Lai Châu: Bản Mông xanh ven đỉnh núi Khun Há
(Xây dựng) – Không được cấp chứng chỉ công trình xanh nhưng bản Lao Chải, xã Khun Há, huyện Tam Đường (Lai Châu) như bản làng xanh, nhỏ xinh, tuyệt đẹp, nằm ven đỉnh núi Khun Há, ở độ cao trên 2.000m so với mặt nước biển.
Đường vào bản Lao Chải được trang trí bằng các quả thông và vật liệu sẵn có trong tự nhiên, không tốn kém kinh phí của Nhân dân. |
Tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp để thoát nghèo
Từ thị trấn Tam Đường, vượt gần 15km đường quanh co trong trập trùng mây núi, đi qua những nương chè xanh tươi mơn mởn, ruộng bậc thang chín vàng sắp gặt, đồi chanh leo thơm lừng; du khách đến với Lao Chải – bản Mông nơi rẻo cao Tây Bắc. Nhìn từ xa, 43 nóc nhà như nấm rừng cài lên ngực núi, giữa màu xanh bạt ngàn của núi rừng Khun Há.
Thân thiện, mến khách, chân chất, thật thà là cảm nhận của du khách khi tiếp xúc với người Mông Lao Chải. Cả bản có 247 nhân khẩu, 100% người Mông. Trước đây, khi chưa xây dựng nông thôn mới, chưa làm du lịch, người dân sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nương, ngô, chăm sóc và bảo vệ rừng, trồng thảo quả, sơn tra… đời sống gặp nhiều khó khăn.
Ông Đỗ Trọng Thi – Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Tam Đường cho biết: Năm 2016, Đảng ủy, HĐND xã Khun Há tổ chức cho Nhân dân đi tham quan, học tập làm du lịch ở Sa Pa. Chúng tôi đã cùng bà con làm đường bê tông xi măng, điện chiếu sáng; trang trí cảnh quan của bản, từ cổng bản, cổng nhà, thùng rác, nhà vệ sinh; chỉnh trang, cải tạo nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh, trồng hoa, cây cảnh, trồng lan, tạo cảnh quan đẹp, khang trang. Điều đặc biệt là vật liệu trang trí đều làm từ những nguyên vật liệu sẵn có trong tự nhiên, để không tốn kém kinh phí của Nhân dân.
Lao Chải ngày nay trở thành điển hình trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, gắn với phát triển du lịch cộng đồng. |
Tận dụng lợi thế tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên đẹp và đặc sắc văn hóa người Mông, phát triển du lịch cộng đồng là hướng đi đúng được lãnh đạo xã Khun Há và Nhân dân Lao Chải đồng thuận, cùng làm. Các hộ trong bản được cử đi học cách làm du lịch hiện đại, văn minh, được cập nhật các kiến thức mới về phát triển kinh tế, văn hóa và làm du lịch cộng đồng. Bản có tổ điều hành để đảm bảo hài hòa lợi ích cho các hộ dân trong bản. Gia súc, gia cầm có bãi chăn thả riêng, cách xa khu dân cư, để giữ gìn cảnh quan môi trường và không khí trong lành.
Ấn tượng đặc biệt là Lao Chải trồng rất nhiều lan, từ địa lan đến các loại phong lan khác nhau. Lan ngập tràn lối đi dọc bản, vườn nhà nào cũng trồng lan. Khí hậu mát mẻ quanh năm, cây lan phát triển tốt, đã mang lại lợi ích kép cho người dân, vừa tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp cho bản, vừa tăng nguồn thu cho người dân khi bán hoa lan, đặc biệt các dịp lễ Tết vì cây lan có giá trị kinh tế cao.
Từ bản nghèo nàn lạc hậu, Lao Chải ngày nay trở thành điển hình trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, gắn với phát triển du lịch cộng đồng của huyện Tam Đường; lưu giữ giá trị văn hóa độc đáo của người Mông. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng khá hơn, tỷ lệ hộ nghèo giảm, người dân cùng nhau xây dựng nếp sống văn minh hiện đại, loại bỏ phong tục, tập quán cổ hủ…
Phụ nữ Mông rất tỉ mỉ, khéo tay. |
Bí thư Chi bộ bản Lao Chải Cứ A Chu cho biết: Trước đây, bản là những căn nhà dưới tán rừng, đường sá đi lại khó khăn, không có điện, người dân không biết chữ. Năm 2002, Đảng bộ huyện Tam Đường và lãnh đạo xã Khun Há vận động bà con di cư từ Lao Chải cũ về đây. Giai đoạn từ năm 2002 – 2010, tỷ lệ hộ nghèo luôn trên 70%, thu nhập bình quân đầu người đạt 5-8 triệu đồng/người/năm. Sau khi xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch cộng đồng, giai đoạn 2015 – 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 40%; thu nhập bình quân đầu người đạt 25 – 28 triệu đồng/người/năm; giai đoạn 2020 – 2022 thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/người/năm; năm 2023 dự kiến đạt 38 triệu đồng/người/năm.
Vật liệu trang trí độc lạ
Ngay đầu bản, du khách được nghe âm thanh róc rách của suối chảy, tiếng chim rừng líu lo, tiếng nô đùa của trẻ con, những âm thanh vui nhộn phá tan tĩnh lặng của núi rừng; được hít không khí trong veo, mát lạnh, cơ thể khoan thai, dễ chịu lạ thường.
Điểm trường bản Lao Chải. |
Cổng đặc trưng của nhà dân. |
Ấn tượng đầu tiên là những chiếc cổng. Từ cổng làng đến cổng nhà; 43 ngôi nhà là những kiểu cổng hình dạng và trang trí khác nhau, nhưng điểm chung đều làm từ vật liệu tự nhiên ở địa phương như tre, gỗ, quả thông, lá rừng…, có gắn số nhà, điện thoại gia chủ. Cổng dựng bằng gỗ hoặc tre, trên lợp lá, trang trí bằng khúc tre tạo hình, quả thông, quả rừng… trông độc đáo, lạ mắt.
Cầu Tình yêu được làm từ những vật liệu tự nhiên. |
Giữa bản có những gian hàng, nơi được ví như siêu thị mini, có không gian cộng đồng là sân khấu ngoài trời để biểu diễn dịp lễ hội; có nơi lưu giữ nghề rèn và trưng bày sản phẩm rèn thủ công. Tất cả dựng bằng tre, lá… Đứng từ cầu đá làm bằng tre, gỗ và có mái cỏ tranh; hướng mắt về phía xa, thấy cả biển mây trắng lưng chừng núi, thung lũng ruộng bậc thang và những dòng thác bên sườn núi phía xa.
Nếu đến Lao Chải mùa xuân, dịp lễ Tết, du khách sẽ được hòa mình các lễ hội, múa khèn Mông, thưởng thức hát những điệu dân ca hát ru, hát đối, hát giải, nhảy dân vũ… phản ánh cuộc sống lao động, chinh phục tự nhiên và mong ước mơ về cuộc sống hạnh phúc, no đủ của đồng bào. Lao Chải vào mùa hạ, thu, “đặc sản” là không khí mát mẻ quanh năm; còn mùa đông, du khách được trải nghiệm cái lạnh thấu da thịt của núi rừng, sống trong biển mây và sương, khá thú vị. Ngoài ra, du khách có thể trekking tham quan tìm hiểu rừng nguyên sinh, ngắm những vườn hoa địa lan, hay các loài hoa theo mùa như hoa đào, hoa lê, mận, hoa hồng cổ…
Kiến trúc nhà gỗ 3 gian 2 chái, nhiều cửa, thoáng mát
Nếu người Thái thường sinh sống gần suối, dưới thung lũng; thì người Mông chọn làm nhà, sinh sống trên núi cao, nơi khí hậu khắc nghiệt, họ làm chủ rừng, sống nương tựa vào thiên nhiên, rừng núi.
Nét độc đáo trong kiến trúc nhà của người Mông. |
Nét độc đáo trong kiến trúc nhà của người Mông, dù nhà to hay nhỏ, đều có ba gian, hai cửa (một cửa chính, một cửa phụ), hai chái và vài cửa sổ lấy ánh sáng, lưu thông không khí. Khi cửa mở, không khí lưu thông tốt, căn nhà luôn thoáng đãng, mát mẻ. Mùa đông, đóng kín cửa, không khí trong nhà trở nên ấm áp. Nơi cửa phụ bên trái thường thông ra bếp nấu. Hạn chế sử dụng bê tông, cốt thép, người Mông làm nhà thường tận dụng nguyên liệu địa phương, từ tự nhiên. Vì nhà dựng trên núi cao nên cột nhà cao vừa phải, được làm bằng gỗ chắc chắn. Xung quanh nhà được thưng bằng tấm gỗ nhỏ, bào nhẵn, trông đẹp mắt.
Trước đây, khi chưa phát triển du lịch, chưa làm homestay, phía bên trái đặt bếp nấu và buồng ngủ của vợ chồng gia chủ, con cái; bên phải đặt bếp sưởi và giường khách; gian giữa thường rộng hơn để bàn thờ tổ tiên, đồng thời là nơi tiếp khách, ăn uống của gia đình. Nhưng giờ đây, khi làm homestay, phòng ngủ bên phải phía ngoài của gia chủ và con cái; các phòng còn lại dành cho du khách ngủ và ở lại. Bếp nấu được di chuyển ra khỏi nhà, vừa sạch sẽ, lại rộng không gian, khu nấu nướng riêng. Người Mông vẫn nấu bếp củi, vị trí đặt gần góc bên phải; phía trái đặt chạn, tủ, cất giữ đồ đạc, trên gác bếp treo thịt nướng, ngô…
Không gian nhà được trang trí bằng các họa tiết trám thêu tay của người phụ nữ Mông. |
Không gian nhà được trang trí hiện đại nhưng đầy bản sắc, bằng các họa tiết trám thêu tay của người phụ nữ Mông, đồ đạc sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Người đàn ông Mông rất tỉ mỉ, khéo tay. Nhiều đồ dùng trong nhà được làm từ vật liệu tự nhiên như gỗ, tre nứa. Những chiếc chậu rửa tay xinh xắn làm từ gỗ, rất ấn tượng; thùng rác gỗ, đúc hình con vật sinh động, đáng yêu; hình ảnh nấm rừng lúp xúp chế từ thân cây được làm vật trang trí, tạo cảnh quan. Bàn, ghế làm từ gỗ, đan lát bằng mây, tre, hoặc trang trí từ quả rừng độc đáo, tinh tế…
Chậu rửa tay, thùng rác đều tận dụng từ những nguyên liệu sẵn có trong bản. |
Ông Đỗ Trọng Thi cho biết: Theo quy định không được chặt, lấy gỗ ở rừng, rừng được giao cho người dân chăm sóc, bảo vệ nên muốn dựng nhà gỗ, giờ đây, người Mông mua lại nếp nhà sàn, nhà gỗ từ nơi khác ở huyện Tân Uyên, Than Uyên về dựng.
Bản Lao Chải bình yên, đẹp như cổ tích, với những nét vừa hiện đại, vừa hoang sơ, mang đậm văn hóa bản địa; xanh từ khung cảnh thiên nhiên núi rừng, đến cảnh quan nơi ở và đặc biệt trong kiến trúc, vật liệu mà người Mông sử dụng làm nhà, cũng như đồ dùng phục vụ đời sống hàng ngày. Điểm trừ duy nhất là những nhà làm trước đây vẫn lợp fibrô xi măng, khắc phục điểm này, Lao Chải sẽ đẹp hơn, xanh hơn trong thiên nhiên hùng vĩ.
Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2023 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết. |
Nguồn: Báo xây dựng