Bình Dương quy hoạch sân bay lưỡng dụng 200ha phục vụ phát triển kinh tế, quốc phòng

(Xây dựng) – Tại Hội nghị Sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và 9 tháng năm 2023, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương cho biết, theo định hướng quy hoạch đầu tư phát triển trong những năm tới, tỉnh sẽ bổ sung vào quy hoạch sân bay lưỡng dụng với diện tích 200ha, phục vụ phát triển kinh tế kết hợp đảm bảo an ninh quốc phòng.

Bình Dương quy hoạch sân bay lưỡng dụng 200ha phục vụ phát triển kinh tế, quốc phòng
Bản đồ sử dụng đất đến năm 2030 của huyện Dầu Tiếng trong đó, dành 200ha phục vụ phát triển kinh tế kết hợp đảm bảo an ninh quốc phòng.

Quy hoạch sân bay lưỡng dụng 200ha

Trước đó tỉnh Bình Dương đã có chủ trương quy hoạch khu đất sân bay quốc phòng tại xã Định An, huyện Dầu Tiếng với diện tích khoảng 50ha. Qua lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2023 và tầm nhìn 2045 của huyện, tỉnh có chủ trương đưa vào danh mục Quy hoạch Sân bay Lưỡng dụng và bổ sung diện tích sử dụng đất lên đến 200ha.

Theo quy hoạch của tỉnh đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045, Bình Dương sẽ tập trung phát triển hạ tầng giao thông vận tải mang tính liên kết vùng, theo hướng đô thị hóa và xây dựng thành phố thông minh.

Mục tiêu đề ra là hệ thống giao thông phải đi trước dẫn đường cho phát triển kinh tế-xã hội với điểm nhấn Bình Dương là đô thị công nghiệp hiện đại có hệ thống hạ tầng giao thông đa dạng, liên kết vùng vừa giải quyết nhanh chóng nhu cầu đi lại, giao lưu vận chuyển hàng hóa nội tỉnh, vừa dễ dàng hòa vào mạng lưới giao thông quốc gia, vùng Đông Nam Bộ và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam lẫn vận tải hàng hóa quốc tế qua hệ thống đường bộ, đường thủy, đường hàng không.

Tỉnh đang tập trung triển khai nhiều dự án trọng điểm như đường Vành đai 3 và 4, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành cùng với việc phát triển hệ thống bến thủy, bến cảng nội địa kết hợp giao thông đường thủy, đường sắt đô thị, xe buýt nhanh, metro…

Ngoài ra, tỉnh còn bổ sung vào quy hoạch một sân bay lưỡng dụng phục vụ du lịch, thương mại kết hợp an ninh quốc phòng được xác định trên nền sân bay được quy hoạch trước đây ở huyện Dầu Tiếng.

Bên cạnh quy hoạch sân bay, Bình Dương đang đầu tư hạ tầng giao thông đường sông, đường sắt để kết nối vùng. Một số dự án trọng điểm như: Vành đai 3, Vành đai 4, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành (Bình Phước), đường ven sông Sài Gòn từ Thành phố Thủ Dầu Một đến Tành phố Thuận An kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh, cảng An Tây (thị xã Bến Cát, Bình Dương)…

Đồng thời phát triển hệ thống đường sắt hàng hóa từ Bàu Bàng về cảng Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu) và hệ thống đường sắt đô thị từ Suối Tiên về Thành phố mới Bình Dương.

Để phát triển huyện Dầu Tiếng UBND tỉnh Bình Dương đã lập báo cáo “Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí rừng phòng hộ Núi Cậu gắn liền với hồ Dầu Tiếng” giai đoạn 2021 – 2030. Đây là đề án trọng điểm trong chiến lược quy hoạch phát triển nhóm ngành thương mại – dịch vụ chất lượng cao trên địa bàn tỉnh.

Phát triển công nghiệp, dịch vụ đại mang tầm khu vực và quốc tế

Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phát triển xây dựng Bình Dương thành vùng đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại mang tầm khu vực và quốc tế, một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia tỉnh sẽ có định hướng quy hoạch gồm:

Phát triển liên kết vùng; phát triển hệ sinh thái đô thị – công nghiệp – dịch vụ hiện đại dựa trên kế thừa và đổi mới sáng tạo; xã hội phát triển công bằng và thịnh vượng dựa trên phát triển bao trùm; không gian và hạ tầng vùng đô thị công nghiệp đổi mới sáng tạo; môi trường và tài nguyên phát triển xanh…

Không gian tỉnh Bình Dương được phân thành 3 lớp phát triển: Khu vực phía Nam gồm Thuận An và Dĩ An là vùng đô thị – công nghiệp hiện hữu được cải tạo phát triển thành các đô thị – dịch vụ của vùng.

Bình Dương quy hoạch sân bay lưỡng dụng 200ha phục vụ phát triển kinh tế, quốc phòng
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phát triển xây dựng Bình Dương thành vùng đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại mang tầm khu vực và quốc tế.

Khu vực đô thị – công nghiệp – dịch vụ gồm Thủ Dầu Một, Bến Cát, Tân Uyên là vùng đô thị – công nghiệp – dịch vụ chủ đạo của vùng Đông Nam bộ. Vùng phát triển mở rộng phía Bắc gồm: Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phú Giáo và Bắc Tân Uyên, trong đó phát triển khu vực Bàu Bàng trở thành đô thị trọng điểm cấp vùng, đầu mối hỗ trợ về dịch vụ – công nghiệp hiện đại, khoa học công nghệ cho các vùng kinh tế thông qua các đầu mối liên kết vùng, khu vực Dầu Tiếng phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, khu vực Phú Giáo sẽ ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Phát triển không gian đô thị công nghiệp tập trung vào các hành lang (Bắc Nam gắn với trục đường Bàu Bàng – Mỹ Phước – Tân Vạn; các tuyến giao thông hỗ trợ mới và hành lang Đông Tây hai bên tuyến đường Vành đai 4) và các khu vực trọng tâm đô thị theo các mô hình cấu trúc TOD.

Phát triển không gian tỉnh gắn với lộ trình hình thành các dự án động lực như: Hình thành chuỗi đô thị dịch vụ theo mô hình TOD gắn với dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Chơn Thành, đường sắt Dĩ An – Lộc Ninh, đường sắt đô thị Suối Tiên – Thủ Dầu Một – Bàu Bàng.

Hình thành không gian đô thị công nghiệp hiện đại hai bên tuyến đường Vành đai 4; hình thành hai trục đô thị dịch vụ sinh thái dọc sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và các tuyến sông Bé, sông Thị Tính. Về cấu trúc phát triển gồm một trục phát triển; 2 hành lang sinh thái; 3 vành đai liên kết; 5 phân vùng phát triển.

Theo đó, phát triển theo trục Bắc Nam, lấy trục Quốc lộ 13, Bàu Bàng – Mỹ Phước – Tân Vạn; Cao tốc Chơn Thành – Thành phố Hồ Chí Minh; đường sắt Dĩ An – Lộc Ninh; đường sắt đô thị Suối Tiên – Bàu Bàng… làm trục liên kết, phát triển trục đô thị công nghiệp – dịch vụ theo từng phân đoạn.

Hành lang sinh thái gồm hành lang sinh thái phía Đông gắn với trục sông Đồng Nai và hành lang sinh thái phía Tây gắn với trục sông Sài Gòn và hồ Dầu Tiếng. Vành đai liên kết: Phát triển mở rộng không gian đô thị, chức năng và khung hạ tầng gắn với 03 vành đai liên kết của vùng Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, đơn vị tư vấn cũng đã trình bày các định hướng về đường sắt đô thị; giao thông đường thủy; cảng cạn, logistics; quy hoạch điện…

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích