Ngăn chặn nạn chặt phá rừng nhờ thiết bị sử dụng trí tuệ nhân tạo
Ngăn chặn nạn chặt phá rừng nhờ thiết bị sử dụng trí tuệ nhân tạo
Thiết bị có hình dáng một chiếc hộp nhỏ lấy tên là “curupiras” theo tên một sinh vật rừng dân gian chuyên săn lùng thợ săn và kẻ săn trộm.
Các nhà khoa học và môi trường Brazil mới đây đã phát triển một thiết bị sử dụng công nghệ AI có khả năng phát hiện âm thanh của tiếng cưa máy và máy kéo hoặc bất cứ âm thanh liên quan đến nạn phá rừng, để từ đó có thể sớm ngăn chặn các hành động của lâm tặc.
Thiết bị được phát triển nằm trong dự án Manaus do công ty Hana Electronics của Brazil tài trợ, với mục đích phát hiện sớm và ngăn chặn nạn chặt phá rừng trong khu rừng Amazon của Brazil.
Thiết bị có hình dáng một chiếc hộp nhỏ lấy tên là “curupiras” theo tên một sinh vật rừng dân gian chuyên săn lùng thợ săn và kẻ săn trộm.
Giám đốc dự án Thiago Almeida cho biết thiết bị được trang bị phần mềm nhận biết âm thanh của máy cưa và máy kéo hoặc bất cứ thứ gì có thể gây ra nạn phá rừng, sau đó toàn bộ âm thanh này thu thập được sẽ bộ phận AI sàng lọc và xác định âm thanh đặc trưng của chặt phá rừng, bỏ qua các âm thanh của rừng như sự di chuyển của các loài động vật, cây cối và mưa.
Ngay khi được xác định, thông tin chi tiết về mối đe dọa sẽ được gửi về trung tâm điều độ và các đặc vụ sẽ được triển khai đến đối phó với nguy cơ.
Ưu điểm của hệ thống này là chi phí rẻ, mỗi cảm biến có giá từ 200-300 USD và có thể phát hiện một cuộc tấn công hoặc một mối đe dọa ở thời gian thực để lực lượng chức năng nhanh chóng hành động, trong khi dữ liệu vệ tinh phát hiện nạn phá rừng sau khi đã xảy ra.
Dự án vừa hoàn thành giai đoạn thử nghiệm với 10 hộp nguyên mẫu được cố định trên cây ở khu vực có rừng rậm gần Manaus, thủ phủ của bang Amazonas, phía Bắc Brazil. Hiện nhóm nghiên cứu đang tìm kiếm thêm nguồn tài trợ để bổ sung thêm hàng trăm cảm biến vào hệ thống, bao gồm cả những cảm biến có thể phát hiện khói và nhiệt từ cháy rừng.
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã cam kết đến năm 2030 sẽ chấm dứt nạn phá rừng bất hợp pháp ở Amazon – nơi được mệnh danh là “lá phổi” của Trái Đất.
Đại Phong (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị