội Rice City Linh Đàm do Công ty CP BIC Việt Nam (BIC Việt Nam) làm chủ đầu tư. Nội dung phản ánh liên quan đến hàng loạt bất cập trong đó có việc chậm trễ thành lập Ban quản trị, chủ đầu tư cố tình chiếm dụng quỹ bảo trì, tự ý “biến” sân chơi thành bãi xe không phép nhằm thu lợi bất chính…
Trao đổi với Reatimes, bà Trần Hồng Vân – Tổ trưởng Tổ dân phố 38, cư dân tòa Nam chia sẻ: “Chúng tôi nhận nhà từ tháng 12/2015 nhưng đến nay, chưa thấy chủ đầu tư tổ chức hội nghị nhà chung cư. Tất cả các hệ thống trong thời gian bảo hành nay đã xuống cấp nhưng không được sửa chữa. Căn hộ tôi ở, trần nhà vệ sinh và lô gia thấm ướt, dù đã thông báo cho chủ đầu tư từ ngày nhận nhà nhưng đến nay họ vẫn không khắc phục. Bức xúc nhất là hệ thống ống bể phốt được lắp đặt cùng đường nước rửa bát nên rất hôi thối và mất vệ sinh. Tôi đã nhiều lần kiến nghị nhưng không được xử lý”.
Từ khi nhận bàn giao nhà, căn hộ nhà bà Vân đã thiếu những vật tư như trần thạch cao, liên tục bị thấm dột tường gây bất tiện trong sinh hoạt nhưng vẫn không được khắc phục, không hiểu quỹ bảo trì đã được thu chi vào việc gì?
Lý giải việc chậm thành lập Ban quản trị tại tòa Nam, ông Nguyễn Tuấn – Giám đốc truyền thông BIC Việt Nam cho biết: “Vấn đề chậm là do chưa đủ điều kiện tổ chức vì không đủ số người, có người ứng cử xong lại rút…”.
Còn ông Đặng Trường Giang – Cán bộ đô thị phường Hoàng Liệt lại giải thích rằng: “Đối với tòa Nam, việc chưa thành lập Ban quản trị là do tình hình dịch bệnh nên tránh tụ tập đông người”.
Trước những lý giải này, bà Trần Hồng Vân, cư dân tòa Nam bày tỏ: “Tôi cho rằng chủ đầu tư hoàn toàn bịa đặt, chúng tôi đã về nhận nhà ít nhất hơn 75% căn hộ, chưa tổ chức hội nghị làm sao biết có những ai qua ứng cử? Nhiều lần chúng tôi đã yêu cầu BIC làm văn bản phát từng hộ cư dân để góp ý tổng hợp nhưng BIC cứ khất lần không thực hiện. Thời điểm 25/12/2020, BIC có hứa tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu nhưng lúc đó là thời điểm giáp Tết, mọi người về quê hết, không thể tổ chức nên lại trì hoãn không biết đến khi nào”.
Bà Vân cũng cho biết thêm: “Chủ đầu tư không tổ chức hội nghị nhà chung cư, không bầu ban quản trị nên chúng tôi không nắm bắt được việc chi tiêu của phần quỹ bảo trì trong suốt mấy năm qua. Mới đây, chủ đầu tư thông báo sửa thang máy hết hơn 500 triệu đồng mà không hề thông báo cho cư dân, đây rõ ràng là việc chiếm dụng và không thể chấp nhận được”.
BIC cố tình “om” quỹ bảo trì?
Như đã nói ở trên, trong 3 tòa hiện có tòa Bắc và tòa Trung đã được thành lập Ban quản trị, tuy nhiên, phía chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao phần kinh phí bảo trì.
Nội dung đơn tố cáo nêu rõ: “Sau nhiều lần đề nghị việc chuyển giao quỹ bảo trì cho Ban quản trị tòa nhà, đến nay Công ty CP BIC Việt Nam – chủ đầu tư NƠXH tại lô đất CT5 – tòa Trung Rice City Linh Đàm vẫn chiếm dụng, nắm giữ sai quy định pháp luật”.
Ông Nguyễn Đức Long – Trưởng Ban quản trị tòa Trung bức xúc cho biết: “Theo quy định, khi có Ban quản trị và đầy đủ tư cách pháp nhân thì sau 7 ngày chủ đầu tư phải bàn giao quỹ bảo trì, nhưng họ vẫn không bàn giao. Hiện quỹ bảo trì của 280 căn hộ gồm khoảng 5 tỷ đồng. Quá trình vận hành chủ đầu tư chỉ thông báo các mục sửa chữa, các khoản thu chi cho việc bảo trì chứ không công khai. Chúng tôi đã đề nghị trả lại quỹ bảo trì nhưng chủ đầu tư không thực hiện”.
Trao đổi về vấn đề này, tại buổi làm việc với Reatimes, đại diện chủ đầu tư là ông Nguyễn Tuấn – Giám đốc truyền thông BIC Việt Nam cho biết: “Việc chậm bàn giao quỹ bảo trì có nhiều nguyên nhân vì đối chiếu chưa xong và không có sự hợp tác của Ban quản trị nên chưa thể bàn giao”.
Trước lý giải này, ông Đặng Tuấn Lương, cư dân tòa Bắc cho rằng: “Việc chủ đầu tư thông tin Ban quản trị không hợp tác là vu khống, chủ đầu tư mới chính là đơn vị không hợp tác. Cụ thể, tại cuộc họp gần đây, Ban quản trị đã yêu cầu trước ngày 25/6/2021, chủ đầu tư phải bàn giao hợp đồng chứng từ gốc về việc thu chi quỹ bảo trì nhưng đến nay họ vẫn chưa bàn giao”.
Cũng theo đại diện cư dân, chủ đầu tư còn tự ý đưa ra một số tài liệu như biên bản kiểm tra xác minh tình trạng hỏng hóc không có sự chứng kiến và thẩm định của người dân. Dù chưa được đồng thuận của cư dân nhưng chủ đầu tư đã tự ý làm hợp đồng với hãng Mitsubishi để sửa thang máy.
Ở một góc độ khác, trong các văn bản gửi các Ban quản trị và UBND phường Hoàng Liệt, Công ty CP BIC Việt Nam dẫn rằng, căn cứ khoản 2 Điều 26 Nghị định 100/2015/NĐ-CP: “Đối với nhà ở xã hội được chủ đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước thì chủ đầu tư dự án có trách nhiệm tổ chức quản lý việc sử dụng, vận hành và khai thác nhà ở xã hội”… Công ty này cũng dẫn khoản 4 Điều 26 của Nghị định 100, theo đó, đơn vị khai thác vận hành và khai thác NƠXH được quyền kinh doanh các dịch vụ khác để bù đắp các nguồn kinh phí vận hành, bảo trì…
Sau nội dung này, Ban quản trị tòa Bắc và tòa Trung đã có văn bản gửi Sở Xây dựng Hà Nội, trong đó nêu rõ việc Công ty CP BIC Việt Nam dẫn Nghị định 100/2015/NĐ-CP vào trong trường hợp này là không đúng quy định pháp luật.
Trả lời những nội dung này, ngày 18/6/2021, Sở Xây dựng có văn bản số 4997/SXD-QLN gửi UBND quận Hoàng Mai về giải quyết kiến nghị của Ban quản trị tòa Bắc và tòa Trung, chung cư Rice City Linh Đàm. Theo đó, Sở Xây dựng đề nghị quận Hoàng Mai căn cứ Luật Nhà ở, Nghị định số 30/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ, Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/2/2016, Thông tư số 06/2019/TT-BXD ngày 31/10/2019 của Bộ Xây dựng, Quyết định số 29/2020/QĐ-UBND ngày 25/11/2020 của UBND Thành phố, kiểm tra công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư Rice City Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm. Trường hợp nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý theo Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
Nội dung văn bản không nói đến việc áp dụng Nghị định 100/2015/NĐ-CP về quản lý phát triển nhà ở xã hội trong trường hợp này. Như vậy, việc Công ty CP BIC Việt Nam dẫn một số điều của Nghị định 100 liệu có thể coi là chưa phù hợp?
Ngoài nội dung này, các cư dân cũng cho rằng, việc chủ đầu tư tự ý bảo dưỡng chống thấm mặt ngoài và PCCC được kê khai tại khoản báo cáo tài chính là bất hợp lý. Cùng với đó, cư dân cũng phản ánh việc chủ đầu tư “hô biến” hàng nghìn mét vuông khu vui chơi thuộc tòa Trung và không gian chung thuộc lô CT5 thành bãi trông giữ xe cho một nhóm bảo kê, thu lợi; mặc dù cư dân đã nhiều lần phản đối, yêu cầu chủ đầu tư và phường Hoàng Liệt khắc phục, xử lý nhưng đến nay, các vấn đề này vẫn ngang nhiên tồn tại.
Có hay không việc chính quyền phường Hoàng Liệt cho sai phạm tồn tại khi chính Giám đốc truyền thông của Công ty CP BIC Việt Nam thừa nhận: “Bãi xe có một phần để không đúng quy định, tuy nhiên, trách nhiệm xử lý thì quận xử lý như thế nào chúng tôi chấp hành như vậy”?
Vậy chính quyền quận Hoàng Mai, phường Hoàng Liệt đã biết và đã từng xử lý hay chưa?
Reatimes sẽ tiếp tục thông tin!
Liên quan đến quỹ bảo trì chung cư, ông Trần Ngọc Hùng – Nguyên Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng cần phải có quy định chặt chẽ việc thu – nộp phí bảo trì ngay từ khi người dân mua nhà. Không thể chờ đến khi vào ở, tiền vào tay chủ đầu tư mới lại “kêu cứu”. Do đó, phải để người dân chủ động trong mọi tình thế và có phương án cho một bên thứ 3 đứng ra giữ quỹ.
“Cưỡng chế tài sản hay khởi tố hình sự chỉ có thể áp dụng răn đe với doanh nghiệp bất động sản còn khoẻ mạnh, còn với doanh nghiệp có dấu hiệu “chết” lâm sàng, họ đâu có sợ. Do đó, phải để người dân nắm đằng chuôi thay vì cầm đằng lưỡi. Lên phương án cho một bên thứ 3 đứng ra giữ quỹ. Tuyệt đối ngăn chặn việc sử dụng số tiền trong tài khoản đó. Hiểu đơn giản, nguồn tiền chỉ được thiết lập chiều vào, khoá chiều ra, đảm bảo còn nguyên vẹn cho đến khi dân bầu được Ban quản trị”, ông Hùng nói.
Không chỉ thế, cơ quan chính quyền cần thể hiện, nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình trước những trường hợp người dân “kêu cứu” khi quỹ bảo trì của mình bị thất thoát, “không cánh mà bay”. Bất cứ sự xử lý chậm trễ, lơ là của các cấp chính quyền cũng là một trong những lý do khiến nhiều chủ đầu tư ngày càng “lộng quyền”, coi thường pháp luật cũng như quyền lợi của người dân.