Vẽ giấc mơ xanh nơi vùng biên giới (Bài 1)
Lời dẫn: Vùng đất biên cương Lào Cai – nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, có 25 dân tộc anh em cùng sinh sống, ẩn chứa nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng. Gần đây, không ít người đã yêu mến vùng đất này và dành trọn đam mê, tâm huyết, thiết kế xây dựng các công trình xanh, không gian văn hóa, bảo tồn kiến trúc truyền thống, giữ gìn bản sắc, trở thành điểm đến xanh, thân thiện, hấp dẫn du khách, đưa du lịch phát triển theo hướng bền vững.
Bài 1: Kiến trúc sư trên “cao nguyên trắng”
(Xây dựng) – Có người không thích vì anh hay nói nhiều, cũng có người bảo anh nên dành thời gian làm việc khác thay vì lên mạng xã hội bày tỏ quan điểm cá nhân về kiến trúc đô thị du lịch và không gian văn hóa nông thôn, miền núi. Bỏ qua những ý kiến ấy, bao năm qua, Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Huy Trung vẫn miệt mài với niềm đam mê của mình để dần hiện thực hóa ước mơ, khát vọng xây những công trình xanh bền vững cho “cao nguyên trắng” Bắc Hà.
KTS Phạm Huy Trung say mê với việc thiết kế cổng làng văn hóa du lịch vùng cao Bắc Hà. |
Ấn tượng từ điểm dừng chân bên đường
Từ lâu, vùng đất Bắc Hà được du khách trong và ngoài nước biết tới bởi thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu mát mẻ, bản sắc dân tộc độc đáo của cộng đồng các dân tộc nơi đây. Mùa xuân, Bắc Hà ngập trong sắc hoa mận nở trắng núi rừng, bản làng, nên được gọi là “cao nguyên trắng”. Đến xã Tả Van Chư, ấn tượng với chúng tôi là đường vào xã có điểm dừng chân được xây dựng với kiến trúc độc đáo mang dáng dấp ngôi nhà đất của người Mông. Trên khoảng đất nhỏ, điểm dừng chân được thiết kế như chiếc cổng, tường đất dày, mái lợp gỗ sa mộc. Khi gặp mưa nắng bất chợt du khách có thể tạm dừng chân. Đặc biệt hơn, du khách có thể tìm hiểu về du lịch địa phương qua tấm bản đồ khổ lớn gắn trên tường đất. Đây cũng là nơi nhiều du khách nước ngoài chụp ảnh lưu lại kỷ niệm và khoe với bạn bè.
Bản vẽ các công trình do KTS Phạm Huy Trung thiết kế. |
Khi hỏi về những điểm dừng chân và cổng chào ấn tượng mang dấu ấn văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số ở Bắc Hà, người dân địa phương đều biết tác giả là kiến trúc sư trẻ Phạm Huy Trung, người dành tâm huyết và đam mê với văn hóa bản địa. KTS Phạm Huy Trung cho biết: Khi đến làng du lịch nào đó, ấn tượng đầu tiên với mỗi du khách là chiếc cổng chào, cổng nhà, hay đơn giản là điểm dừng chân nghỉ ngơi, chụp ảnh. Vì thế, mỗi điểm dừng chân, cổng chào có thể mang đến một thông điệp về văn hóa, hoặc quảng bá nét đẹp văn hóa của cộng đồng nếu được thiết kế phù hợp.
Công trình điểm dừng chân tại xã Bản Liền khi xây dựng xong và đi vào sử dụng. |
Các công trình này tôi đều lấy ý tưởng từ kiến trúc nhà truyền thống của người Mông, người Tày, cùng các vật liệu đơn giản, dễ tìm mà bà con thường sử dụng như đất sét, đá, gỗ, tre, lá cọ… Có lẽ vì thế, mỗi chiếc cổng chào, điểm dừng chân được thiết kế đơn giản, tiết kiệm chi phí, nhưng vẫn gần gũi, quen thuộc với người dân bản địa, đồng thời tạo ấn tượng với du khách khi đến tham quan.
Xây không gian văn hóa vùng cao thân thiện, hữu ích
Không chỉ thiết kế cổng chào, điểm dừng ở mỗi điểm du lịch cộng đồng, nhiều năm qua, KTS Phạm Huy Trung vẫn trăn trở về việc bảo tồn không gian văn hóa bản làng vùng cao, đặc biệt là phát huy giá trị kiến trúc nhà truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số.
Cổng thôn Quán Dín Ngài được thiết kế đơn giản nhưng đẹp mắt. |
Mỗi ngày, trên Facebook cá nhân, KTS Phạm Huy Trung đều đăng thông tin, hình ảnh về các bản làng vùng cao, cũng như ý tưởng thiết kế các công trình. Những ngôi nhà đất của người Mông, nhà sàn của người Tày ở Bắc Hà được anh chụp lại trong không gian bình yên, xanh mát, hùng vĩ của núi rừng. Đó là kết quả của nhiều chuyến đi, tìm hiểu thực tế, ghi chép tư liệu. Kiến trúc sư Phạm Huy Trung không khỏi trăn trở khi kiến trúc nhà truyền thống dần bị mai một, thay bằng những ngôi nhà cao tầng như ở thành phố. Anh cho rằng khi đến homestay ở vùng cao, những chòi lán đơn sơ, mộc mạc lại là điểm nhấn cho cảnh quan chứ không phải là nhà xây bê tông thiếu tính toán về kiến trúc.
Điểm dừng chân thôn tả Van Chư thiết kế theo kiến trúc nhà trình tường của người Mông. |
KTS Phạm Huy Trung chia sẻ: Nhiều đời trước, đồng bào Mông ở Bắc Hà đã sinh sống trong những ngôi nhà tường đất dày lợp 4 mái, mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Hệ thống mái che bao quanh chống mưa nắng hắt vào hiên nhà và tạo không gian cho sinh hoạt như để củi, để cối xay và các loại đồ đạc. Hai đầu mái nhà có khoảng hở giúp không khí lưu thông, tạo độ thoáng mát cho ngôi nhà. Tuy nhiên, kiến trúc nhà này cũng có một số hạn chế như nền thấp và ít cửa sổ, vật liệu lợp mái nhà chủ yếu là tấm lợp xi măng nên nóng, không tốt cho sức khỏe. Khu nhà bếp chưa có ống khói nên không gian bên trong thường bị ám khói. Nếu tận dụng các ưu điểm và khắc phục các nhược điểm thì bà con sẽ có ngôi nhà không chỉ phù hợp với cảnh quan núi rừng, giữ được bản sắc văn hóa mà còn tốt cho sinh hoạt hằng ngày.
Trò chuyện với KTS Phạm Huy Trung, chúng tôi được biết ngoài vai trò một kiến trúc sư, anh còn là chủ một homestay tại thị trấn Bắc Hà, hướng dẫn viên du lịch, đồng thời là Chủ tịch Câu lạc bộ du lịch Bắc Hà. Có lẽ, chính công việc hằng ngày gắn với du lịch nên anh luôn suy nghĩ tới việc bảo tồn kiến trúc nhà truyền thống của đồng bào các dân tộc Bắc Hà để phát triển du lịch cộng đồng. Hiện nay, KTS Phạm Huy Trung đang dành nhiều thời gian nghiên cứu, thiết kế cổng nhà, cổng homestay cho các hộ dân, góp phần tạo không gian xanh, thân thiện, lan tỏa các giá trị văn hóa của cộng đồng.
Kiến trúc sư tâm huyết vì người nghèo
Dịp Tết Nguyên đán 2023, gia đình ông Ma Seo Xè, thôn Sán Sả Hồ, xã Thải Giàng Phố được đón niềm vui mới khi được bàn giao ngôi nhà xây khang trang thiết kế theo kiến trúc nhà truyền thống của người Mông. Trước đó, cả gia đình ông Xè phải sống trong ngôi nhà cũ dột nát, có nguy cơ sập đổ khi mưa bão. Ông Ma Seo Xè xúc động: Gia đình rất biết ơn KTS Phạm Huy Trung và câu lạc bộ “Bắc Hà yêu thương” đã kêu gọi cộng đồng ủng hộ xây ngôi nhà mơ ước trị giá 120 triệu đồng.
KTS Nguyễn Huy Trung trong một hội thảo về bảo tồn cảnh quan và bản sắc văn hóa. |
Nhắc tới KTS Nguyễn Huy Trung, không chỉ ông Xè mà nhiều người dân ở vùng cao Bắc Hà vẫn cảm ơn anh vì những việc làm có ý nghĩa cho xã hội. Là thành viên tích cực của Câu lạc bộ thiện nguyện “Bắc Hà yêu thương”, thời gian qua, KTS Phạm Huy Trung tích cực kêu gọi mọi người chung tay ủng hộ, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngoài hộ ông Ma Seo Xè kể trên, anh Trung còn kêu gọi ủng hộ trên 17 triệu đồng để làm nhà mới cho gia đình ông Lâm A Chiêm, thôn Nậm Cậy, xã Bản Liền bị sạt lở nhà do mưa bão; 10 triệu đồng cho gia đình ông A Páo, thôn Ngải Thầu, xã Na Hối không may bị cháy nhà. Ngoài ra, KTS Huy Trung còn nêu ý tưởng xây dựng Quỹ “Địu tre ở lại” và tặng 80 chiếc địu tre cho những hoàn cảnh khó khăn ở vùng cao…
KTS Phạm Huy Trung tham gia nhiều hoạt động vì người nghèo ở vùng cao Bắc Hà. |
KTS Phạm Huy Trung chia sẻ: “Không phải mọi việc mình làm, ý tưởng, thiết kế của mình đều là tốt cả. Có nên tiếp tục với những ước mơ, ý tưởng, những chia sẻ hay chỉ nghĩ tới việc thu lại những giá trị cho bản thân và gia đình? Không, chắc chắn không thể làm thế được, vì bản thân và gia đình mình vẫn là một phần của xã hội. Ý tưởng thì nhiều, nhưng mình cần nhiều người quan tâm, thực hiện, cùng tạo ra những công trình hạnh phúc cho xã hội”.
Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2023 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết. |
Nguồn: Báo xây dựng