Giải pháp giảm ngập úng đô thị trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Giải pháp giảm ngập úng đô thị trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Ngập úng đã, đang diễn ra từ các đô thị vùng đồng bằng, duyên hải ven biển đến các đô thị vùng trung du miền núi và khu vực cao nguyên. Vậy đâu là nguyên nhân và cần có những giải pháp gì để giảm thiểu ngập úng đô thị?

Ngập úng đô thị là vấn đề ngày càng được nhiều người quan tâm. Ngập úng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt và đời sống hằng ngày của người dân, làm hư hại các công trình xây dựng, phá hủy các công trình hạ tầng kỹ thuật, làm ngưng trệ giao thông, gây ô nhiễm môi trường…

Những nguyên nhân chính

Do điều kiện tự nhiên, khí tượng và thủy văn

Nguyên nhân đầu tiên của tình trạng ngập lụt phần lớn do điều kiện tự nhiên, địa hình, thủy triều và lũ thượng nguồn đặc biệt tác động của biến đổi khí hậu. Điều kiện tự nhiên dẫn đến ngập úng bao gồm:

Ngập do triều: Do ảnh hưởng của triều biển Đông hoặc biển Tây trong những lúc triều lên/triều cường, mực nước trong sông, kênh lên cao gây khó khăn cho việc tiêu thoát đối với những vùng đất thấp, gây ngập. Ngập úng có thể lớn hơn và nghiêm trọng hơn khi có sự kết hợp triều cường với lũ từ sông hay từ các hồ ở thượng lưu xả về đồng thời với cả mưa lớn diễn ra trên diện rộng sẽ gây hiệu ứng ngập sâu tại nhiều đô thị.

Ngập úng do mưa: Hiện nay lượng mưa ngày càng gia tăng, mưa có cường độ lớn, thời gian mưa dài trên một diện rộng hoặc có những ngày có những cơn mưa có vũ lượng cao gấp đôi thậm chí gấp 3-4 lần vượt cường độ thiết kế của hệ thống thoát nước và những trận mưa này xuất hiện ngày càng nhiều hơn đã làm cho mức độ ngập úng ngày càng sâu hơn, cứ mưa là ngập.

Ngập úng do lũ: Lũ trực tiếp từ các sông ở thượng lưu; lũ do xả nước từ các công trình hồ nước thuỷ lợi, hồ thủy điện ở phía thượng nguồn và càng nguy hiểm hơn khi xẩy ra đồng thời với mưa to và triều cường ở hạ du.

Năng lực tiêu thoát nước của hệ thống thoát nước đô thị

Hệ thống tiêu thoát nước các thành phố (hầu hết được xây dựng trên nền các đô thị cũ) chưa hoàn chỉnh/đồng bộ và còn chắp vá. Các thành phố trong quá trình phát triển nhưng do trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, tầm nhìn và vốn đầu tư khác nhau, nên đến nay hệ thống kết cấu hạ tầng nói chung và tiêu thoát nước nói riêng chưa đáp ứng yêu cầu tiêu thoát nước.

Hệ thống tiêu thoát (cống tiêu, kênh tiêu…) nhất là ở khu nội thành đã xuống cấp chưa được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, công tác nạo vét bùn thải từ sông, kênh, từ mạng lưới thoát nước còn nhiều hạn chế cho nên khi có mưa (dù là mưa vừa) cũng đã góp phần tạo nên ngập úng tại nhiều khu vực của đô thị.

Nhiều đô thị đang triển khai đầu tư cải tạo, xây dựng mới hệ thống thoát nước nhưng tiến độ triển khai quá chậm, thiếu vốn; nhiều khu đô thị mới việc xây dựng hệ thống thoát nước thiếu đồng bộ, việc kết nối liên thông giữa hệ thống thoát nước mới và hệ thống thoát nước cũ còn nhiều bất cập, mặt khác thiếu việc kết nối liên thông với hệ thống thoát nước đô thị với hệ thống thủy lợi.

Một số thành phố ở miền Nam được xây dựng trên nền địa hình khá phẳng, thấp và bị chia cắt thành từng ô bởi hệ thống kênh rạch khá dày đặc. Đây là đặc điểm thuận lợi cho việc tiêu nước (đường tiêu ngắn, dễ dàng thoát nước). Tuy nhiên, hệ thống kênh này cũng làm cho việc dẫn nước lũ, triều vào sâu trong nội đô.

Một trong những giải pháp chống ngập hiện tại của các thành phố là đắp đê bao dọc theo bờ kênh và tôn nền nhưng hầu hết cao trình đê bao chưa đảm bảo cao trình chống lũ. Dòng chảy trên 1 số kênh bị cản trở bởi việc xây dựng nhà ven bờ, xả rác vào lòng kênh… và một số kênh bị san lấp. Ngoài ra, một số công trình đang trong quá trình xây dựng do không có những biện pháp dẫn dòng thi công tốt dẫn đến sự ngăn chặn dòng chảy gây ngập cục bộ xung quanh khu vực thi công.

Đối với một số đô thị ở Tây nguyên hoặc miền núi phía Bắc, nhiều nơi có địa hình lòng chảo, bao xung quanh là núi cũng khiến lượng nước mưa đổ dồn về trung tâm rất lớn. Đơn cử như ở TP.Hà Giang, mưa lớn vượt quá công suất tiêu thoát nước cộng với lũ từ thượng nguồn đổ về, khiến mực nước lên mức báo động 2 dẫn tới nước từ TP.Hà Giang thoát xuống chậm, gây ngập úng cục bộ. Hoặc như ở TP. Đà Lạt, mật độ xây dựng quá dày đặc, khắp nơi bị bê-tông hóa, phát triển nhà kính, nhà lưới thiếu kiểm soát khiến không gian dành cho nước và đất không còn và nước không thể thấm tự nhiên vào đất chảy tràn ra đường tạo thành các con suối giữa phố.

tm-img-alt
Ngập úng tại TP. Hà Giang. Ảnh: ITN
tm-img-alt
Ngập úng tại TP. Đà Lạt. Ảnh: ITN

Một số vùng nông thôn Đồng bằng sông Cửu long xây dựng các đê bao lớn bảo vệ khu dân cư, đê bao ngăn mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản… làm cho không gian trữ nước của khu vực này bị thu hẹp, nước đổ dồn về các khu vực trũng thấp, khu vực đô thị gây ngập đặc biệt tại các nơi không có đê bao.

Quy hoạch, thiết kế và các giải pháp chống ngập đô thị

Quy hoạch thoát nước đô thị chất lượng còn hạn chế chưa gắn kết với tổ chức không gian cũng như quy hoạch sử dụng đất đô thị, lại chậm điều chỉnh, thiếu liên kết vùng, liên kết với hệ thống thuỷ lợi. Công tác dự báo thiếu chính xác, chưa lường hết được tác động của biến đổi khí hậu. Các giải pháp quy hoạch thoát nước và chống ngập chậm đổi mới, tiếp cận xu hướng mới trong thoát nước đô thị quá chậm (thoát nước bền vững, thoát nước dựa vào hệ sinh thái hay điều kiện tự nhiên..). Nhiều thông số, chỉ tiêu tính toán thiết kế quy hoạch đã không còn phù hợp chậm nghiên cứu, sửa đổi bổ sung.

Tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch đô thị đặc biệt quy hoạch thoát nước chậm và chưa hiệu quả. Ví dụ, theo quy hoạch tại Thành phố Hồ Chí Minh, đến năm 2020 phải xây dựng 104 hồ điều tiết nhưng cho đến nay hầu như chưa có hồ điều tiết nào hoàn thành; hoặc cần xây dựng và phát triển 6.000km cống nhưng hiện mới chỉ đạt hơn 60% – 70% trong khi đó nhiều kênh, rạch đang bị lấn chiếm thu hẹp dòng chảy.

Các giải pháp chống ngập thường không đa dạng về quy mô, phần lớn là các dự án có quy mô lớn, phạm vi rộng nên triển khai khó khăn hoặc thời gian triển khai quá dài do thiếu vốn, thay đổi cơ chế, chính sách, các thủ tục hành chính (hồ sơ, đấu thầu…), giải phóng đền bù… Dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh là một ví dụ.

Dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng chưa xác định ngày về đích dù đã hoàn thành 90% khối lượng dự án
Dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng chưa xác định ngày về đích dù đã hoàn thành 90% khối lượng dự án

Nhiều quy định về quản lý thoát nước chậm nghiên cứu rà soát, sửa đổi bổ sung. Nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế, kỹ thuật, đơn giá… ban hành đã lạc hậu và chưa phù hợp với sự thay đổi về trình độ quản lý, công nghệ, xu hướng mới… đặc biệt tác động của biến đổi khí hậu.

Quản lý đô thị, quản lý vận hành và khai thác hệ thống thoát nước

Đô thị hóa mất kiểm soát, phát triển đô thị và phát triển cơ sở hạ tầng không đồng bộ đang là những nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp của tình trạng ngập lụt đô thị.

Việc xây dựng đô thị với mật độ cao tại vùng ven đô vốn trước kia sử dụng cho mục đích nông nghiệp hoặc là những vùng thấp trũng chứa nước có chức năng điều hòa nước tự nhiên là một trong các nguyên nhân dẫn tới ngập lụt.

Trong đô thị, diện tích hồ, ao, kênh, rạch bị san lấp tăng lên hoặc bị biến mất, nhiều kênh rạch bị cống hóa làm giảm thể tích trữ nước tự nhiên. Việc gia tăng diện tích bề mặt bị bê-tông hóa tại các khu vực đô thị không chỉ làm gia tăng lượng nước mưa chảy tràn trên bề mặt vì không thể thấm xuống lòng đất, làm giảm lượng nước ngầm mà còn tạo ra hiệu ứng đảo nhiệt.

Việc khai thác nước ngầm quá mức kết hợp với việc xây dựng quá nhiều nhà cao tầng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sụt lún nền đất. Việc nâng cao nền, xây đê, đường, cầu làm cản trở dòng chảy… cũng góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng ngập úng.

Các đô thị Việt Nam hiện nay đang trong quá trình phát triển và đang là “đại công trường xây dựng”. Việc vận chuyển các vật liệu xây dựng như cát sỏi gây vương vãi, khi mưa đến tập trung vào các hố ga, miệng cống làm giảm tiết diện tải nước cũng như làm tăng độ nhám của hệ thống, cản trở quá trình di chuyển của dòng chảy làm cho tình trạng ngập úng trầm trọng hơn.

Sự phối hợp giữa đầu tư xây các công trình hạ tầng kỹ thuật với các công trình thoát nước chưa chặt chẽ cũng là những nguyên nhân gây phức tạp hơn trong giải quyết vấn đề tiêu thoát nước.

Công tác quản lý vận hành hệ thống thoát nước đô thị còn bất cập do chưa được quan tâm đầy đủ, thiếu kinh phí hoặc kinh phí không đầy đủ dẫn đến không đảm bảo chi phí cho khối lượng nạo vét hệ thống thoát nước hàng năm. Theo quy định, cho đến nay nhiều địa phương vẫn chưa ban hành giá dịch vụ thoát nước. Việc triển khai quá chậm cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu nguồn kinh phí cho công tác duy tu, duy trì hệ thống thoát nước hiện có.

Công tác quản lý vận hành các hồ điều hoà, hồ chứa, sự phối hợp chưa hiệu quả, chưa mang tính chủ động, còn nhiều hạn chế trong sự phối hợp đồng bộ với công tác dự báo, cảnh báo sớm.

Nguồn vốn cho đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước

Nhiều cấp chính quyền chưa thực sự quan tâm vào lĩnh vực thoát nước đô thị và đây phải là đầu tư của nhà nước là chính.

Nguồn vốn để xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước là rất lớn, cần phải được đầu tư đồng bộ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nguồn vốn không có hoặc rất hạn chế, vẫn chủ yếu dựa vào vốn vay ODA.

Năng lực quản lý và sự tham gia của cộng đồng

Năng lực quản lý của chính quyền địa phương trong quản lý thoát nước chưa hiệu quả, lúng túng trong giải quyết các vấn đề cụ thể.

Người dân xây dựng nhà trái phép, san lấp, lấn chiếm sông, kênh, rạch, ao hồ. Tình trạng khai thác nước ngầm quá mức, xả rác bừa bãi xuống hố ga, kênh, cống và ra đường dẫn đến bít đường ống tiêu thoát nước làm cho tình trạng tiêu thoát nước càng khó khăn thêm.

Một số bài học kinh nghiệm của một số nước trong giải quyết ngập úng đô thị

Trong một thời gian rất dài, nhiều thành phố trên thế giới lấy giải pháp công trình là chính trong giải quyết vấn nạn ngập nước đô thị. Đó là: Xây dựng đê bao bảo vệ thành phố, thiết lập hệ thống đê chắn nước biển, nước sông từ xa, đặt cống ngăn triều (như các thành phố của Hà Lan, Đức…). Đào sông nhân tạo thoát nước, xây dựng hệ thống cống hộp thoát nước, hệ thống các hầm chứa nước tạm, hệ thống hồ điều tiết, lắp đặt hệ thống máy bơm công suất lớn… (như các thành phố ở Nhật Bản…). Tôn cao cốt nền…

tm-img-alt
Các giải pháp thoát nước – kinh nghiệm từ Nhật Bản

Những năm trở lại đây một số thành phố trên thế giới nhận thấy các giải pháp phi công trình đóng vai trò rất quan trọng. Nó không chỉ là những giải pháp bổ xung mà còn giúp cho cư dân thành phố bị ngập dễ dàng hơn trong việc thích nghi với hoàn cảnh và giảm thiểu các rủi ro, đó là:

Thay đổi quan điểm trong quy hoạch không gian theo xu hướng lợi dụng ưu thế tự nhiên để tăng mức độ thích nghi, giảm bớt rủi ro, tăng tỷ lệ diện tích cây xanh, không gian mặt nước trong các đồ án quy hoạch đô thị (các giải pháp thoát nước bền vững SUDs, thành phố bọt biển SPc, thoát nước dựa vào hệ sinh thái tự nhiên EbA, thoát nước dựa vào điều kiện tự nhiên NbA…

Thay đổi lối sống, điều tiết dân số, giảm mật độ công trình xây dựng tại cộng đồng.

Giảm mức độ bê-tông hóa bề mặt, tăng cường khả năng tham gia tự điều tiết của hệ thống sinh thái tự nhiên, thích nghi để sống chung hòa bình và thân thiện với tự nhiên.

Giáo dục ý thức môi trường, nâng cao ý thức công dân, tăng cường sự tham gia cộng đồng trong việc giảm thiểu mức độ ngập nước nội thị cũng như giảm thiểu tác hại của ngập nước gây ra cho cộng đồng dân cư, …

Đề xuất một số giải pháp nhằm giảm thiểu ngập úng đô thị

Giảm thiểu tiến đến kiểm soát cũng như nâng cao khả năng chống chịu của các đô thị dưới tác động của BĐKH và ngập úng hiện nay phải là mục tiêu hành động của chính quyền đô thị các cấp trước mắt và lâu dài. Các nhiệm vụ này cần được xem xét trong bài toán phân tích chi phí, lợi ích tổng thể của xã hội (đối tượng bị ngập, khả năng chống chịu) cũng như chi phí đầu tư xây dựng và lợi ích kinh tế, xã hội mà các giải pháp chống ngập đem lại. Một số đề xuất nhằm giảm thiểu ngập úng đô thị như sau:

Xây dựng bản đồ hiện trạng ngập úng, bản đồ dự báo ngập úng đô thị tương ứng với giai đoạn quy hoạch. Lập bản đồ cao độ nền toàn đô thị để quản lý xây dựng.

Rà soát, lập mới, điều chỉnh quy hoạch đô thị theo hướng lợi dụng ưu thế tự nhiên để tăng mức độ thích nghi, giảm bớt rủi ro, tôn trọng không gian dành cho nước, quy hoạch thoát nước theo hướng thoát nước bền vững thích ứng biến đổi khí hậu.

Phân lưu vực thoát nước hợp lý có tính đến yếu tố liên kết vùng, đề xuất các khu vực không ngập úng để có các giải pháp bảo vệ, đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước; các khu vực nhấp nhận việc sống chung với ngập úng để có giải pháp cảnh báo cho người dân khu vực này phòng tránh an toàn và hiệu quả.

Rà soát các dự án thoát nước trên địa bàn (cần thiết sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh…). Dự án đầu tư xây dựng mới phải đồng bộ (hệ thống thoát nước, đê bao, công trình ngăn triều, hệ thống bơm hỗ trợ) có tính đến biến đổi khí hậu cho từng lưu vực thoát nước phù hợp với khả năng nguồn vốn.

Ưu tiên kiểm soát nước mưa tại nguồn (hộ gia đình, công trình) với các giải pháp kỹ thuật thu gom và tái sử dụng nước mưa được khuyến khích và có cơ chế hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp xây dựng hệ thống thu gom và tái sử dụng nước mưa (giảm thuế, hỗ trợ thiết bị trữ nước)…

Ưu tiên vốn để cải tạo, sửa chữa hệ thống thoát nước cũ. Tăng cường công tác duy tu, duy trì hệ thống thoát nước. Thường xuyên thu gom bùn rác tại các hố ga, nạo vét bùn lắng trong lòng cống, nạo vét kênh, mương, khơi thông dòng chảy, giải tỏa nhà ổ chuột trên sông, kênh…

Xây dựng hệ thống bể ngầm, hồ chứa nước mưa để thu gom nước tại chỗ và trữ nước, đồng thời lồng ghép chức năng điều tiết nước mưa vào các hồ hiện hữu, lồng ghép chức năng thoát nước trong các dự án phát triển đô thị, khu dân cư. Bổ sung quy chuẩn với các công trình công cộng, thương mại chiếm dụng bề mặt lớn phải xây dựng bể ngầm chứa nước.

Hạn chế hoặc nghiêm cấm san lấp hồ ao, sông kênh với các mục đích khác nhau. Cấm xả rác, xây dựng trái phép, lấn chiếm dòng sông và các công trình thoát nước.

Xây dựng kế hoạch vận hành các hồ điều hoà, hồ chứa, liên kết và đồng bộ với các công trình thoát nước khác của đô thị, vận hành phối hợp với dự báo, cảnh báo sớm. Nâng cao chất lượng công tác dự báo thời tiết, dự báo mưa tại các khu vực.

Tập trung nghiên cứu, đổi mới, sửa đổi, cập nhật và ban hành kịp thời các quy định của pháp luật liên quan đến thoát nước đô thị (Luật, quy hoạch, các quy chuẩn, các tiêu chuẩn, định mức kinh tế, kỹ thuật… có tính đến tác động của biến đổi khí hậu). Các quy định quản lý thoát nước của địa phương phải trở thành nội dung quan trọng trong thẩm tra, thẩm định đồ án quy hoạch đô thị, dự án đầu tư phát triển đô thị. Trong đó lưu ý bắt buộc việc quy hoạch hệ thống thoát nước mặt một khu vực không được làm ảnh hưởng đến khả năng thoát nước mặt của các khu vực xung quanh và mỗi khu vực cần bảo đảm tỷ lệ lượng nước mưa được kiểm soát tại nguồn theo quy hoạch.

Xây dựng và triển khai thực hiện giá dịch vụ thoát nước thu đúng, thu đủ góp phần bổ sung kinh phí cho công tác duy tu, duy trì, bảo dưỡng hệ thống thoát nước, bảo đảm hệ thống hoạt động đúng theo thiết kế cũng như nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc xả nước thải.

Nâng cao năng lực và gắn trách nhiệm cụ thể hơn nữa của chính quyền các cấp trong quản lý và phát triển đô thị nói chung và trách nhiệm trong việc giảm thiểu tiến tới kiểm soát ngập úng tại các đô thị được giao quản lý (quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý vận hành khai thác..) nói riêng. Đào tạo đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn, có tầm nhìn, có khả năng dự báo và có khả năng giải quyết hiệu quả các công việc cụ thể xẩy ra.

Tuyên truyền vận động người dân tham gia vào công tác quản lý thoát nước, bảo vệ môi trường.

Ngập nước đô thị dưới tác động của nhiều nguyên nhân đặc biệt tác động bất thường của biến đổi khí hậu đang là vấn đề nan giải hiện nay. Giải quyết ngập úng cần phải có những giải pháp đồng bộ, có lộ trình, đòi hỏi sự quyết tâm chính trị của chính quyền các cấp, của các Bộ, ngành Trung ương và sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân.

PGS.TS NGUYỄN HỒNG TIẾN
Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích