Quảng Bình: Giải pháp nào để khắc phục tình trạng ngập lụt ở Đồng Hới
Quảng Bình: Giải pháp nào để khắc phục tình trạng ngập lụt ở Đồng Hới
Những năm gần đây, TP. Đồng Hới phát triển nhanh chóng về kết cấu hạ tầng đô thị…, tuy nhiên, tác động bất lợi của tự nhiên, biến đổi khí hậu cùng những yếu tố khác đã gây hiện tượng thường xuyên ngập lụt mỗi khi có mưa to trên địa bàn.
Giải pháp nào để khắc phục tình trạng ngập lụt vào mùa mưa bão là “bài toán” khó hiện nay đối với thành phố.
Yếu tố gây ngập lụt
Qua 2 năm thực hiện đề tài “Đánh giá nguyên nhân ngập lụt và đề xuất giải pháp xử lý cho TP. Đồng Hới”, nhóm nghiên cứu khoa học Chi cục Thủy lợi Quảng Bình đã tìm ra những yếu tố cơ bản là nguyên nhân gây ngập lụt ở TP. Đồng Hới, bao gồm: Đặc điểm địa hình lưu vực sông Nhật Lệ; diễn biến các cơn bão, lũ xảy ra trên địa bàn trong điều kiện thiên tai bất thường do sự biến đổi khí hậu, nước biển dâng; sự phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) kéo theo các cơ sở hạ tầng được xây dựng với tốc độ cao; các quy hoạch, kế hoạch phát triển hạ tầng, đô thị; các công trình phòng, chống thiên tai trên địa bàn và công tác quản lý…
Trong đó, các công trình giao thông như đường tránh Đồng Hới, đường Hồ Chí Minh và các trục đường chính… được xây dựng với cao độ san nền cao, các cống tiêu thoát trên tuyến ít và khẩu độ nhỏ chưa bảo đảm tiêu thoát lũ cũng được xem như những “con đê” chắn lũ.
Các khu vực đồng lúa, như: Đức Ninh, Bắc Lý, Đồng Phú… được xem như các vùng trữ lũ, làm chậm lũ nay đã bị san lấp làm khu đô thị, đồng thời hệ thống công trình thoát nước mặt chưa bảo đảm tiêu thoát, nên hàng năm cứ mỗi khi có trận mưa lớn đều gây ngập lụt cục bộ các tuyến đường, các khu dân cư vùng thấp trũng trong thành phố…
Các công trình đê điều chưa được nâng cấp đồng bộ, một số đoạn tuyến đê trong thành phố được xây dựng nhưng mới chỉ bảo đảm ngăn lũ tiểu mãn trong khi cần thiết phải nâng cấp để bảo vệ cho TP. Đồng Hới. Các công trình hồ đập, như: Hồ Troóc Trâu lưu vực sông Lệ Kỳ, hồ Bàu Tràm, Bàu Tuần, Đồng Sơn, Rẫy Họ… chưa được nâng cấp đồng bộ bảo đảm ngăn lũ, giảm lũ và cấp nước sản xuất; đồng thời chưa được trang cấp thiết bị vận hành tự động phục vụ công tác phòng, chống thiên tai cho vùng hạ du.
Theo Trưởng phòng Kinh tế TP. Đồng Hới Đoàn Hồng Quân, thực tế cho thấy, các vùng thấp thường xuyên ngập lụt, như địa bàn các xã: Nghĩa Ninh, Đức Ninh, Lộc Ninh, và phường Bắc Nghĩa, Đồng Hải, Phú Hải. Một số nơi ngập cục bộ, như: Tổ dân phố (TDP) Bình Phúc phường Đức Ninh Đông, TDP 15 phường Bắc Lý, TDP Phú Thượng phường Phú Hải, TDP 9 phường Đồng Sơn…
“Sinh ra và lớn lên trên địa bàn phường Phú Hải, tôi biết rõ địa hình địa thế nơi đây. Phường có 4 TDP, nhìn chung đều trong diện địa hình thấp, dễ ngập lụt. Riêng TDP Phú Thượng có địa hình cao, nước thoát nhanh, nhưng khi thành phố ngày càng phát triển, nhiều công trình dự án được xây dựng, đã phần nào làm cho địa bàn TDP Phú Thượng bị ứ nước khi có mưa lớn do các dòng chảy thoát bị chặn hoặc bị hẹp lại, gây ngập cục bộ”, Bí thư Đảng ủy phường Phú Hải Nguyễn Thanh Hào cho hay.
Để giải pháp khả thi
Theo đánh giá của Hội đồng nghiệm thu khoa học cấp tỉnh, đề tài “Đánh giá nguyên nhân ngập lụt và đề xuất giải pháp xử lý cho TP. Đồng Hới” của Chi cục Thủy lợi là hết sức cấp thiết trong công tác phòng chống, khắc phục, giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt gây ra theo hướng hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn cho thành phố phát triển KT-XH.
Qua phân tích, đánh giá định lượng cụ thể các nguyên nhân gây ngập lụt và trên cơ sở hiện trạng thực tế, quy hoạch phát triển KT-XH, quy hoạch chung phát triển đô thị Đồng Hới, nhóm nghiên cứu đã đề xuất định hướng các giải pháp tăng cường khả năng thoát lũ, giảm ngập lụt trước mắt cũng như lâu dài, nhằm phục vụ cho phát triển bền vững thành phố trong bối cảnh thiên tai, bão lũ và nước biển dâng như hiện nay.
Trong đó, để tăng khả năng tiêu thoát lũ, giảm ngập lụt thì giải pháp nạo vét, khơi thông dòng chảy là thực sự cần thiết. Cụ thể: Cần nạo vét, mở rộng cửa sông Nhật Lệ; đào tuyến kênh thoát lũ cho sông Nhật Lệ qua cồn cát xã Bảo Ninh. Bên cạnh đó, xây dựng các hồ trữ lũ tập trung tại các vùng thấp trũng bằng cách đào sâu và đắp đê bao xung quanh.
Các hồ trữ lũ có thể vận hành độc lập hoặc được tính toán thiết kế và khai thác theo dạng liên hồ. Đồng thời, nâng cấp hệ thống đê, kè dọc bờ sông kết hợp xây dựng các cống điều tiết, trạm bơm tiêu cuối các nhánh sông. Đặc biệt, từng bước hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng trong thành phố.
Thêm vào đó là trồng và bảo vệ rừng, bao gồm rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ và trồng cây dọc các thềm sông, bãi sông…, làm giảm dòng chảy mặt, hạn chế tối đa hiện tượng lũ quét, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, chống sạt lở, bảo vệ sản xuất nông nghiệp và các công trình xây dựng cơ bản; điều hòa nguồn nước, tăng cường dòng chảy ngầm hạn chế hạn hán xảy ra, chống nước mặn xâm nhập vào sông; bảo vệ nguồn nước cho các hồ đập thủy lợi lớn nhỏ trong khu vực; lập lại cân bằng sinh thái trong vùng, điều hòa khí hậu, thủy văn trên lưu vực…
“Trên cơ sở nghiên cứu đề tài khoa học, thành phố đã từng bước ứng dụng các giải pháp chống ngập lụt trên địa bàn. Tuy nhiên, kinh phí để thực hiện đồng bộ các giải pháp không hề nhỏ. Vì vậy, với nguồn lực thực tế cho phép, thành phố đã chỉ đạo các phòng, ban phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch phân khu 9 xã, phường; xây dựng quy chế quản lý kiến trúc thành phố; tiếp tục rà soát các quy hoạch còn bất cập, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, nhất là các địa bàn có cao độ nền quy hoạch còn thấp, như: Phú Hải, Đức Ninh Đông, Đức Ninh,… để đề nghị nâng cao độ phù hợp, giải quyết vấn đề ngập lụt vào mùa mưa, bão…”, Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới Hoàng Ngọc Đan cho biết thêm.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị