Ninh Bình: Tăng cường quản lý, bảo tồn các di tích lịch sử
(Xây dựng) – UBND tỉnh Ninh Bình vừa có văn bản yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị đối với các di tích trên địa bàn tỉnh.
Nhiều di tích ở Ninh Bình có niên đại cao hoặc ở các vùng thường xuyên bị ngập lụt, mối mọt… ảnh hưởng đến tính bền vững của di tích. |
Theo đó, trong những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, đặc biệt là các di tích đã xếp hạng được các cấp, các ngành chức năng triển khai thực hiện hiệu quả. Nhiều đề án, dự án được triển khai (bằng cả nguồn vốn ngân sách và nguồn xã hội hoá), nhiều di tích được trùng tu, tôn tạo, đáp ứng được nguyện vọng và nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân, góp phần vào sự phát triển của văn hoá nói riêng, phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nói chung.
Tuy nhiên, do đặc trưng của các di tích đa số có niên đại cao, nhiều di tích xây dựng, tu sửa bằng nguyên vật liệu không đồng bộ, kém bền vững, nhiều di tích ở các vùng thường xuyên bị ngập lụt, mối mọt… ảnh hưởng đến tính bền vững của di tích. Để tăng cường hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn, UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về giá trị của các di tích trên địa bàn; hiểu đúng về trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn di tích là của toàn dân, các cấp, các ngành.
Đồng thời, giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan rà soát tổng thể, thực trạng các di tích trên địa bàn tỉnh, báo cáo UBND tỉnh những di tích xuống cấp, xuống cấp nghiêm trọng; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu phương án bố trí kinh phí hỗ trợ tu bổ, trùng tu, đảm bảo công khai, đúng đối tượng; cùng với đó, tích cực vận động nhân dân huy động các nguồn lực để bảo vệ di tích, đặc biệt là những di tích xuống cấp nghiêm trọng cần tu sửa cấp thiết.
Nguồn: Báo xây dựng