Độc đáo bản làng Tày xanh giữa thành phố Thái Nguyên
(Xây dựng) – Nhiều năm nay, thành phố Thái Nguyên được biết đến bởi sự phát triển nhanh chóng về kinh tế công nghiệp, dịch vụ và đô thị. Ít ai ngờ, giữa thành phố sôi động ấy lại có 1 bản làng của người dân tộc Tày với những mái nhà sàn thân thiện môi trường nằm núp mình dưới những tán rừng xanh biếc.
Hơn chục năm nay, ở thành phố Thái Nguyên xuất hiện 1 bản làng của người dân tộc Tày với những mái nhà sàn thân thiện môi trường nằm núp mình dưới những tán rừng xanh. |
Theo lịch sử ghi lại: Người Tày ở Thái Nguyên thường tụ cư giữa vùng giáp ranh giữa rừng và ruộng. Các bản của người Tày thường dựa lưng vào núi, hướng xuống thung lũng. Mỗi bản thường có địa vực cư trú riêng. Quy mô bản của người Tày nhỏ, mỗi bản thường chỉ có khoảng 30-60 hộ, có nhiều chòm xóm nhỏ, phân bố tương đối biệt lập, đều hướng ra cánh đồng hoặc con đường cái chạy qua. Trong mỗi bản có những họ là gốc Tày…
Vào đầu những năm 2000, đồng bào Tày ở nhiều nơi có xu hướng thay thế nhà sàn truyền thống bằng nhà xây hiện đại. Nhiều nhà sàn được bán về xuôi để phục vụ cho các hoạt động thương mại. Số khác bị phá bỏ làm củi đốt.
Lối đi trong làng cũng phủ rợp bóng cây. |
Tha thiết với văn hóa bản địa, với những tháng năm tuổi thơ đầy kỉ niệm, bà Nguyễn Thị Thanh Hải, một người con dân tộc Tày ở Định Hóa, Thái Nguyên đã thực hiện ý tưởng và tâm huyết giữ gìn lại những ngôi nhà sàn truyền thống của vùng đất quê hương.
Vậy là từ năm 2003, bà Hải đã chắt chiu tài sản cá nhân mình, mua lại những ngôi nhà sàn và phục dựng nguyên bản để gìn giữ và bảo tồn.
Để xây dựng bản làng Tày Thái Hải, bà Hải đã cho bạt đồi, đào hồ, phủ xanh 10ha rừng và chuyển 30 ngôi nhà sàn nguyên gốc từ vùng ATK Định Hóa có tuổi đời ít nhất nửa thế kỷ về đây. Những ngôi nhà sàn được phục dựng nguyên bản về kiến trúc và cấu trúc truyền thống của đồng bào dân tộc Tày nói chung và đồng bào dân tộc Tày vùng ATK Định Hóa nói riêng. Đây là các nếp nhà cũ của đồng bào dân tộc Tày. Nhà gỗ mộc, không sơn và đục đẽo tỉ mỉ như nhà gỗ người Kinh dưới xuôi.
Điểm đặc biệt là trong một khuôn viên rộng lớn ấy, các ngôi nhà sản được dựng núp dưới những tán rừng xanh. |
Nhà sàn có cấu trúc khung xuyên toang, lợp mái lá cọ. Bàn thờ tổ tiên được đặt ở gian trang trọng nhất và bếp lửa ngay lối cửa vào nhà. Sàn nhà bằng dát thân cây mai thoáng mát. Các gian phòng được bố trí theo đúng vai trò, lứa tuổi trong gia đình truyền thống dân tộc Tày.
Các ngôi nhà sản được dựng riêng biệt, núp dưới những tán rừng xanh. |
Điểm đặc biệt là trong một khuôn viên rộng lớn ấy, các ngôi nhà sản được dựng núp dưới những tán rừng xanh, khiến những ai đã có thời sinh sống hay có dịp đến với vùng núi Việt Bắc đều cảm nhận được sự thân quen đến nao lòng.
Đó có thể là mùi khói lam chiều nhẹ bay tỏa ra từ mái lá cọ, tan lẫn không gian xanh của cây lá. Là tiếng xào xạc của lá. Là tiếng líu lo trong veo của chim rừng… Đó cũng là cảm giác lành lạnh cuối chiều khi những ánh nắng cố xuyên tán rừng soi những tia vàng óng cuối ngày. Đó còn là sự thoải mái khi có thể hít thở luồng không khí trong lành, đôi lúc pha mùi trâu ngai ngái mỗi sớm mai. Đó cũng còn là sự trải nghiệm của muỗi, của vắt, của đỉa nước…trong cái môi trường không thuốc sâu và thường xuyên ẩm ướt…
Những vật liệu thân thiện, xanh mướt của rừng núi được sử dụng làm nhà. |
Không dừng lại ở việc chỉ giữ lại “phần xác” là những mái nhà sàn, bà Hải cùng các cộng sự quyết tâm mang đến cho bản làng “phần hồn”. Thổi vào đó sức sống và hồn cốt của bản làng dân tộc Tày bằng một cuộc sống thực sự bên trong và xung quanh những ngôi nhà. Ở đó mọi hoạt động sinh hoạt và lao động diễn ra bình thường như một làng bản thu nhỏ, khôi phục và lưu giữ lại những giá trị văn hóa bao đời của ông cha.
Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải thuộc xóm Mỹ Hào, xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên được hình thành như thế với những cái tên thân thương và mộc mạc khác như “Bản làng Thái Hải” hay “Gia đình Thái Hải”.
Sân lễ hội được tổ chức bài bản theo đúng nghi lễ của người Tày, thu hút sự tham gia hào hứng của du khách cũng có không gian giữa rừng cây xanh mát. |
Chị Lý Thị Chiên – Phó Giám đốc Làng giải thích: “Nhiều du khách tới đây hay thắc mắc rằng vì sao nơi đây được gọi là “bản làng”. Vì nó rộng như một cái làng? Đúng thế, nhưng đó mới là một vài phần trăm của sự thật.
Đây là một khu du lịch đặc biệt. Nó đặc biệt vì nơi đây không giống với các khu du lịch khác, quan hệ của mọi người làm việc ở đó chỉ đơn thuần là đồng nghiệp và sẽ chia tay nhau khi hết giờ hành chính. Ở đây, mọi người, các gia đình gắn bó với nhau trong một cộng đồng đoàn kết, và cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất như của người dân nơi bản làng thôn quê.
Dưới mái ngôi nhà sàn truyền thống, các thành viên có trình độ về y học cổ truyền của “Nhà Thuốc” có trách nhiệm bảo tồn, thu hái, bảo quản, cung cấp những bài thuốc để chữa bệnh cho người làng. Ngoài ra, khi du khách có nhu cầu thì “Nhà Thuốc” cũng bán. “Nhà Rượu” thì chuyên nấu rượu, “Nhà Bánh” chuyên làm các loại bánh đặc trưng, “Nhà Đan lát” làm ra những đồ gia dụng bằng tre, nứa để làng dùng và bán cho du khách…
Những chiếc thùng rác phân loại cũng được làm bằng vật liệu sẵn có và thân thiện môi trường. |
Mọi hoạt động sản xuất đều mang tính tự cung tự cấp. Người dân trong làng Thái Hải cùng trồng rau, cấy lúa, nuôi cá, chăn thả gia súc, sản xuất nước uống đóng chai, trồng và chế biến chè xanh, tự nấu rượu theo đặc trưng của dân tộc mình. Mọi hoạt động đều gắn với sinh thái, để bảo đảm không tác động tới môi trường và duy trì nguồn thực phẩm sạch để sử dụng.
Mọi người đều cố gắng duy trì và gìn giữ những nét sinh hoạt văn hóa của dân tộc mình. Từ trang phục, lời ăn tiếng nói, nếp sinh hoạt hằng ngày cho tới những lễ hội truyền thống… Các sinh hoạt văn hóa truyền thống có tính cộng đồng cao thường xuyên được tổ chức trong các đêm hội làng.
Giếng nước cũng được xây dựng theo phong cách cổ của người dân tộc Tày, mộc mạc, thân thiện môi trường. |
Bản làng Thái Hải không chỉ bảo tồn nhà sàn, trang phục, đồ dùng của đồng bào dân tộc Tày vùng Định Hóa, mà còn bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, từ ngôn ngữ, ẩm thực, trò chơi truyền thống, hát then, đàn tính đến lễ hội, nghi lễ tâm linh. Trẻ em sáu tuổi trong làng được học hát then, đàn tính. Làng luôn khuyến khích, động viên và tạo điều kiện để mọi người học và giao tiếp bằng tiếng Tày. Riêng các gia đình dân tộc trong “vùng lõi” của làng, bắt buộc phải giao tiếp bằng tiếng Tày. Các em bé độ tuổi mầm non đã được bố mẹ, ông bà dạy cho giao tiếp, nói chuyện bằng tiếng Tày.
Sẽ rất hiếm gặp một quần thể những ngôi nhà dân tộc có tuổi đời ngót nghét trăm năm như nơi đây. |
Sau hơn 10 năm gây dựng, từ năm 2014, nơi đây được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên công nhận là điểm du lịch của tỉnh. Cái tên Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải cũng dần được thay thế bản làng Thái Hải ngày nào.
Đầu năm 2023, Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải là đại diện duy nhất của Việt Nam được tổ chức Du lịch Thế giới công bố nằm trong danh sách 32 làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2022 ghi nhận những cống hiến không mệt mỏi vì cộng đồng của gia đình.
Du khách quốc tế tham gia các hoạt động trải nghiệm thân thiện môi trường tại làng sinh thái Thái Hải. |
Giữa nhịp sống hiện đại, khi mà những giá trị văn hóa dân tộc đang dần mai một, thì bản làng Thái Hải đã trở thành địa điểm ý nghĩa không chỉ cho khách tham quan mà còn cho các thế hệ người Việt, được tìm về với bản sắc dân tộc về với một vùng quê đậm nét xanh của núi rừng Thái Nguyên.
Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2023 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết. |
Nguồn: Báo xây dựng