Ngành bán lẻ thay đổi để thích ứng với thương mại điện tử

Theo báo cáo Thương mại điện tử năm 2023 vừa được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) công bố cho thấy, có đến 74% dân số Việt Nam đang sử dụng internet thường xuyên tham gia mua sắm online. Sự dịch chuyển từ mua hàng trực tiếp chuyển sang trực tuyến xuất hiện xuyên suốt thời kỳ dịch bệnh và trở thành xu hướng ở thời điểm hiện tại. Các nền tảng bán hàng online phổ biến như Shopee, Tiki, Chotot, Lazada… đều cho thấy sự tăng trưởng mạnh của nhóm mặt hàng không thiết yếu. Các sản phẩm được mua online nhiều nhất là sản phẩm thời trang, thiết bị gia dụng…

Ngành bán lẻ thay đổi để thích ứng với thương mại điện tử
Thương mại điện tử sự cộng hưởng thúc đẩy phát triển cho các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam

Tuy nhiên, nhu cầu mua hàng online không chỉ phổ biến ở nhóm hàng không thiết yếu mà còn thông dụng trong cả nhóm hàng thiết yếu. Đối với các mặt hàng tiêu dùng dạng nhu yếu phẩm hàng ngày, nếu trước đây, người dân thường mua bán trực tiếp tại các chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện lợi thì bây giờ, ngày càng có nhiều người tin dùng các cửa hàng online. Kênh mua hàng trực tuyến thậm chí đã “vượt mặt” các kênh truyền thống trở thành lựa chọn đầu tiên của khách hàng khi mua nhu yếu phẩm.

Cũng theo báo cáo trên, thương mại điện tử Việt Nam trong những năm qua ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ. Nếu như năm 2018, doanh thu thương mại điện tử B2C (hình thức giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng) Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 8 tỉ USD, thì đến năm 2019, đã vượt mốc 10 tỉ USD (đạt 10,8 tỉ USD). Doanh thu tiếp tục tăng lên 11,8 tỉ USD vào năm 2020. Doanh thu thương mại điện tử bán lẻ (B2C) năm 2022 đạt 16,4 tỉ USD, chiếm 7,5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước.

Ước tính, với doanh thu 20,5 tỉ USD trong năm 2023, tỉ trọng doanh thu thương mại điện tử B2C chiếm khoảng 7,8 – 8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Với 74% người dân sử dụng internet, Việt Nam có khoảng 59 – 62 triệu người tiêu dùng mua sắm trực tuyến và giá trị mua sắm mỗi người ước đạt khoảng 300 – 320 USD. Con số này năm 2022 là 288 USD.

Theo thống kê, các loại hàng hóa, dịch vụ thường được người tiêu dùng mua sắm trực tuyến nhiều nhất là quần áo, giày dép và mỹ phẩm (76%); thiết bị đồ dùng gia đình (67%); đồ công nghệ và điện tử (61%); sách, hoa, quà tặng (53%); xem phim trực tuyến (35%) và thực phẩm (32%)…

Một điểm đáng chú ý, nếu như hoạt động mua sắm của người dùng trên website thương mại điện tử giảm thì kênh mua sắm trên diễn đàn mạng xã hội và các ứng dụng mua hàng trên di động lại tăng mạnh. Cụ thể, trên diễn đàn mạng xã hội tăng từ 42% lên 65% và các ứng dụng mua hàng trên thiết bị di động tăng từ 47% lên 63%…

Ngành bán lẻ thay đổi để thích ứng với thương mại điện tử
Ngành bán lẻ Việt Nam buộc phải thay đổi để thích ứng với sự phát triển của thương mại điện tử

Với những số liệu trên cho thấy, hiện việc kinh doanh qua thương mại điện tử đang cho thấy sự phát triển nhanh chóng. Để thích ứng với điều này, nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã có những đầu tư chuyển hướng phát triển, mở rộng kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử nhằm đáp ứng thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Điều này không chỉ là giải pháp phát triển hợp xu thế, mà sự phát triển này còn giúp doanh nghiệp đối phó với gánh nặng chi phí mặt bằng, tiết kiệm… dồn nguồn lực để tập trung sản xuất và phục hồi.

Đánh giá về cơ hội của thương mại điện tử với các nhà bán lẻ nội địa, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh cho rằng, thương mại điện tử không những tạo cơ hội cho doanh nghiệp nâng cao doanh số bán hàng, mà còn tìm kiếm mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực để tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này cũng đã được chứng minh từ con số những doanh nghiệp đạt doanh thu trực tuyến cao tiếp tục tăng và phấn lớn doanh nghiệp đã có mặt trên hầu hết các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước.

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, thương mại điện tử Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là từ sau đại dịch Covid-19. Đề cập đến sự thay đổi này, bà Vũ Thị Hậu, nguyên Chủ tịch Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam cho hay, khi xảy ra đại dịch Covid-19, việc bán hàng trên các kênh thương mại điện tử đã phát triển rất mạnh. Vì thế, để phát triển và nắm bắt thị trường, các nhà bán lẻ rất nhanh nhạy chuyển hướng phục vụ người tiêu dùng tốt hơn. Nhiều nhà bán lẻ đã chú trọng đầu tư nhiều cho công nghệ, nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu, nhu cầu của người tiêu dùng.

Trong khi đó, các nhà sản xuất cũng nhanh chóng tận dụng các website của chính doanh nghiệp mình, các trang thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội để đẩy mạnh tiêu thụ. Đây cũng chính là xu hướng của ngành bán lẻ trong thời gian tới, đặc biệt với các mặt hàng nông sản…

Đỗ Đạt

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích