‘Siêu lục địa’ có thể khiến Trái Đất không thể sinh sống trong 250 triệu năm nữa
Theo trang The Guardian (Anh), nghiên cứu mới được xuất bản trên Tạp chí Nature Geoscience hôm 25/9 là nỗ lực đầu tiên mô hình hóa mức độ khắc nghiệt của khí hậu do sự sắp xếp lại địa chất. Nghiên cứu cho biết siêu lục địa Pangea Ultima dự kiến thành hình khi tất cả các lục địa hiện tại hợp nhất với nhau trong tương lai xa.
Trong kỷ nguyên Pangea Ultima, nhiệt độ sẽ rất khắc nghiệt, độ ẩm cao hơn hiện nay dọc theo bờ biển và các sa mạc nội địa rộng lớn vô cùng khô cằn ở. Ở thế giới này, nhiệt độ toàn cầu có thể tăng 15 độ C, thậm chí lên tới 30 độ C trên đất liền, so với mức tiền công nghiệp. Điều này sẽ đưa thế giới trở lại mức nhiệt cực độ trong kỷ Permi-Triassic 260 triệu năm trước, khi trên 90% loài đã bị tiêu diệt.
Trong khi đó, nhiệt độ trên 40 độ C kéo dài sẽ vượt quá mức chịu đựng của nhiều dạng sống.
Kịch bản tuyệt chủng hàng loạt sẽ xảy ra chủ yếu do căng thẳng về nhiệt độ, khi hoạt động núi lửa lớn hơn sẽ đưa lượng carbon dioxide vào khí quyển nhiều gấp đôi so với mức hiện tại. Khi đó, Mặt Trời già hơn sẽ phát ra nhiều bức xạ hơn và mở rộng diện tích của các sa mạc ở vùng nhiệt đới.
Nghiên cứu đã sử dụng mô hình khí hậu của Văn phòng Met và siêu máy tính của Đại học Bristol (Anh) để cung cấp manh mối kiến tạo về sự kiện tuyệt chủng trong quá khứ. Dữ liệu mới cũng có thể hỗ trợ các nhà thiên văn học trong hành trình tìm kiếm các hành tinh khác có thể sinh sống được.
Động vật có vú được coi là thành công vĩ đại về mặt tiến hóa của thế giới, đặc biệt kể từ khi loài khủng long tuyệt chủng. Tuy nhiên, khả năng thích ứng với nhiệt độ của động vật có vú rất chậm, bao gồm cả con người, loài đã sinh sống trên Trái Đất trong thời gian tương đối ngắn.
Họ người xuất hiện cách đây khoảng 6 triệu năm khi thế giới là một nơi mát mẻ hơn nhiều so với thời kỳ khủng long. Mặc dù loài người đã phát triển nhanh đáng kể, nhưng chúng ta sẽ phải đối mặt với thách thức to lớn trong kỷ nguyên Pangea Ultima, cho dù chúng ta vượt qua được cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay và sự tuyệt chủng hàng loạt của các loài khác.
Ngoài tác động trực tiếp của nắng nóng, còn có những vấn đề nghiêm trọng về nguồn cung lương thực do thảm thực vật bị tàn phá. Nghiên cứu lưu ý rằng hầu hết các cây trồng đều khó sống sót ở nhiệt độ trên 40 độ C và bị huỷ hoại hoàn toàn nếu tiếp xúc với nhiệt độ 60 độ C trong thời gian kéo dài.
Tác giả chính của bài báo, ông Alexander Farnsworth tại Đại học Bristol, cho biết viễn cảnh về một sự kiện tuyệt chủng khác, bao gồm cả con người, là một lời nhắc nhở nghiêm túc.
“Trái Đất có môi trường rất dễ thay đổi. Con người rất may mắn với những gì chúng ta có hiện nay. Do đó, chungs ta không nên đẩy khí hậu vượt ngưỡng mát mẻ hơn những gì chúng ta đã trải qua. Chúng ta là loài thống trị, nhưng Trái Đất và khí hậu sẽ quyết định điều đó kéo dài bao lâu. Điều gì xảy ra sau đó thì ai cũng đoán được. Loài chiếm ưu thế có thể là một loài hoàn toàn mới”, ông Farnsworth nói.
Các tác giả thừa nhận mức độ chính xác của dự đoán này không cao do thời gian vô cùng dài. Tuy nhiên, các nhà khoa học hy vọng nghiên cứu này sẽ cung cấp những thông tin hữu ích về các sự kiện tuyệt chủng hàng loạt trong quá khứ và khả năng sinh tồn của các loài khác trên hành tinh.
Cho đến nay, khi các nhà thiên văn học quét các thiên hà xa xôi để tìm hành tinh có thể cung cấp nơi ở thay thế cho con người, họ chủ yếu xem xét khoảng cách từ Mặt Trời gần nhất và sự hiện diện của nước. Nghiên cứu mới chỉ ra rằng kiến tạo cũng là một yếu tố quan trọng quyết định khí hậu của một hành tinh.
“Nếu cơ quan vũ trụ NASA chỉ có thể gửi một tàu thăm dò đến một hành tinh duy nhất thì tôi sẽ chọn hành tinh không có siêu lục địa. Tốt hơn hết là có nhiều lục địa rải rác xung quanh, như trường hợp hiện nay trên Trái Đất”, ông Farnsworth nói.
Theo TTXVN
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu