Khoác áo “vườn xanh” cho các khu đô thị
(Xây dựng) – Tại Việt Nam, một số hình thức vườn đô thị mới đang được áp dụng thử nghiệm với quy mô nhỏ như “vườn chia sẻ”, “vườn trên không”, “vườn thủy canh”, “vườn khí canh” tạo ra những góc xanh tươi mát giúp cải thiện hệ sinh thái đô thị, giảm ô nhiễm không khí và đem lại nhiều lợi ích cho người dân và cộng đồng.
Một thiết kế đưa mô hình vườn trên mái đưa thiên nhiên vào cuộc sống. |
Các hình thức vườn đô thị mới
Trước tình trạng đô thị hóa, việc tìm kiếm các hình thức vườn mới không sử dụng tài nguyên đất, kết hợp linh hoạt với các không gian phù hợp là cần thiết để đáp ứng nhu cầu trồng trọt của dân cư khu đô thị mới (KĐTM) nói riêng và đô thị nói chung.
Các không gian xanh công cộng trong các KĐTM, mặc dù phục vụ cho cộng đồng dân cư nhưng được thiết kế hoàn toàn bởi chủ đầu tư và quản lý hoàn toàn bởi Ban quản trị. Việc xác định chủ thể và nguồn lực quản lý vận hành như trên đã hạn chế chính người sử dụng là người dân tham gia vào việc tạo lập và duy trì không gian xanh. Chưa kể cách làm đó còn có thể dẫn đến việc các không gian có thể không phù hợp với nhu cầu sử dụng thực tế của người dân.
Trước hết, chúng ta hiểu vườn là một không gian được quy hoạch, thường là ở ngoài trời, dành cho việc trưng bày, trồng trọt hoặc thưởng ngoạn thực vật và các dạng khác của tự nhiên. Dựa trên đối tượng sử dụng mong muốn hướng đến mà vườn có thể được phân thành nhiều cấp khác nhau theo cấp độ ảnh hưởng từ cao xuống thấp.
Nguyên tắc của việc “mới hóa” các không gian xanh trong đô thị là dựa trên việc cập nhật những nhu cầu và cách thức vận hành xã hội đô thị, tận dụng những không gian đô thị hiện đang bị “bỏ phí”, cũng như cập nhật các công nghệ mới trong việc canh tác, nuôi trồng các loại cây xanh với chi phí và công sức hợp lý.
Các hình thức vườn đô thị mới đã ra đời như là những giải pháp có tiềm năng phát triển bền vững và một số hình thức vườn được coi là phù hợp với thói quen sinh hoạt, sử dụng không gian của người Việt để xanh hóa các KĐTM, có thể kể đến những loại hình sau:
Vườn chia sẻ (hay vườn cộng đồng), được thiết lập, vận hành và quản lý dựa trên nền kinh tế chia sẻ, vốn đang được khuyến khích để đẩy mạnh các mối quan hệ xã hội bị phai mờ dần do cuộc sống công nghiệp.
Mô hình vườn thẳng đứng dựa trên nguyên tắc chuyển diện tích cây xanh vốn diễn ra theo chiều ngang thành các mảng tường xanh chiều đứng, biến mặt đứng các công trình trở thành những khu vườn cung cấp màu xanh cho chính công trình xây dựng nằm trong khu đô thị.
Vườn trên không tận dụng không gian trống trên các tầng, trên mái của các công trình mằm tạo ra các loại “đất cây xanh” trên cao ngay chính trong lòng một loại đất công năng khác. Còn mô hình vườn thủy canh với các cây trồng trong dung dịch hoặc giá thể mà không phải là đất, được định nghĩa là “trồng cây trong nước” hoặc trồng cây không cần đất.
Vườn khí canh là một phương thức trồng cây trong môi trường không khí có chứa các thể bụi dinh dưỡng cung cấp cho rễ để cây sinh trưởng và phát triển, nhằm giúp tiết kiệm phân bón, giảm tiêu thụ nước, không cần thuốc bảo vệ thực vật, chiếm ít không gian…
Theo TS.KTS Nguyễn Minh Tùng – giảng viên khoa Kiến trúc và Quy hoạch, trường Đại học Xây dựng Hà Nội thông thường, các loại vườn thường chỉ có một trong hai chức năng chính là vườn nông nghiệp hay vườn cảnh quan. Tuy nhiên những tiến bộ khoa học mà cơ bản nhất là khả năng canh tác sạch (không cần đất, phân bón và các chất hóa học) và sự linh hoạt của các hình thức vườn đô thị mới đã có thể kết hợp hai chức năng trên cũng như nhiều chức năng khác.
Các chức năng có thể kết hợp trong không gian vườn đô thị mới gồm: Sản xuất nông sản (nông nghiệp); trang trí cảnh quan, ngăn hoặc chuyển tiếp không gian; thư giãn, nghỉ ngơi (cả dạng thụ động và chủ động); không gian chơi dành cho trẻ em và các gia đình; không gian học và thực hành; không gian cộng đồng; Không gian chia sẻ, làm việc sáng tạo (coworking space); Không gian hỗ trợ các hoạt động đặc thù như làm đẹp, chữa bệnh …
Mô hình vườn mới tận dụng diện tích tạo những mảng xanh mát cho các tòa chung cư. |
Kết hợp không gian xanh với các chức năng khác sẽ tăng tính hiệu quả của vườn và thu hút mọi người. Theo một hướng khác, không gian chứa vườn đô thị mới có thể có tính chất như những không gian chuyển đổi, tức chuyển từ chức năng này sang chức năng khác (như chuyển từ không gian cộng đồng sang không gian học và thực hành; chuyển từ không gian thư giãn, nghỉ ngơi sang không gian chơi…).
Không gian xanh gắn kết cộng đồng
Cây xanh và không gian xanh có nhiều tác động tích cực về mặt tâm sinh lý đối với con người. Chính vì thế các không gian dành cho các giao tiếp cộng đồng, nếu có sự hiện diện của cây xanh sẽ trở nên rất hấp dẫn và thú vị. Rào cản của sự kết hợp đó, từ trước tới nay, cơ bản là do những vấn đề liên quan đến chi phí cao, vệ sinh phức tạp và sự thiếu linh hoạt của các hệ thống cây xanh trồng bằng đất. Những hình thức vườn đô thị mới đã khắc phục được đáng kể các rào cản này và mở ra khả năng lớn lao trong việc xanh hóa các không gian cộng đồng.
Khi nói đến khoảng xanh để khoác lên mình trong các khu đô thị, KTS Ngô Thị Hà Thanh – giảng viên khoa Kiến trúc và Quy hoạch, trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết: Rất nhiều bề mặt tại các khu đô thị có thể được tận dụng để kiến tạo không gian vườn. Thứ nhất, tận dụng tối đa các không gian tiềm năng, xem xét tất cả các vị trí không gian trong Khu đô thị và bề mặt trên các công trình kiến trúc cso thể sử dụng để tích hợp các mô hình vườn.
Thứ hai, tận dụng không gian phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, không gian được tích hợp các mô hình vườn phải đảm bảo không gây ảnh hưởng xấu đến hệ thống kỹ thuật của công trình và phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của mô hình vườn được tích hợp.
Thứ ba, tận dụng không gian đảm bảo yếu tố thẩm mỹ, tránh tình trạng mật độ cây xanh quá cao hoặc bố trí, thiết kế không gian vườn không hợp lý ảnh hưởng đế yếu tố thẩm mỹ của không gian công trình và đô thị.
Nhiều chuyên gia nghiên cứu và chỉ ra các vị trí không gian phù hợp để ứng dụng hình thức vườn đô thị vào các khu nhà thấp tầng bao gồm khu nhà liền kề và khu biệt thự như: Ban công, sân thượng, tường, vườn, phần đất trồng cây vỉa hè trước nhà. Hay tại các khu nhà cao tầng sẽ là: Lô gia căn hộ, mái chung cư, mảng tường của chung cư, sân thượng của khối đế, vườn lân cận xung quanh chung cư.
Bên cạnh đó, không gian xanh mặt đất cần được ưu tiên để trồng các loại cây vừa và lớn còn tại các không gian xanh bên trong và bên trên các phần của công trình nên sử dụng các hình thức vườn đô thị mới nhằm tăng hiệu quả sử dụng không gian, đảm bảo công năng, tránh tăng tải trọng cũng như phức tạp hóa các lớp cấu tạo.
Cùng với sự phổ biến của các tòa nhà cao tầng và những tiến bộ khoa học kỹ thuật đã nói ở trên, nhu cầu xanh hóa theo chiều đứng đã trở nên ngày càng rõ rệt. Tạo ra các không gian xanh ở trên cao không chỉ còn là tạo ra những sự ngạc nhiên thú vị của không gian trong và ngoài công trình nữa mà đã trở thành một xu hướng đi theo triết lý kéo gần thiên nhiên tới mọi không gian của con người. Các loại hình vườn mới phụ thuộc đất đai thấp đã giải quyết ngày càng tốt hơn những nhu cầu đó, thích hợp với sở thích của mỗi cá nhân, ứng với mọi loại công trình. Đa năng, dễ lắp ghép, tiện lợi là những ưu điểm vượt trội của chúng.
Thực tế, tổng chí phí bỏ ra ban đầu để tạo lập vườn và chi phí chăm sóc, duy trì vườn là những khoản đáng kể. Tuy nhiên, cùng với thu nhập của người dân và cộng đồng tăng lên đồng thời nhu cầu tạo lập các loại vườn đô thị mới tăng lên thì chi phí tạo lập ban đầu và duy trì vườn sẽ ngày càng giảm đi. Ngay từ bây giờ nếu các cộng đồng dân cư đồng thuận, chung tay đầu tư và cùng duy trì, khai thác với các hình thức sở hữu chung – sử dụng chung hoặc áp dụng các nền tảng kinh tế chia sẻ thì việc ứng dụng các hình thức vườn đô thị mới đã là hoàn toàn khả thi và bền vững.
Một góc vườn xanh ngoài trời được bố trí hợp lý theo dạng vườn đứng. |
Xanh hóa các khu đô thị bằng việc tích hợp các hình thức vường mới tạo lên xu hướng sống xanh. Đồng thời góp phần quan trọng giải quyết vấn đề tăng diện tích không gian xanh trong đô thị và tăng không gian canh tác nông nghiệp đô thị hướng tới đô thị xanh bền vững trong tương lai.
Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2023 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết. |
Nguồn: Báo xây dựng