Phú Thọ: Hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững

Phú Thọ: Hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững

Đó là Chủ đề của “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn” năm 2023, diễn ra từ tuần thứ ba của tháng Chín nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường (BVMT), hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

Chiến dịch đã được các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tích cực hưởng ứng, triển khai thực hiện.

tm-img-alt
Đoàn viên thanh niên thực hiện đổi rác lấy quà, lấy cây xanh, góp phần BVMT.

Hàng năm, tỉnh Phú Thọ đã triển khai các hoạt động hưởng ứng “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn” với sự tham gia tích cực của các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị – xã hội, địa phương trong toàn tỉnh. Việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng đã thu hút đông đảo cán bộ, công nhân viên chức và nhân dân tham gia, tạo nên hiệu ứng tích cực trong cộng đồng dân cư.

Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì phát động hưởng ứng “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn”, đã căn cứ văn bản hướng dẫn của ngành tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch; hướng dẫn các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện tổ chức các hoạt động hưởng ứng.

Theo ông Nguyễn Bá Thọ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: Với Chủ đề hoạt động của Chiến dịch năm nay, Sở đã xây dựng, ban hành công văn hướng dẫn các sở, ngành, đơn vị, địa phương tổ chức các hoạt động hưởng ứng hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, chú trọng các hoạt động phân loại chất thải tại nguồn, giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải; từ chối sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy, khuyến khích phát triển, sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường hướng đến xây dựng đạo đức môi trường, văn hóa, văn minh sinh thái trong ứng xử với tự nhiên…”.

Cùng với hoạt động tuyên truyền, các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức mít tinh hưởng ứng, ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây, cải thiện, phục hồi môi trường tại các đô thị, khu dân cư, vùng lân cận, nhất là trên các sông, hồ,… Quan tâm giải quyết những vấn đề môi trường tại địa phương, đơn vị, thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý các loại chất thải phát sinh theo đúng quy định, các vấn đề ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế người dân.

Nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng Chiến dịch đã được tổ chức rộng khắp các địa phương trong tỉnh, với sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân như: Tổng vệ sinh, thu gom, xử lý, tiêu huỷ rác thải, giải toả, dọn dẹp các bãi rác, các điểm đổ chất thải không đúng nơi quy định làm ô nhiễm môi trường; khơi thông cống rãnh, xử lý các hố nước gây ô nhiễm, dọn dẹp, vệ sinh sạch sẽ, phát quang bờ bụi gần nơi ở, nơi làm việc, nơi công cộng; sửa sang hè đường, tu bổ các công trình công cộng, triển khai các giải pháp nhằm bảo vệ nguồn nước sạch và vệ sinh môi trường tại các địa bàn dân cư; tham gia thu gom bao bì thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật.

Nhiều địa phương, đơn vị đã tổ chức phát động phong trào bảo vệ rừng; trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh tại công sở, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, các gia đình nhằm huy động mọi tầng lớp nhân dân tham gia BVMT không khí, giảm phát thải khí nhà kính… Các cơ quan, đơn vị đã hạn chế sử dụng nước uống đóng chai nhựa, túi nilon khó phân hủy…

MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội từ tỉnh đến cơ sở hưởng ứng Chiến dịch với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực gắn với các phong trào, cuộc vận động của tổ chức mình. MTTQ các cấp thực hiện gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Đoàn thanh niên hưởng ứng Chiến dịch, tuổi trẻ toàn tỉnh gắn với các hoạt động: “Ngày chủ nhật xanh”, trồng cây xanh theo Chương trình “Vì một Việt Nam xanh”, đóng góp các ý tưởng, sáng kiến, đề xuất giải pháp góp phần BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Các cấp Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên và người dân về môi trường, duy trì có hiệu quả các cuộc vận động, phong trào, mô hình: “Xây dựng gia đình năm không, ba sạch”, “Xách làn đi chợ”, đường hoa, “Sạch đường, sáng ngõ”, “Sạch đồng”, “Lò đốt rác gia đình”, “Nói không với rác thải nhựa”…

tm-img-alt
Người dân phường Minh Phương, thành phố Việt Trì bóc rỡ tờ rơi, biển quảng cáo rao vặt trên các tuyến đường phố, thiết thực hưởng ứng “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn” năm 2023.

Trong BVMT, công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, từ đó hình thành thói quen tốt, hành động tích cực đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, BVMT sống. Công tác thông tin, tuyên truyền về BVMT trong đó có “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn” những năm qua đã được các cấp, ngành, địa phương chú trọng thực hiện thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng.

Ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thanh Thủy cho biết: “Thông qua công tác tuyên truyền của MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên, người dân đã nhận thức đúng, đủ về vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình trong BVMT. Chung tay BVMT đã trở thành việc làm hàng ngày, thường xuyên của mỗi cá nhân, cộng đồng dân cư từ những hành động nhỏ nhất, đời thường nhất như: Giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, bỏ rác đúng nơi quy định, hạn chế sử dụng nhựa một lần…”.

Với thông điệp cùng hành động, xây dựng lối sống bền vững, thân thiện với thiên nhiên; thực thi có hiệu quả chính sách chống rác thải nhựa, các ngành, các cấp, đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, cộng đồng trong việc bảo vệ, giữ gìn, đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn; phân loại chất thải tại nguồn, giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải; từ chối sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy, khuyến khích phát triển, sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường.

Đồng thời, các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng đã tập trung tuyên truyền, tổ chức thực hiện các quy định của Luật BVMT năm 2020 và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật, tập trung vào các quy định mới; lồng ghép nội dung về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát triển bền vững trong xây dựng, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, cơ quan.

Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền không chỉ tạo tính lan tỏa, tích cực hưởng ứng “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn” được tổ chức hàng năm mà quan trọng hơn đã hình thành thói quen, trở thành việc làm thường xuyên của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh.

Hình ảnh phụ nữ xách làn đi chợ; đoàn viên thanh niên xung kích, ra quân bảo vệ môi trường, thu gom rác thải; người dân khu dân cư vệ sinh đường làng, ngõ xóm, phát quang bụi rậm, xóa “điểm đen” bãi rác tự phát; học sinh trong trường học, cơ sở giáo dục được tuyên truyền, hướng dẫn phân loại rác thải… đã trở nên quen thuộc ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đó là những việc làm thiết thực, tạo tính lan tỏa để nâng cao nhận thức, từ đó thay đổi hành vi, thói quen của mình.

Mỗi người, cộng đồng dân cư bằng những việc làm cụ thể, thiết thực hàng ngày đều có thể góp phần hạn chế ô nhiễm, BVMT, nâng cao chất lượng cuộc sống của cá nhân, gia đình, xã hội.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích