Phát hành online tác phẩm “Lục bát mỗi ngày”
(Xây dựng) – Ngày 24/9, tại Hà Nội, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp với Tạp chí Văn hoá và Phát triển, cùng các diễn đàn mạng xã hội “Trái tim Người lính” và “Lục Bát Việt Nam” đã tổ chức phát hành online tác phẩm “Lục bát mỗi ngày” của nhà thơ Đặng Vương Hưng (NXB Văn học – 2021).
Tuyển tập “Lục bát mỗi ngày” dày 1.248 trang sách khổ lớn, nội dung tác phẩm được chia làm 3 phần. Phần thứ Nhất, tái bản tập lục bát và lời bình “Học quên để nhớ”. |
Cách đây 20 năm, khi còn làm việc tại báo An ninh Thế giới, nhà thơ Đặng Vương Hưng đã tạo nên một hiện tượng phát hành và cơn “sốt thơ” với tập “Học quên để nhớ” (NXB Hội Nhà văn, 2001) bằng cách công bố thông tin trên báo chí để bạn đọc đăng ký và gửi sách đến nhà theo đường bưu điện. Đã có hàng vạn lá thư được gửi về cho tác giả và gần 100.000 bản in sách được phát hành.
Phần thứ hai, “Lục bát mỗi ngày”, tuyển chọn hơn 900 bài lục bát được tác giả sáng tác trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến 2020, với đủ các cung bậc cảm xúc buồn vui, như nhật ký cuộc đời và số phận con người.
Phần thứ ba, dư luận tác phẩm và tác giả gồm 12 bài viết của nhiều nhà nghiên cứu văn hoá, phê bình văn học, giới thiệu, đánh giá, cảm nhận về tác phẩm “Lục bát mỗi ngày” và nhà thơ Đặng Vương Hưng, giúp bạn đọc tiếp cận tác phẩm và tác giả dễ dàng hơn.
Tiến sĩ, Luật sư Đồng Xuân Thụ (Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam) đã chia sẻ: Chúng tôi tự hào vì đều là “Trai cầu Vồng Yên Thế”, cùng sinh ra và lớn lên tại vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi dựng cờ dấy binh khởi nghĩa của các thủ lĩnh nghĩa quân Hoàng Hoa Thám chống Pháp. Nơi có Đồi văn hoá kháng chiến, gắn liền với nhiều tên tuổi văn nghệ sĩ, trí thức nổi tiếng Việt Nam: Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Kim Lân, Trần Văn Cẩn, Tạ Thúc Bình, Trần Huy Liệu, Tú Mỡ, Trần Đăng, Phạm Duy… Với “Lục bát mỗi ngày”, nhà thơ Đặng Vương Hưng đã góp phần làm cháy sáng hơn ngọn lửa văn hoá truyền thống và rất đáng tự hào của quê hương Bắc Giang”.
Tiến sĩ, nhà văn Phạm Việt Long (Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Văn hoá và Phát triển) cũng chia sẻ: Cựu chiến binh, Đại tá Đặng Vương Hưng thể hiện tình yêu đất nước bằng con đường binh nghiệp và con đường thơ. Cả hai con đường đều vẻ vang và mang đậm tính cách Đặng Vương Hưng, hết sức quyết liệt nhưng không ồn ào, mà lặng thầm cống hiến.
Phải yêu thắm thiết và hiểu sâu sắc tâm hồn Việt, phong cách Việt, Đặng Vương Hưng mới dám chọn thể loại lục bát, thể thơ thuần Việt, có vẻ dễ làm nhưng thực chất làm rất khó hay, để làm phương tiện đi đến cùng con đường thơ của mình. Anh đã thành công, không chỉ ở số lượng cả ngàn bài thơ, mà quan trọng hơn, ở chất lượng cao của các bài thơ ấy, nhuần nhuyễn về thể loại, phong phú về nội dung, giàu hình tượng, giàu sức cuốn hút.
Nhà thơ cựu chiến binh Trần Ninh Hồ (Nguyên Chủ tịch Hội đồng Thơ – Hội Nhà văn Việt Nam) cho biết: “Không hiểu sao, khi đọc “Lục bát mỗi ngày” của Đặng Vương Hưng, tôi cứ liên tưởng đến những nghệ nhân xẩm chợ, xẩm tàu điện ngày xưa, những nghệ sĩ vĩ đại của nhân dân.
Xét về góc độ nào đó, Đặng Vương Hưng cũng là một nghệ sĩ hát rong như thế. Do lợi thế của nghề làm báo, anh có điều kiện đi khắp Đông – Tây – Nam – Bắc. Và kỳ lạ là đến đâu anh cũng có thơ lục bát. Những bản du ca sáu – tám của Đặng Vương Hưng cứ thế ngân vang, cứ lặng lẽ đi vào đời sống như ca dao, dân ca, như lời ăn tiếng nói của người dân, bất chấp khen chê và cả sự thị phi này nọ…”
PGS.TS Lê Thị Bích Hồng (Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội) đã viết: “Mỗi ngày, nhà thơ đón nhân, nâng niu cuộc sống, con người đưa vào thơ. Mỗi bài lục bát như một trang nhật ký thơ, ăm ắp cảm xúc của thi nhân gửi vui buồn vào đó. Đọc cả ngàn bài thơ, tôi nhận thấy nội lực rất đáng nể của một nhà thơ chọn lục bát – thể thơ dân tộc thể hiện những cung bậc cảm xúc của mình…
Thơ là nơi ký thác tâm hồn. Mọi nỗi buồn vui Đặng Vương Hưng gửi vào thơ. Vịn tựa vào thơ là vịn vào sự thiêng liêng, nhân văn. Phải coi đó là điều may mắn, bởi không phải ai cũng có được đặc ân đó nếu như trời không cho ăn lộc…”
Doanh nhân cựu chiến binh Đồng Văn Bột (Công ty TNHH Công nghiệp Chính Đại) chia sẻ cảm nhận: “Đặng Vương Hưng giống như một “Thiên sứ” lục bát tài hoa. Hình như anh được tổ tiên giao nhiệm vụ mang hồn thơ từ ngàn đời, truyền đến hôm nay và mai sau. Chúng tôi cảm phục ngòi bút nghiêm túc, cần cù của “Người nhà quê mặc áo lính”. Anh đã mang cái tâm, cái tài và cả cuộc đời để cống hiến cho lục bát. Người đọc được đắm say vào cái hay, cái độc đáo riêng có của những bài thơ mang thương hiệu Đặng Vương Hưng. Anh đã góp phần tạo ra giá trị thẩm mỹ lâu bền cho một thể thơ truyền thống”.
Nhà phê bình văn học Lê Xuân (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tại Cần Thơ) viết: “Tôi thích đọc Lục Bát Đặng Vương Hưng giữa bao nhiêu ồn ào, bao nhiêu trăn trở trước khó khăn của cuộc sống, đọc thơ anh ta như được tắm nước mưa giữa mùa hè nóng bức. Cái đáng quý trong lục bát của anh là luôn giữ nụ cười lạc quan. Nó được tỏa sáng bởi cái “tếu táo”, cái “khiêm nhường” và “tự trào”.
Có khi nó ẩn chứa tiếng cười của Tú Tương, Nguyễn Khuyến. Có lúc lại phớt đời, mang cái “ngông” của Tản Đà – Nguyễn Khắc Hiếu. Đâu đó lại hàm chứa tiếng cười của Bút Tre, Bảo Sinh, Trần Nhương…
Thơ anh là thơ của “thảo dân”, thơ của “lính”, chất dân dã nổi trội, nhưng lại hàm chứa tính uyên bác và rất hiện đại”
Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ (Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam) cũng chia sẻ: “Lục bát Đặng Vương Hưng như một khu vườn rộng mênh mông không bờ bến. Gần ngàn bài thơ với đủ các đề tài, không gian, nhân vật, tâm trạng cùng biết bao câu chuyện trong một kiếp nhân sinh, từ chuyện sinh hoạt đời thường cho đến những suy tưởng triết luận, thi sĩ như đã trút cả cuộc đời mình vào Lục Bát…
Chúng như món quà bất tận mà cuộc đời đã dành cho anh, từ đó cũng dành cho bao người khác nữa: “Tôi giờ còn lại chiêm bao/ Cố trần tục…để thanh tao kiếp người/ Mải mê học khóc cho… cười/ Quên hờ hững để cùng người đam mê…”
Tiến sĩ Lê Đình Thắng (nhà nghiên cứu văn hoá tại CHLB Đức) cho rằng: “Đặc điểm lục bát của Đặng Vương Hưng là rất ngắn. Hầu hết các bài được xếp gọn trong một trang sách. Về cơ bản, chúng rất chuẩn vần và niêm luật.
Hơn thế, câu chữ trong thơ anh rất giản dị, dễ hiểu, dễ thuộc, gần gũi với đời thường. Giống như một “phù thuỷ” sáu – tám, nhiều bài thơ của anh cứ tự nhiên như một câu nói, nhưng lại rất lục bát.
Anh có cái tài chuyển tải tất cả các chi tiết đời sống và mọi cung bậc cảm xúc của con người thành thơ. Chính vì thế dù thơ anh không quá nhiều bài toàn bích, nhưng cũng không hiếm câu hay và rất đa nghĩa. Ai đọc cũng thấy có bóng dáng của mình hoặc người thân trong đó. Vì anh đã nói hộ cho suy nghĩ của rất nhiều người”.
Nguồn: Báo xây dựng