Cần tháo gỡ rào cản, thúc đẩy phát triển công trình xanh ở Việt Nam

(Xây dựng) – Nhận thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng, tiêu chí đánh giá cụ thể, chi phí tăng thêm và thói quen áp dụng mô hình cũ của nhà sáng tạo, đơn vị thi công… là những rào cản cần được gỡ bỏ để phát triển công trình xanh ở Việt Nam.

Cần tháo gỡ rào cản, thúc đẩy phát triển công trình xanh ở Việt Nam
Ông Nguyễn Công Thịnh – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng).

Từ cuối năm 2021, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Vương quốc Anh, Việt Nam đã cam kết biện pháp giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Tuy nhiên, đến hết tháng 6/2023, Việt Nam mới có 296 công trình xanh. Tính đến nay có khoảng hơn 300 công trình với tổng diện tích khoảng 7 triệu m2 sàn xây dựng đạt tiêu chí công trình xanh. So với số lượng dự án được xây dựng suốt thập niên vừa qua thì đây vẫn là con số khiêm tốn. Bởi thực tế, còn khá nhiều rào cản khiến cho thị trường công trình xanh Việt Nam vẫn chưa được khai thác một cách tích cực và hiệu quả.

Ông Nguyễn Công Thịnh – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết: “Trước tiên phải làm rõ về tiêu chí đánh giá công trình xanh. Hiện nay trên thị trường có 4 hệ thống đánh giá công trình xanh và Việt Nam công nhận tất cả các hệ thống đánh giá có mặt trên thị trường. Các công trình sử dụng phổ biến công nghệ của Hoa Kỳ và Singapore. Các hệ thống này hiện nay có đầy đủ tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cụ thể. Vấn đề là các doanh nghiệp có thuê đúng đơn vị tư vấn xanh hay không? Có thực hiện đúng các yêu cầu đó không? Các đơn vị tư vấn xanh hiện có mặt trải dài trên cả nước, đáp ứng đầy đủ về kỹ thuật, nhân lực, thời gian đánh giá chất lượng công trình xanh.

Khó khăn tiếp theo là rào cản nhận thức của người tiêu dùng. Họ phải hiểu về công trình xanh và sử dụng thì mới thúc đẩy thị trường. Nếu chủ đầu tư đưa ra sản phẩm xanh nhưng người tiêu dùng không sử dụng, không coi trọng sản phẩm đó thì điều đó ảnh hưởng rất lớn đến động lực phát triển của doanh nghiệp.

Tiếp đó là vấn đề chi phí tăng thêm. Chắc chắn đầu tư cho công trình xanh sẽ phải tăng thêm chi phí về vốn, nhân lực, kỹ thuật, trong khâu lập dự án đầu tư, thiết kế thi công xây dựng, quản lý vận hành công trình xanh. Chứ không phải đầu tư xong, có chứng nhận nhưng không duy trì, thì sẽ không đạt tiêu chí công trình xanh nữa.

Về sản phẩm, vật liệu, thiết bị sẵn có trên thị trường để chúng ta áp dụng. Thói quen của các kiến trúc sư, các đơn vị nhà thầu thi công xây dựng vẫn áp dụng những mô hình cũ. Khi tích hợp các vật liệu xanh sẽ mất thêm thời gian, phải tính toán lựa chọn vật liệu sao cho phù hợp.

Một yếu tố khách quan khác là do dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến tiềm lực, nguồn vốn của doanh nghiệp. Trong đó, khả năng về mặt mở rộng đầu tư xây dựng mới các dự án cũng khó khăn. Đặc biệt, vốn ưu đãi cho công trình xanh chưa được mở rộng, gần đây mới có một số ít ngân hàng đang thực hiện triển khai nguồn vốn này”.

Với những rào cản nêu trên, nhiều doanh nghiệp cho biết họ tự nhận thấy chưa đủ tâm huyết và năng lực để tham gia đầu tư phát triển công trình xanh, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản liên tục rơi vào tình trạng “đóng băng”, ảm đạm suốt thời gian qua. Tuy nhiên, cũng phải ghi nhận nhiều chủ đầu tư là những doanh nghiệp lớn đã khẳng định được thương hiệu của mình trong lĩnh vực này, họ sẵn sàng tiên phong, chấp nhận đội vốn phát sinh để tạo dựng những sản phẩm trở thành công trình xanh tiêu biểu hiện nay.

Cần tháo gỡ rào cản, thúc đẩy phát triển công trình xanh ở Việt Nam
Dự án EcoLife Capitol đã nhận 4 chứng chỉ xanh, gồm chứng chỉ EDGE cho giai đoạn thiết kế và chứng chỉ EDGE giai đoạn hoàn công.

Ông Trịnh Tùng Bách – Giám đốc Ban Nghiên cứu & Phát triển của Capital House tự hào chia sẻ: “Thực sự chúng tôi rất vinh dự khi bổ sung thêm chứng chỉ EDGE chính thức cho dự án EcoLife Capitol. Đây là một dự án rất tâm huyết của chúng tôi và hiện Tập đoàn Capital House cũng đang đặt trụ sở chính tại tòa nhà. Trước đây, dự án EcoLife Capitol đã nhận 4 chứng chỉ xanh, trong đó có 02 chứng chỉ EDGE cho giai đoạn thiết kế. Dự án nhận thêm chứng chỉ EDGE chính thức là một bước hoàn thiện cho công trình xanh tâm huyết này.

Bất cứ chủ đầu tư nào khi muốn làm công trình xanh thì việc đầu tiên là các bản vẽ thiết kế phải đảm bảo đúng các tiêu chí xanh. Chứng chỉ xanh thiết kế chỉ là mở đầu. Trong quá trình thi công hoàn toàn có thể xảy ra chuyện chủ đầu tư thay đổi thiết kế, không làm đúng các tiêu chí công trình xanh. Chứng chỉ xanh giai đoạn hoàn công khẳng định việc chủ đầu tư có làm đúng như cam kết hay không. Đó là khác biệt lớn nhất.

Còn khác biệt nữa là trong giai đoạn thiết kế có một số hạng mục không phù hợp hoặc có những hạng mục cần cải thiện hơn, chứng chỉ xanh chính thức sẽ chứng minh cho phần việc này. Trong quá trình triển khai thực tế, chủ đầu tư có thể ứng dụng các tiêu chí xanh tốt hơn so với bản thiết kế để công trình hoàn thiện hơn.

Ví dụ với dự án EcoLife Capitol, trong thiết kế ban đầu không dùng tường cách nhiệt cho phía Tây nhưng khi thi công thấy bức tường này sẽ hấp thụ nhiệt rất lớn nên chúng tôi đã đề xuất và nghiên cứu sử dụng biện pháp cách nhiệt tường. Sự thay đổi này giúp bức tường phía Tây giảm nhiệt đi rất nhiều.

Các căn hộ tòa A2 của EcoLife Capitol phía Tây hứng nắng nhiều, chúng tôi đã quyết định bỏ thêm hơn 3 triệu đồng làm biện pháp cách nhiệt cho mỗi căn hộ. Nếu làm một phép tính đơn giản, tập đoàn đã bị đội thêm một chi phí không nhỏ khi áp dụng tường này cho 34 tầng. Hay như mật độ diện tích sử dụng ở EcoLife Capitol chỉ 38,5%, thấp hơn so với quy định là 40%. Thực sự, muốn làm được công trình xanh thì chủ đầu tư phải hy sinh ở một mức nào đó.

Cuối cùng, tôi vẫn muốn khẳng định lại với công trình xanh, chứng chỉ là phần vỏ, còn để tạo ra công trình xanh thực sự thì tất cả các yếu tố, cuộc sống trong đó, đặc biệt là yếu tố con người, vận hành thế nào, ý thức ra sao mới tạo ra được một cuộc sống xanh thực sự”.

Cần tháo gỡ rào cản, thúc đẩy phát triển công trình xanh ở Việt Nam
Hệ thống năng lượng mặt trời hiện đại được đầu tư trên mái dự án nhà ở TNT Bắc Ninh của HUDLAND.

Ông Vũ Tuấn Linh – Phó Giám đốc HUDLAND, chủ đầu tư Dự án Nhà ở thu nhập thấp Bắc Ninh cũng tự hào cho biết: “Dự án nhà thu nhập thấp Bắc Ninh là nhà giá rẻ, chi phí đầu tư thấp, chúng tôi tập trung nhiều vào giải pháp thiết kế kiến trúc, bố trí các không gian xanh và sử dụng các thiết bị, vật liệu xanh… HUDLAND luôn tính toán kỹ lưỡng, chú trọng đến vấn đề tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Dự án này triển khai xây dựng trong bối cảnh lợi nhuận dự án không được quá 10%, việc sử dụng giải pháp thiết kế xanh và sử dụng Vật liệu xanh làm tăng chi phí đầu tư xây dựng. Tuy gặp khó khăn nhưng HUDLAND áp dụng những giải pháp sáng tạo từ thiết kế đến sử dụng vật liệu xanh vào công trình, với mục tiêu đáp ứng được các tiêu chí của 1 dự án công trình xanh nhưng vẫn đảm bảo sản phẩm giá rẻ cho người thu nhập thấp có thể tiếp cận. Nhờ đó dự án nhà thu nhập thấp Bắc Ninh là dự án đầu tiên và duy nhất trên địa bàn được Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cấp chứng nhận Công trình xanh Egde”.

Chị Nguyễn Khánh Huyền, một cư dân đang sống lại Dự án nhà ở thu nhập thấp này không giấu nổi niềm khấn khích bày tỏ: “Vốn chỉ mong ước có một căn nhà phù hợp khả năng tài chính để ở, tôi khá bất ngờ về chất lượng thực sự của dự án. Tôi hoàn toàn không nghĩ nhà ở thu nhập thấp lại đẹp, thoáng và tiện ích như này. Các căn hộ đều ngập tràn ánh sáng và thông gió tự nhiên, thoáng mát. Bên cạnh các khu chức năng bắt buộc như phòng sinh hoạt chung, hệ thống kỹ thuật phụ trợ còn được đầu tư khu bể bơi trên mái nhà để xe, tạo nên tiện ích và cảnh quan hấp dẫn. Đặc biệt, dự án được đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời hiện đại trên mái, giúp tiết kiệm điện năng trong quá trình vận hành, góp phần giảm giá dịch vụ, đồng thời tăng tiện ích, nâng cao chất lượng sống cho cư dân. Về đây ở, tôi mới hiểu được dự án, công trình xanh không chỉ đơn thuần là nhiều cây xanh, nhiều màu xanh, mà còn là môi trường sống xanh từ vật liệu, nguồn năng lượng, chất lượng không khí… giúp chúng tôi vô cùng yên tâm và tự hào về nơi mình sống”.

Tiếc là, số lượng doanh nghiệp sẵn sàng hy sinh lợi nhuận, dành nhiều tâm huyết để phát triển công trình xanh vẫn còn khiêm tốn và ít ỏi. Rất nhiều doanh nghiệp lớn, được đánh giá cao về uy tín và vị thế trong lĩnh vực đầu tư phát triển thị trường bất động sản Việt Nam vẫn chưa quan tâm, thậm chí “chưa được biết”, “chưa nghe nói gì” về lĩnh vực này. Đây cũng chính là mục tiêu cần hướng đến trong việc tìm kiếm giải pháp để tháo gỡ những rào cản, thúc đẩy phát triển công trình xanh trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Công Thịnh – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết thêm: “Sắp tới, Bộ Xây dựng sẽ tổ chức tọa đàm chính sách để đánh giá hiện trạng, lắng nghe và trao đổi thực tiễn với doanh nghiệp đang mắc phải những khó khăn, rào cản trong thúc đẩy phát triển công trình xanh. Từ đó, có sự trao đổi với các Bộ, ngành, tổ chức tài chính, ngân hàng cho vay Dự án xanh tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy mô hình công trình xanh này cho phù hợp. Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng rất muốn lắng nghe xem đang vướng mắc gì, từ đó tập trung định hướng nghiên cứu, đề xuất chính sách cho phù hợp. Các doanh nghiệp cũng có cơ hội để lĩnh hội, tiếp cận những định hướng để tự đưa giải pháp điều chỉnh sao cho phù hợp. Đặc biệt, Tuần lễ Công trình xanh 2023 chính là sân chơi, diễn đàn để các bên trao đổi, kết nối để có những chương trình hợp tác, cùng chung tay phát triển Công trình xanh ở Việt Nam”.

Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2023 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích