Hội thảo thứ nhất lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản
Hội thảo thứ nhất lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản
Ngày 15/9, tại Quảng Ninh, Bộ TN&MT tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản.
Đồng chủ trì Hội thảo với Thứ trưởng có Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam Nguyễn Trường Giang và Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam Trần Bình Trọng
Dự hội thảo có đại diện diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh; đại diện các Bộ: Công Thương, Xây dựng, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa Thể thao và Du lịch; đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; đại diện Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phía Bắc, từ Hà Tĩnh trở ra.
Về dự hội thảo còn có đại diện các Tập đoàn, Tổng Công ty, gồm: Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV); Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; Tổng Công ty xi măng Việt Nam; Tổng Công ty Đông Bắc; Công ty khai thác, chế biến khoáng sản Núi Pháo; Công ty TNHH Mỏ Nikel Bản Phúc.
Đại diện Tổng hội Địa chất Việt Nam; các Hội; và đại diện các các đơn vị thuộc Bộ TN&MT cũng tham dự hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cho biết: Ngày 22/7/2022, Chính phủ đã thông qua Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10 ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Nghị quyết số 88. Theo đó, Bộ TN&MT được giao thực hiện dự án xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản để trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7, thông qua vào kỳ họp thứ 8 để thay thế Luật Khoáng sản năm 2010.
Trong quá trình xây dựng dự án Luật Địa chất và Khoáng sản, Bộ TN&MT cũng đã thực hiện việc xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết Luật Khoáng sản để trình Chính phủ, trong đó có các quy định mới nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của các Nghị định quy định chi tiết Luật Khoáng sản; tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch; khắc phục các bất cập nhằm quản lý thống nhất lĩnh vực địa chất, khoáng sản; quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản.
Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho biết Bộ TN&MT mong muốn được lắng nghe, tiếp nhận ý kiến từ các doanh nghiệp, các nhà khoa học, nhà quản lý từ cấp Trung ương đến địa phương và các bộ ban ngành có liên quan đến lĩnh vực địa chất và khoáng sản, nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực này.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Phương, Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam cho biết: Đến nay, Bộ TN&MT đã hoàn thành Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản lần 1 và đã gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức có liên quan, đồng thời đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ, của Bộ TN&MT để lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân. Đến thời điểm hiện tại, Bộ đã nhận được ý kiến góp ý của 15 Bộ ngành, 52 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 3 Doanh nghiệp và 2 cá nhân.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, Bộ TN&MT tổ chức các Hội thảo lấy ý kiến góp ý trên phạm vi toàn quốc. Hôm nay (ngày 15/9), Hội thảo thứ nhất được tổ chức tại Quảng Ninh để lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học khu vực phía Bắc.
Ông Mai Thế Toản, Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam cho biết Bộ TN&MT mong muốn nhận được các ý kiến góp ý liên quan đến các thuật ngữ: Khoáng sản, khai thác khoáng sản….; phạm vi điều chỉnh: Nước khoáng, nước nóng, khí thiên nhiên; Chế biến khoáng sản; phân loại khoáng sản và quản lý theo từng nhóm; phương án thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong quy hoạch tỉnh; thăm dò, khai thác phần dưới sâu của khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản; xác định trữ lượng khoáng sản: Phê duyệt/công nhận/xác nhận/có ý kiến hoặc áp dụng hệ thống FRESCO thay cho UNFC; quy định và làm rõ trong Luật về khai thác khoáng sản đi kèm.
Bộ TN&MT cũng mong sẽ nhận được các ý kiến góp ý về thẩm quyền cấp phép khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên biển; khai thác quy mô nhỏ (cần có tiêu chí) và phân cấp cho huyện cấp phép quy mô nhỏ; vấn đề khai thác vượt công suất; Điều 227 Bộ Luật hình sự và pháp luật về hành chính; khu vực khai thác: 2D hay 3D?; vấn đề về thế chấp Giấy phép khai thác khoáng sản; thủ tục hành chính: giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác; chế biến khoáng sản; công khai thông tin; vấn đề sử dụng đất đá dôi dư (dư thừa) sau khi đã sử dụng cho mục đích cải tạo, phục hồi môi trường; thanh tra, kiểm tra và kiểm soát hoạt động địa chất và khoáng sản; vấn đề về tư vấn giám sát hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản (hoạt động kinh doanh có điều kiện); mối quan hệ giữa tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và thuế tài nguyên; đấu giá quyền khai thác khoáng sản; xã hội hóa một số hoạt động quản lý nhà nước.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị