Phú Yên: Đình Phú Câu – công trình kiến trúc có tuổi đời 144 năm

(Xây dựng) – Đình Phú Câu nằm tại phường 6, thành phố Tuy Hòa có tuổi đời 144 năm, là trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng cư dân vùng biển thành phố Tuy Hòa. Đình Phú Câu được UBND tỉnh Phú Yên xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh năm 2014.

Phú Yên: Đình Phú Câu - công trình kiến trúc có tuổi đời 144 năm
Đình Phú Câu nằm tại phường 6, thành phố Tuy Hòa có tuổi đời 144 năm.

Các bậc cao niên ở khu phố Bạch Đằng và Ban Quản lý đình Phú Câu cho biết, ngôi đình được tạo lập năm 1879 để thờ Thành hoàng Bổn cảnh, các bậc tiền hiền, hậu hiền, những người có công trong việc lập làng và dựng đình trước đó.

Đình Phú Câu bao gồm 3 thiết chế là Đình làng, Lăng Ông và Miếu Bà. Đình là nơi thờ Thành hoàng và các vị tiền hiền, hậu hiền có công khai khẩn đất đai, quy dân lập làng. Lăng Ông thờ Nam Hải cự tộc ngọc lân tôn thần – vị thần bảo hộ những người đi biển, với khoảng 16 bộ cốt cá Ông, trong đó có 1 bộ cốt được đánh giá là lớn nhất tỉnh Phú Yên. Miếu Bà là nơi thờ Thiên Y A Na – vị nữ thần bản địa trong tín ngưỡng của người Chăm, được tiếp thu có ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống tâm linh của cộng đồng cư dân người Việt.

Phú Yên: Đình Phú Câu - công trình kiến trúc có tuổi đời 144 năm
Đình Phú Câu bao gồm 3 thiết chế là Đình làng, Lăng Ông và Miếu Bà.

Xưa kia vùng đất Phú Câu là thôn Phường Câu, đến năm 1832 được đổi tên thành Phú Câu, thuộc tổng Hòa Bình, huyện Tuy Hòa. Trải qua thời gian và nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính, hiện nay Phú Câu thuộc phường 6, thành phố Tuy Hòa.

Phú Câu là một trong những làng được hình thành rất sớm gắn với quá trình khẩn hoang, mở rộng bờ cõi về phương Nam của các chúa Nguyễn. Với vị trí gần cửa biển Đà Diễn và nằm trên các trục giao thương quan trọng, Phú Câu nhanh chóng trở thành một trong những khu vực dân cư sầm uất với nghề đánh bắt hải sản. Cùng với quá trình quần tụ dân cư và phát triển của kinh tế, nhiều công trình kiến trúc văn hóa – tín ngưỡng ra đời, tồn tại đến ngày nay, trong đó có đình Phú Câu.

Phú Yên: Đình Phú Câu - công trình kiến trúc có tuổi đời 144 năm
Miếu Bà Thiên Y A Na.

Đình Phú Câu là một trong những ngôi đình cổ nhất trong số các đình làng ở Phú Yên. Nơi đây có nhiều giá trị nổi bật về mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc tiêu biểu cho loại hình kiến trúc nghệ thuật đình làng miền biển ở Phú Yên. Trong tổng thể chung, kiến trúc chính của Đình Phú Câu dạng chữ đinh gồm 3 gian thờ tự: Đình Thành hoàng, Lăng Ông Nam Hải và Miếu Bà Thiên Y A Na.

Phú Yên: Đình Phú Câu - công trình kiến trúc có tuổi đời 144 năm
Gian thờ Thành hoàng.

Cổng đình xây dựng theo kiểu kiến trúc tam quan, cửa chính rộng 3m trên có dòng chữ “Đình Phú Câu”, hai bên trụ cổng có đặt cặp lân bằng gốm xanh ngọc. Cổng có 4 câu đối bằng chữ Hán “Phước căn kiết quả phong môn đại nhật hoa minh đại. Đức thọ khai hoa thế lăng trường toàn dân tự túc. Xưa lập tôn thờ đặng sớm hôm. Nay thời gìn giữ đặng bảo tồn”.

Phú Yên: Đình Phú Câu - công trình kiến trúc có tuổi đời 144 năm
Lăng Ông Nam Hải.

Đình Phú Câu xây dựng với vật liệu truyền thống là gạch, ngói và xi măng. Gian giữa là miếu Bà, gian tả là lăng Ông Nam Hải, gian hữu thờ Thành hoàng. Hai gian thờ Thành hoàng và Ông Nam Hải có mái đổ bê tông, đắp giả ngói ống, chính giữa hai gian thờ này là hành lang rộng hơn 2m, bên trên chính giữa có chữ “Hội đồng”. Miếu Bà là gian thờ nằm sâu bên trong rộng khoảng 10m2, mái lợp ngói âm dương, cửa gỗ ghép từng cánh sơn màu xanh. Chính giữa là tượng bà Thiên Y A Na, bên tả là tượng cậu Chài, bên hữu là tượng cô Quý.

Với lịch sử 144 năm, Đình Phú Câu hiện vẫn là trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng không thể thiếu của cộng đồng cư dân và bà con vùng biển nơi đây. Di tích Đình Phú Câu có ý nghĩa rất lớn về mặt lịch sử – văn hóa, là cơ sở quan trọng phục vụ nghiên cứu về vị trí, vai trò của đình làng trong xã hội xưa và nay, đặc biệt là văn hóa, tín ngưỡng của cư dân vùng biển.

Phú Yên: Đình Phú Câu - công trình kiến trúc có tuổi đời 144 năm
Đình Phú Câu được xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh năm 2014.

Ông Phan Thuẫn là thành viên Ban Quản lý Đình Phú Câu chia sẻ: Hàng năm tại Đình diễn ra 2 kỳ lễ hội chính: tế xuân và tế thu cùng các hoạt động sinh hoạt văn hóa dân gian khác như: hát bội, múa lân, múa bả trạo. Ngoài ra còn có các hoạt động cúng tế quy mô nhỏ hơn vào ngày vía bà, dịp đầu xuân và đêm giao thừa. Đặc biệt, Đình Phú Câu là địa điểm bảo tồn và thực hiện các nghi thức của lễ hội cầu ngư – di sản văn hóa phi vật thể có vị trí quan trọng trong tâm thức của cư dân vạn chài với mong ước một năm được mưa thuận gió hòa, đi biển bình an, làm ăn phát tài phát lợi, moi sự hanh thông, vạn sự như ý.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích