Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 27/9/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 27/9/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 27/9/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 27/9/2023 trên Môi trường và Đô thị.
Ninh Bình: Tổ chức “Phiên chợ xanh – bảo vệ môi trường nông thôn”
Theo bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam: Nhiều năm qua, Hội LHPN Việt Nam luôn coi công tác bảo vệ môi trường là một trong những nội dung hoạt động trọng tâm, tích cực phối hợp với các cấp, các ngành, đoàn thể vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia nhiều hoạt động thiết thực về bảo vệ môi trường.
Sự kiện truyền thông “Phiên chợ xanh – bảo vệ môi trường nông thôn” với chủ đề “Chung tay hành động cho thế giới sạch hơn” góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường; khuyến khích các hoạt động, phong trào cộng đồng vì môi trường, hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững; thực thi hiệu quả các cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cũng kêu gọi hãy cùng hành động, xây dựng lối sống bền vững, thân thiện với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học bằng cách phân loại rác tại nguồn, hạn chế sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần; tích cực trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng; thực hiện xử lý rác hữu cơ, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, hình thành và duy trì thói quen tốt góp phần bảo vệ môi trường, làm cho thế giới sạch hơn và đất nước phát triển hài hòa, bền vững.
Phát biểu tại Chương trình, ông Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Tỉnh Ninh Bình đánh giá cao sự kiện “Phiên chợ xanh – Bảo vệ môi trường nông thôn” với thông điệp “Mỗi phụ nữ, mỗi người dân đều góp phần quan trọng trong công việc bảo vệ môi trường, từ những việc nhỏ nhất. Hãy đối xử tốt với thiên nhiên từng ngày, mỗi người một hành động nhỏ sẽ mang tới kết quả lớn. Mỗi cá nhân, mỗi hội viên phụ nữ đều là một mảnh ghép tích cực, cùng nhau hành động vì môi trường và vì tương lai của chính chúng ta” do Hội LHPN Việt Nam tổ chức tại vùng đất Cố đô Hoa Lư lịch sử. Đây là một trong những hoạt động cụ thể, thiết thực trong công tác bảo vệ môi trường.
Để hưởng ứng sự kiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Song Tùng đề nghị các cấp ủy, chính quyền các cấp; các cơ quan, đoàn thể, người dân và đặc biệt là hội viên Hội Phụ nữ các cấp trên địa bàn tỉnh: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác môi trường. Đặc biệt là các chủ trương của Trung ương Hội LHPN Việt Nam và của địa phương đã đề ra.
Vận động toàn thể đoàn viên, hội viên và gia đình triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường bằng những chương trình cụ thể như: “Hưởng ứng phong trào trồng 1 tỷ cây xanh”, “sử dụng các hóa chất có nguồn gốc từ thiên nhiên”, “hạn chế sử dụng túi nilon”, “tái chế rác thải”, “hạn chế sử dụng giấy”… bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Tích cực tham gia phong trào xây dựng môi trường nông thôn “xanh – sạch – đẹp” kết hợp với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.
Có hình thức khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân có cách làm hay, mô hình điển hình tiên tiến để nhân rộng.
Ngay sau khi kết thúc sự kiện này, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hãy thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, cùng nhau chung tay bảo vệ môi trường vì một xã hội phát triển bền vững, vì chính cuộc sống của chúng ta hôm nay và cho cả mai sau.
Trong khuôn khổ sự kiện, các đại biểu đã được xem kịch ngắn về chủ đề bảo vệ môi trường do các nghệ sĩ thể hiện; các trò chơi giao lưu; nhảy dân vũ “Đến với con người Việt Nam tôi” và tham quan các gian hàng trưng bày các sản phẩm tái chế, sản phẩm sạch an toàn, sản phẩm OCOP từ 3 sao tại địa phương; triển lãm ảnh với chủ đề “Phụ nữ chung tay bảo vệ môi trường” và tổ chức điểm thu gom chất thải tái chế, tái sử dụng.
Thanh Hóa: Chỉ đạo về ứng phó với mưa lớn, nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất
Theo công văn số 90/PCTT,TKCN&PTDS ngày 26/9 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa gửi Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các huyện, thị xã, thành phố; Các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Giao thông vận tải,
Công thương, Tài nguyên và Môi trường và các Sở, ngành liên quan; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh; Các Công ty Khai thác công trình thủy lợi nêu rõ:
Cụ thể, theo tin của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thanh Hóa, trong 24h qua, (08h ngày 25/9 – 08h ngày 26/9), khu vực tỉnh Thanh Hóa đã có mưa, mưa vừa có nơi mưa to và dông; lượng mưa đo được tại các điểm đo mưa tự động: Huyện Nông Cống (Yên Mỹ 163.4mm, Thăng Thọ 105.4mm); huyện Quảng Xương (Ngọc Trà: 129.8mm); huyện Như Thanh (Thanh Tân 100mm, Vườn quốc gia Bến En 78.6mm); huyện Như Xuân (Xuân Bình: 99.4mm, Yên Cát: 94mm). Dự báo từ nay (26/9) đến ngày 28/9, khu vực tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông; lượng mưa phổ biến ở khu vực vùng núi phía Bắc và Tây bắc từ 40 – 80mm, khu vực đồng bằng ven biển và phía Nam, Tây nam từ 80 – 180mm, có nơi trên 200mm.
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn, lũ và nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, Văn phòng thường trực Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các huyện, thị xã, thành phố, các Sở, ngành và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện tốt một số nội dung sau:
Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất.
Tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.
Triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp; điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với tình hình thực tế; chỉ đạo rà soát, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn đối với khu khai thác tài nguyên, khoáng sản.
Chỉ đạo kiểm tra, rà soát, triển khai phương án đảm bảo an toàn các công trình đê điều, thủy lợi, thủy điện và hạ du, các khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, công trình đê điều, thủy lợi xung yếu, các vị trí đang xảy ra sạt lở; bố trí lực lượng thường trực và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh và Văn phòng thường trực Chỉ huy Phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh. Đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các huyện, thị xã, thành phố và các Sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện.
Nhiều tuyến đường ở Nghệ An bị ngập lụt, giao thông gây chia cắt
Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải, mưa lớn làm ngập nước trên 31 cầu tràn, đường. Trong đó, các tuyến Quốc lộ có 14 vị trí; đường tỉnh có 17 vị trí; phải đóng đường trên 13 vị trí trên tuyến Quốc lộ, 16 vị trí trên tuyến đường tỉnh.
Cụ thể, trên tuyến Quốc lộ:
-QL.15: Tràn Làng Tra 2 km207+100: ngập 50cm; Tràn Khe Con km239+650: ngập 30cm; Tràn Khe Lá km259+500: ngập 30cm; Tràn Khe Thần km252+600: ngập 30cm; Tràn Khe Mít km258+400: ngập 30cm; Tràn Nguyên Bình Sơn km249+400: ngập 30cm.
+QL.16: Km255+100 (thị trấn Kim Sơn, Quế Phong): Đường ngập, đơn vị đóng đường, trực đảm bảo giao thông.
+ QL.48: (1) Km88+00 (xã Châu Hạnh, Quỳ Châu): Đường ngập, đóng đường, trực đảm bảo giao thông; Km91+400 (thị trấn Tân Lạc, Quỳ Châu): Đường ngập, đóng đường, trực đảm bảo giao thông; Km94+100 (thị trấn Tân Lạc, Quỳ Châu): Đường ngập, đóng đường, trực đảm bảo giao thông; Km106+ 00 (xã Châu Tiến, Quỳ Châu): Đường ngập, đóng đường, trực đảm bảo giao thông.
+ QL.48E: Tràn Km59+950 (thị trấn Nghĩa Đàn); Tràn Km61+950 (thị trấn Nghĩa Đàn) ngập đường công vụ thi công cống 30-40cm; Km63+800 (xã Nghĩa Sơn, Nghĩa Đàn).
Trên đường tỉnh có 16 vị trí đóng đường:
+ ĐT.531B: Tràn Km2+250 (xã Minh Hợp, Quỳ Hợp): nước ngập 90cm, đóng đường, trực đảm bảo giao thông; Tràn Km3+700 (xã Minh Hợp): Nước ngập 110cm, đóng đường, trực đảm bảo giao thông; Cầu Km8+300 (xã Minh Hợp, Quỳ Hợp): Nước ngập 80cm, đóng đường, trực đảm bảo giao thông.
+ ĐT.532: Tràn Km4+850 (xã Châu Lộc, Quỳ Hợp): Nước ngập 30cm, đóng đường, trực đảm bảo giao thông; Tràn Km5+500 (xã Châu Lộc, Quỳ Hợp): Nước ngập 30cm, đóng đường, trực ĐBGT; Tràn Km6+950 (xã Châu Lộc, Quỳ Hợp): Nước ngập 30cm, đóng đường, trực đảm bảo giao thông; Tràn Km16+950 (xã Châu Lộc, Quỳ Hợp): Nước ngập 60cm, đóng đường, trực đảm bảo giao thông.
+ Đt.534D: Tràn khe Hao km10+800 ngập 20cm.
+ ĐT.544: Tràn Km23+850 (xã Châu Phong): Nước ngập 80cm, đóng đường, trực ĐBGT; Tràn Km25+250 (xã Châu Phong): Nước ngập 100cm, đóng đường, trực đảm bảo giao thông.
+ ĐT.534C: Tràn Km11+300/ĐT.534C ngập 1-1.5cm, nước đang lên.
+ ĐT.538: ĐT538 tràn xăng dầu km 28 nước ngập 40cm
+ ĐT.543D: Khe Kiền dâng cao gây ngập đường tại Km6+500, ngập sâu 40 cm.
+ ĐT.541B: Hiện tại các tràn Chà Lạp I, II, III đều bị ngập sâu khoảng 1m.
Mưa lớn làm sạt lở ta luy âm, ta luy dương 3 vị trí trên tuyến Quốc lộ QL.48: (sạt lở ta luy dương: Km85+700(T), Km98+100(T). Km103+100(P) ách tắc giao thông, đơn vị đang khắc phục đảm bảo giao thông).
– Trên QL.16: 2 vị trí (tại Km264+700: Xuất hiện vết nứt ngang mặt đường xuất hiện từ năm 2022); Tại Km265+800: Sạt lở mái taluy dương các phương tiện tham gia giao thông không lưu thông được).
Trên đường tỉnh: ĐT.543B: Km33+300 (T); Km33+500 (T) sạt lở taluy dương làm ách tắc giao thông, đơn vị đang đảm bảo giao thông bước 1.
Các vị trí ngập lụt được đơn vị quản lý giao thông phối hợp các lực lượng chính quyền địa phương bố trí rào chắn, biển báo, tổ chức trực gác 24/24h để đóng đường, cấm người, phương tiện qua lại cũng như đảm bảo an ninh trật tự.
Hà Tĩnh tiếp tục có mưa to và dông, nhiều tuyến đường bị sạt lở ngập úng
Lượng mưa tính từ 1h ngày 25/9 đến 1h ngày 26/9 phổ biến 50 – 99mm. Riêng khu vực Hương Khê, Can Lộc, Hồng Lĩnh, Thạch Hà có mưa rất to và lượng mưa phổ biến: 120 – 250mm,
Do ảnh hướng của hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới nên ở khu vực Hà Tĩnh, từ nay đến ngày 28/9, khu vực Hà Tĩnh tiếp tục có mưa to đến rất to và dông. Lượng mưa phổ biến 150 – 300mm, có nơi trên 350mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các huyện vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Hương Khê, tổng lượng mưa đo được tại Trạm Khí tượng thị trấn Hương Khê từ 23h ngày 24/9 đến 6 giờ ngày 26/9 là: 215,7mm. Mực nước đo được tại Trạm Thuỷ văn Chu lễ sáng 26/9 là 8,88m.
Một số cầu tràn qua sông Ngàn Sâu thuộc các xã Hương Trạch, Hương Đô và một số tuyến đường dân sinh đã bị ngập cục bộ.
Trước diễn biến mưa lũ, UBND huyện Hương Khê đã có công điện về việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới và tình hình mưa lớn trên địa bàn.
Theo đó, yêu cầu các địa phương chuẩn bị và triển khai phương án đề phòng mưa lớn xảy ra lũ quét trên các sông, suối, ngập úng và sạt lở đất; kiên quyết sơ tán dân ở những vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất (đặc biệt là các vùng sạt lở bờ sống tại các xã: Lộc Yên, Hương Xuân, Hương Trạch, Gia Phố…; các vùng trồng keo, độ dốc lớn có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại các xã: Hương Đô, Phúc Trạch, Hương Lâm, Hòa Hải…); các lán trại có công nhân thi công công trình ven sườn núi, vùng ven sông, suối;
Kiểm tra các điều kiện đảm bảo, hướng dẫn, cắm biển báo và có các biện pháp cảnh báo giao thông, nhất là những đoạn đường có nguy cơ ngập lụt, tràn, ngầm qua suối; cấm vớt củi, đánh bắt cá ở những khu vực lũ nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho người dân; tránh lơ là, chủ quan trong mưa, lũ để xảy ra tai nạn do bất cẩn; tuyệt đối không để xảy ra tại nạn đuối nước trước, trong và sau mưa, lũ.
Khẩn trương chỉ đạo người dân thu hoạch nhanh gọn các loại cây ăn quả có múi đã đến thời kỳ thu hoạch, không để xảy ra thiệt hại khi có mưa lớn; thực hiện chăm sóc, bảo vệ đối với diện tích còn lại chưa thu hoạch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Huyện cũng đã đề nghị Nhà máy thủy điện Hố Hô, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh chủ động triển khai phương án đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du; duy trì lực lượng thường trực vận hành điều tiết xả lũ hồ chứa thủy lợi, hồ thủy điện trên địa bàn đảm bảo an toàn, đúng quy trình, có kế hoạch giảm áp lực ngập lụt cho vùng hạ du; tổ chức lực lượng tuần tra canh gác, ứng cứu đảm bảo an toàn các hồ chứa thuộc phạm vi quản lý; có phương án thông tin kịp thời tình hình xả lũ của nhà máy đến tận người dân các xã vùng hạ du để chủ động phòng, tránh.
Tại KM 82+950 trên QL 8A (huyện Hương Sơn) đã bắt đầu có sạt lở đất gây ách tắc giao thông trên tuyến và hiện các lực lượng chức năng đang khẩn trương huy động máy móc để dời dọn khối lượng đất đá đổ xuống quốc lộ.
Nước lũ cuốn 1 nhà hàng nổi ra biển Nhật Lệ
Phó Chủ tịch UBND phường Hải Thành Hồ Thị Lý cho biết: Vào khoảng 1 giờ sáng 27/9, vào thời điểm nước xuống thấp nhất, ông Phạm Văn Dương (SN1973, chủ nhà hàng nổi Hải Dương) cùng 3 người khác tìm cách kéo nhà hàng nổi vào tránh lũ lụt ở hói Hải Thành.
Do nước lũ từ thượng nguồn đổ về chảy xiết, dây néo bị đứt, nhà hàng nổi theo dòng nước trôi ra biển. Khi trôi ra cửa Nhật Lệ, cách bờ chừng 300m thì nhà hàng nổi này bị mắc cạn. Đến khoảng gần 3 giờ sáng, do sóng đánh nhà hàng nổi lại dạt vào sát bờ biển Hải Thành.
Nhận được tin báo, Đồn Biên phòng Nhật Lệ phối hợp Đội Quy tắc – Trật tự đô thị TP. Đồng Hới, chính quyền và Công an phường Hải Thành huy động các lực lượng, đoàn thể, dân quân địa phương… dùng phương tiện tích cực ứng cứu đưa người, tài sản về bờ an toàn.
Chủ nhà hàng là ông Phạm Văn Dương bị thương ở chân do dây neo quấn. Thiệt hại ước tính ban đầu lên đến hàng trăm triệu đồng.
T.Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị