Khuyến cáo nông dân xuống giống sớm để né mặn

Nông dân phường Đông Giang, thành phố Đông Hà (Quảng Trị), chăm sóc lúa vụ Đông Xuân 2022-2023. Ảnh tư liệu: Nguyên Lý/TTXVN
Nông dân phường Đông Giang, thành phố Đông Hà (Quảng Trị), chăm sóc lúa vụ Đông Xuân 2022-2023. Ảnh tư liệu: Nguyên Lý/TTXVN

Đó là khuyến nghị của ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt tại hội nghị “Sơ kết sản xuất trồng trọt vụ Hè Thu, Thu Đông và vụ Mùa năm 2023; triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2023 – 2024 vùng Đồng bằng sông Cửu Long” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vào sáng 14/9 tại thành phố Cần Thơ.

Theo ông Lê Thanh Tùng, lịch thời vụ và diện tích xuống giống cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cụ thể từ ngày 10 – 30/10/2023 những vùng có nguy cơ  hạn cuối vụ, thiếu nước như vùng ven biển Nam bộ gồm các tỉnh Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang sẽ cần xuống giống sớm để né mặn với diện tích khoảng 375.000 ha, chiếm khoảng 26% diện tích vụ Đông Xuân.

Từ ngày 1/11 – 30/11/2023 xuống giống đợt 1 thời vụ chính cho cả 3 vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển với diện tích khoảng 700.000 ha, chiếm khoảng 46% diện tích kế hoạch; từ ngày 1/12 – 31/12/2023 xuống giống đợt 2 thời vụ chính cho cả 3 vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển, với khoảng 400.000ha, chiếm khoảng 26% diện tích kế hoạch. Một số vùng xuống giống Đông Xuân muộn kết thúc xuống giống trước ngày 10/1/2024.Nhận định hiện chưa có giống lúa cải tiến ngắn ngày chịu được mức độ mặn ở mức trên 4‰ mà vẫn cho năng suất ở mức đảm bảo có hiệu quả kinh tế, vì thế ông Lê Thanh Tùng cho rằng với mức độ xâm nhập mặn như hiện nay, việc chỉ sử dụng giống lúa chống chịu mặn là chưa đủ và hiệu quả.

“Việc sử dụng giống cho vùng xâm ngập mặn nên sử dụng giống lúa cực ngắn ngày, chịu mặn khá, kết hợp với bố trí thời vụ để né mặn đỉnh cao giai đoạn trổ bông”, ông Tùng nhấn mạnh.

Để vụ lúa Đông Xuân 2023 – 2024 thắng lợi, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cũng đề xuất giải pháp về cơ cấu giống lúa cho các vùng sản xuất. Theo đó, vùng cách biển từ 20 – 30 km, ưu tiên sử dụng các giống lúa chịu mặn và ngắn ngày (90 ngày); vùng cách biển từ 30 – 70 km, ưu tiên sử dụng các giống lúa chất lượng cao, có thời gian sinh trưởng từ 90 – 105 ngày; vùng thượng ưu tiên sử dụng các giống lúa thơm, cao sản chất lượng cao, hạt tròn, nếp, một ít giống lúa chất lượng trung bình, giống có thời gian sinh trưởng 90 – 105 ngày.

Ông Lê Thanh Tùng nhận định: xuống giống lúa Đông Xuân trong tháng 10/2023 sẽ có một số bất lợi ở giai đoạn đòng trổ của cây lúa và thường cho năng suất không cao, tuy nhiên lại khá an toàn đối với vùng bị ảnh hưởng của hạn, mặn. Do vậy, đây là sự lựa chọn an toàn trong giai đoạn hiện nay, về lâu dài vùng khó khăn này cần được chuyển sang cơ cấu 2 lúa -1 màu.

Thời vụ lúa vụ Đông Xuân rất quan trọng và có ý nghĩa đối với việc bố trí mùa vụ sản xuất trong cả năm. Vì vậy, tại hội nghị, đại diện Cục Trồng trọt, Cục Thủy lợi, Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra các dự báo, khuyến cáo và giải pháp để các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện thắng lợi vụ lúa Đông Xuân 2023 – 2024: dự báo nguồn nước trong sản xuất vụ Đông Xuân 2023 – 2023; các giải pháp sử dụng nước hiệu quả tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Dự báo tình hình dịch hại và giải pháp quản lý sâu bệnh hại trên cây lúa; dự báo tình hình thủy văn;…

Đánh giá tình hình nguồn nước mùa khô năm 2023 – 2024, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam dự báo dòng chảy mùa kiệt năm 2023 – 2024 thuộc nhóm năm ít nước, diễn biến xâm nhập mặn khó lường, phụ thuộc vào vận hành của các hồ thủy điện trên lưu vực.

Đáng chú ý các hồ thượng nguồn khả năng kéo dài tích nước đến cuối năm 2023, giai đoạn đầu mùa khô tháng 12/2023 đến tháng 3/2024 có thể xả nước hạn chế. Vì vậy, dòng chảy kiệt thấp làm tăng nguy cơ mặn có thể xuất hiện sớm. Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 – 2024 sẽ xuất hiện sớm và sâu hơn so với trung bình nhiều năm, một số thời điểm tương đương năm 2015 – 2016, 2019 – 2020.

Với dự báo trên, ông Trần Bá Hoằng lưu ý, các địa phương theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, nguồn nước, khuyến cáo về kế hoạch sử dụng nước do các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp; xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn với các kịch bản có khả năng xảy ra để chủ động triển khai các giải pháp phù hợp.

“Việc bố trí thời vụ sớm từ tháng 10/2023 và linh hoạt cho những vùng ảnh hưởng của xâm nhập mặn hàng năm tại các tỉnh ven biển sẽ đảm bảo đủ lượng nước cho sản xuất lúa và sẽ hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra. Ngoài ra cũng đề phòng khô hạn cục bộ tại một số địa bàn thuộc vùng phù sa ngọt”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Bá Hoằng nhận định.

Chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Trung, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tập trung sản xuất tốt vụ Đông Xuân 2023 – 2024 với diện tích gieo sạ khoảng 1,5 triệu ha, đạt sản lượng khoảng 11 triệu tấn.Để vụ lúa Đông Xuân 2023 – 2024 thắng lợi và đạt chỉ tiêu đề ra, các địa phương chỉ đạo rà soát, xây dựng kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2023 – 2024 phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết, phòng tránh hạn hán, xâm nhập mặn, đảm bảo đạt mục tiêu toàn diện về quy mô diện tích, năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, vệ sinh an toàn thực phẩm và cân đối cung cầu.

Ngành nông nghiệp các tỉnh thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, khí tượng, thủy văn, tình hình dự báo sinh vật gây hại để có giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả. Cùng đó, kiểm tra hệ thống thủy lợi, củng cố, cải tạo thủy lợi nội đồng, đê bao, bờ bao, công tác chuẩn bị ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, tích trữ sớm nước ngọt phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn khi mùa khô đến.

Thứ trưởng Hoàng Trung cũng chỉ đạo Cục Thủy lợi chủ động theo dõi nguồn nước, chất lượng nước thông báo và khuyến cáo kịp thời tới các tỉnh, có hướng dẫn điều tiết, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả đối với sản xuất. Cục Bảo vệ thực vật tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ tình hình phát sinh sâu bệnh gây hại, các loài dịch hại chính, có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.

Theo báo cáo từ các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản xuất lúa năm 2023 ước đạt trên 3,81 triệu ha, tăng trên 13.000 ha; năng suất ước đạt 62,81 tạ/ha, tăng  0,88 tạ/ha và sản lượng ước đạt 23,97 triệu tấn, tăng 416.000 tấn so với cùng kỳ năm 2022.

Theo TTXVN

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích