Quy hoạch chung Sa Pa đến năm 2040: Phát triển khu du lịch Sa Pa xứng tầm quốc tế

(Xây dựng) – Ngày 20/3/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 266/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Sa Pa – thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến năm 2040. Quyết định này đã giúp Sa Pa thay đổi từ “chiếc áo cũ đã chật”, để “mặc” lên “chiếc áo mới” rộng rãi hơn; tạo tiền đề phát triển Sa Pa xứng đáng là khu du lịch trọng điểm quốc gia, xứng tầm quốc tế.

Quy hoạch chung Sa Pa đến năm 2040: Phát triển khu du lịch Sa Pa xứng tầm quốc tế
Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Sa Pa đến năm 2040 như “chiếc áo mới”, giúp Sa Pa ngày càng phát triển.

Đòi hỏi từ thực tế

Khu du lịch quốc gia Sa Pa có sức hấp dẫn thuộc Top đầu của khu vực phía Bắc Việt Nam, bởi khí hậu trong lành, mát mẻ với nhiệt độ trung bình từ 18 – 220C, cảnh quan hùng vĩ, đỉnh Fansipan như tiên cảnh, ruộng bậc thang kỳ vĩ, đặc biệt là văn hóa bản địa đặc sắc, đã mang lại cảm xúc tuyệt vời, thôi thúc du khách đến trải nghiệm, khám phá.

Trước đây, Sa Pa là địa điểm được người Pháp khám phá, trở thành điểm nghỉ dưỡng nổi tiếng từ những năm 1920. Bởi vậy, đây cũng là một trong những điểm đến thu hút lượng lớn du khách châu Âu. Từ thế kỷ trước, quy hoạch phát triển đô thị Sa Pa đã được người Pháp quan tâm xây dựng, với trọng điểm là gần 200 biệt thự mang đậm nét phong cách châu Âu tại trung tâm thị xã hiện nay. Theo thời gian, quy hoạch Sa Pa được thay đổi cùng với tốc độ phát triển đô thị và quy mô dân số. Lần gần đây nhất, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến năm 2030.

Quy hoạch chung Sa Pa đến năm 2040: Phát triển khu du lịch Sa Pa xứng tầm quốc tế
Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa Tô Ngọc Liễn.

Theo Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa Tô Ngọc Liễn, Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa đến năm 2030 có ý nghĩa lớn với sự phát triển của Sa Pa khi lần đầu tiên Sa Pa có quy hoạch chung. Trước thời điểm 2016, Sa Pa chủ yếu triển khai phát triển theo quy hoạch chi tiết, cục bộ cho từng dự án, từng khu vực. Quy hoạch này đã giúp kết nối tất cả các quy hoạch cục bộ đó, tạo ra sự kết nối về hạ tầng, giao thông cho phạm vi một huyện với thị trấn Sa Pa là trung tâm. Triển khai Quy hoạch này, một số công trình hạ tầng đã được đầu tư, một số chức năng của khu đô thị Sa Pa được hình thành. Quan trọng nhất là đã thiết lập được quy hoạch khu hành chính mới của thị trấn Sa Pa.

Tuy nhiên, tốc độ phát triển nhanh chóng của Sa Pa đã khiến Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa đến năm 2030 không còn phù hợp, cần sớm điều chỉnh. Theo đó, quy hoạch năm 2016 chỉ tính toán trên cơ sở thực trạng Sa Pa thời điểm đó, với quy mô là một huyện, diện tích đô thị chỉ quay xung quanh thị trấn Sa Pa hiện hữu. Quy hoạch chỉ xác định cho phép Sa Pa đón được dưới 1 triệu lượt khách nhưng thực tế Sa Pa đang phải đón đến 3,5 triệu lượt khách một năm. Điều này làm cho hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch bộc lộ những dấu hiệu “quá tải”, như tắc đường, thiếu phòng nghỉ, nhà hàng, bãi đỗ xe…

“Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định công nhận Sa Pa là khu du lịch quốc gia. Từ đó, phải hoạch định cho Sa Pa một định hướng phát triển quy mô hơn, bài bản hơn để đáp ứng nhu cầu khu du lịch quốc gia, tầm cỡ quốc tế. Năm 2018, Bộ Xây dựng đã công nhận Sa Pa là đô thị loại IV, nâng cấp từ thị trấn lên. Đến 01/01/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết công nhận thị xã Sa Pa. Với những lý do trên, cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch chung của Sa Pa, để “mở rộng chiếc áo” cho Sa Pa, đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Đó là lý do thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đề xuất Trung ương điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa đến năm 2030” – ông Tô Ngọc Liễn nhấn mạnh.

“Mở rộng áo” cho Sa Pa

Ngày 20/3/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 266/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Sa Pa – thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến năm 2040. Quy hoạch chung có phạm vi lập quy hoạch xây dựng gồm: Trung tâm của Khu du lịch quốc gia Sa Pa có diện tích khoảng 6.090 ha, trong đó bao gồm diện tích đô thị du lịch Sa Pa lõi hiện hữu (diện tích 5.525 ha) và khu vực nghiên cứu mở rộng không gian (diện tích khoảng 565 ha); 4 phân khu kết nối với trung tâm của Khu du lịch quốc gia Sa Pa gồm: Ngũ Chỉ Sơn (diện tích khoảng 285 ha); Tả Phìn (diện tích khoảng 185 ha); Tả Van (diện tích khoảng 306 ha) và Thanh Bình (330 ha).

Theo dự báo, đến năm 2030, dân số Khu du lịch quốc gia Sa Pa – thị xã Sa Pa khoảng 155.000 người, đón khoảng 8 triệu lượt khách du lịch; đến năm 2040 khoảng 210.000 người; đón khoảng 12 triệu lượt khách. Theo quy hoạch chung, đến năm 2040, Khu du lịch quốc gia Sa Pa được xây dựng thành khu du lịch quốc gia, trung tâm giao lưu văn hóa vùng Tây Bắc, là điểm đến mang tầm cỡ quốc tế với những sản phẩm du lịch nổi bật về nghỉ dưỡng, văn hóa, trải nghiệm…

Quy hoạch chung thể hiện định hướng phát triển không gian trung tâm Khu du lịch quốc gia Sa Pa – thị xã Sa Pa theo hướng tái thiết khu vực lõi trung tâm Sa Pa, phát triển các chức năng hỗn hợp đô thị dịch vụ du lịch. Cải tạo chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu, bổ sung đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Mở rộng không gian đô thị về phía Đông Bắc, suối Hồ, phía Bắc tuyến tránh QL4D, Mường Hoa, Trung Chải hình thành các trung tâm đô thị, dịch vụ, du lịch mới. Phát triển các khu chức năng đô thị, dịch vụ du lịch chất lượng cao gắn với chủ đề văn hóa Sa Pa dọc thung lũng Mường Hoa, suối Hồ. Gìn giữ, cải tạo mở rộng các bản làng truyền thống trong đô thị kết hợp phát triển du lịch cộng đồng.

Về định hướng phát triển với 4 phân khu du lịch, sẽ xây dựng các trung tâm du lịch vệ tinh hỗ trợ, chia sẻ chức năng cho trung tâm Khu du lịch quốc gia tại các xã Ngũ Chỉ Sơn, Tả Phìn, Tả Van và Thanh Bình. Khai thác lợi thế về cảnh quan, văn hóa, thiên nhiên của từng khu vực phát triển gắn với các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, thể thao mạo hiểm, thể dục thể thao chất lượng cao. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của các dân tộc trong khu vực. Đồng thời, định hướng phát triển khu vực nông thôn với 10 xã thuộc thị xã Sa Pa, sẽ bảo vệ, khai thác thế mạnh đặc trưng về bản sắc văn hóa, kiến trúc truyền thống đa dạng các dân tộc để phát triển du lịch bền vững, phù hợp với điều kiện sản xuất kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp của từng xã.

“Tăng tốc” xây dựng quy hoạch phân khu, chi tiết

Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Sa Pa đến năm 2040 có ý nghĩa quan trọng, là căn cứ để tập trung đồng bộ các giải pháp phát triển Sa Pa trở thành một khu vực đô thị, nông thôn có bản sắc, là địa bàn trọng điểm phát triển kinh tế du lịch của tỉnh Lào Cai. Sau khi Quy hoạch chung được phê duyệt, Sa Pa đang rốt ráo hoàn thiện các quy hoạch liên quan, gồm: Quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch chi tiết đô thị, quy hoạch chung xã, quy hoạch chi tiết trung tâm xã, quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn…

Theo Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa Tô Ngọc Liễn, để đưa quy hoạch đi vào cuộc sống còn rất nhiều việc phải làm. Sa Pa đã chủ động thực hiện, hoàn thiện các đồ án quy hoạch phân khu, đến nay đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đây là cơ sở để xác định các dự án đầu tư, kêu gọi đầu tư trên địa bàn. Tiếp đó, thị xã tiếp tục tổ chức rà soát, điều chỉnh và lập mới các quy hoạch chi tiết xây dựng đảm bảo tuân thủ theo định hướng quy hoạch chung, quy hoạch phân khu được duyệt. Đây là cơ sở để triển khai các dự án đầu tư xây dựng. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ lập quy chế quản lý kiến trúc đô thị du lịch Sa Pa làm cơ sở để chỉnh trang đô thị, tạo ra các không gian công cộng, không gian xanh cho đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Nhằm giúp Sa Pa sớm trở thành khu du lịch tầm cỡ quốc tế, ông Tô Ngọc Liễn kiến nghị Chính phủ tăng cường nguồn lực đầu tư hạ tầng cho Sa Pa. Nguồn lực này sẽ được dành cho phát triển hạ tầng kết nối, trong đó, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ đầu tư, thi công tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đoạn từ thành phố Yên Bái đến Lào Cai lên 4 làn xe. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư Cảng Hàng không Sa Pa, các tuyến đường kết nối Cảng Hàng không, đường cao tốc nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai với Sa Pa.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích