Khử carbon – Con đường dẫn đến các tòa nhà không sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại Việt Nam

Khử carbon – Con đường dẫn đến các tòa nhà không sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại Việt Nam

Bộ Xây dựng đã lập kế hoạch hoàn thiện hệ thống hơn 80 tiêu chuẩn liên quan đến công trình xanh, tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải carbon trong công trình xây dựng, là cơ sở khoa học quan trọng cho các tòa nhà xanh sử dụng năng lượng hiệu quả.

Khung pháp lý phục vụ mục tiêu tăng trưởng xanh

Trong những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, vấn đề nóng lên toàn cầu đã được các nhà khoa học môi trường cảnh báo. Các chương trình hợp tác quốc tế nhằm chung tay ngăn ngừa sự BĐKH do hiệu ứng khí nhà kính được các quốc gia trên thế giới hưởng ứng.

Nghị định thư Kyoto đã được hơn một trăm quốc gia trên thế giới ký kết và tham gia từ năm 1997. Kế tiếp đó là thỏa thuận chung Paris năm 2015 là dấu mốc đánh dấu nhận thức của nhân loại đối với tình trạng nóng lên toàn cầu.

Ông Laurent Fabius – Bộ trưởng Ngoại giao Pháp nói, kế hoạch “đầy tham vọng và cân bằng” này là một “bước ngoặt lịch sử” trong mục tiêu giảm sự nóng lên toàn cầu. Hàng loạt những cam kết của các quốc gia đưa ra thông qua các Cam kết do quốc gia tự quyết đã cùng hướng tới mục tiêu cắt giảm khí thải nhà kính đến năm 2050.

Khử carbon - Con đường dẫn đến các tòa nhà không sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại Việt Nam
Công trình Taikoo Green Ribbon áp dụng hơn 40 giải pháp kỹ thuật để hướng tới mục tiêu toà nhà không phát thải carbon, thiết kế bởi ARUP.

Việt Nam là một trong những quốc gia sớm tham gia vào các công ước quốc tế về môi trường với việc ký kết nghị định thư Kyoto vào năm 1998 và phê chuẩn vào năm 2002. Khi nghị định thư Kyoto hết hiệu lực và được thay thế bằng Thỏa thuận chung Paris 2015, ngày 22/4/2016, tại Trụ sở Liên Hợp quốc ở New York (Hoa Kỳ), Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đại diện cho Chính phủ Việt Nam cùng với Lãnh đạo và đại diện Lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ của hơn 170 nước ký Thỏa thuận Paris về BĐKH.

Việt Nam tuy là một quốc gia đang phát triển, nhưng đã ý thức được rõ ràng vai trò và trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế. Tại Hội nghị thượng đỉnh về BĐKH của Liên Hợp quốc năm 2021 tổ chức tại Glasgow, Scotland, Việt Nam đã cam kết mục tiêu đưa mức phát thải khí nhà kính đến năm 2050 bằng 0.

Trong những năm gần đây, tình trạng nóng lên toàn cầu có dấu hiệu tăng tốc. Dữ liệu từ chương trình quan sát Trái đất Copernicus của EU cho biết, nhiệt độ bề mặt đại dương thế giới đã phá kỷ lục, lên tới 20,96 độ C vào thứ Sáu ngày 4/8/2023. Để làm giảm tốc độ nóng lên toàn cầu, một trong những biện pháp cơ bản được các nhà khoa học cũng như Chính phủ các nước thống nhất đó là giảm phát thải khí nhà kính.

Theo dữ liệu từ ClimateWatch, lượng khí thải nhà kính hàng năm trên thế giới là hơn 30 tỷ tấn CO2 tương đương, trong đó lượng khí thải do quá trình sản xuất vật liệu xây dựng và khai thác vận hành tòa nhà chiếm hơn 30% tổng lượng khí thải nhà kính. Do vậy, nhiệm vụ khử carbon trong các công trình xây dựng là nhiệm vụ quan trọng nằm trong chiến lược chung thực hiện cam kết của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.

Con đường để hướng tới mục tiêu trung hòa khí thải nhà kính đến năm 2050 được xây dựng dựa vào 3 trụ cột chính là: Xây dựng thể chế chính sách; Phát triển khoa học kỹ thuật và Triển khai áp dụng thực tiễn.

Thấy rõ được tác động to lớn của BĐKH tới mục tiêu duy trì ổn định, phát triển kinh tế bền vững, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 03/6/2013 về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã vạch rõ nhưng mục tiêu cụ thể đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 là chủ động ứng phó với BĐKH; khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả và bền vững tài nguyên; bảo đảm chất lượng môi trường sống và cân bằng sinh thái, phấn đấu đạt các chỉ tiêu về môi trường tương đương với mức hiện nay của các nước công nghiệp phát triển trong khu vực.

Nhằm đạt được mục tiêu xây dựng thể chế, chính sách, hệ thống pháp luật Việt Nam đã ban hành 2 bộ luật quan trọng điều chỉnh quan hệ phát luật trong lĩnh vực tài nguyên môi trường và sử dụng năng lượng, đó là Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010 và Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Bên cạnh đó, nhằm cụ thể hóa các quy định của pháp luật và thực hiện các cam kết quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022 về việc phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về BĐKH. Trong đó, đề ra những nhiệm vụ cụ thể cho ngành Xây dựng như việc xây dựng mô hình tòa nhà và đô thị phát thải carbon thấp, trung hòa carbon và thí điểm áp dụng tại một số đô thị (khu vực phía Bắc, duyên hải miền Trung và ĐBSCL), cũng như nhiệm vụ xây dựng chính sách phát triển VLXD tiết kiệm năng lượng, phát thải carbon thấp; thí điểm hỗ trợ đầu tư cải tiến công nghệ sản xuất VLXD tại một số doanh nghiệp để giảm phát thải khí nhà kính.

Riêng trong lĩnh vực xây dựng, Bộ Xây dựng cũng ban hành Quyết định số 385/QĐ-BXD ngày 12/5/2022 về việc phê duyệt kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với BĐKH giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp quốc về BĐKH (COP26).

Như vậy, có thể thấy rõ khung pháp lý trong ngành Xây dựng đã được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, xây dựng đầy đủ, đồng bộ phục vụ mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế bền vững. Bên cạnh các nhiệm vụ cho ngành Xây dựng, các cơ chế chính sách khuyến khích về vốn như chương trình tín dụng xanh và kế hoạch xây dựng thị trường trao đổi carbon cũng là những chính sách quan trọng, góp phần thúc đẩy nhà đầu tư và người tiêu dùng quan tâm phát triển đến các công trình có áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm giảm lượng khí thải carbon.

Đến năm 2030 sẽ có hơn 80 tiêu chuẩn xanh

Để thực hiện chỉ đạo của Đảng và nhiệm vụ Nhà nước giao, Bộ Xây dựng cũng tích cực chủ động ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn của ngành Xây dựng theo hướng đồng bộ với các tiêu chuẩn quốc tế và đáp ứng các yêu cầu thực tiễn tại Việt Nam. Hệ thống hơn 80 tiêu chuẩn trong lĩnh vực công trình xanh, tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải carbon cho công trình xây dựng được lên kế hoạch hoàn thiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Song song với quá trình nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn của Việt Nam, các tiêu chuẩn về công trình xanh và tiết kiệm năng lượng trên thế giới được khuyến khích áp dụng tại Việt Nam như các bộ tiêu chuẩn LEEDS của Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ, LOTUS của Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam cũng như EDGE của Tổ chức Tài chính quốc tế IFC.

Theo báo cáo của Tổ chức Tài chính quốc tế, tính đến hết quý II/2023, tại Việt Nam đã có 296 công trình đạt chứng nhận xanh và hiệu quả năng lượng với tổng diện tích sàn lên đến hơn 7,19 triệu m2. Điều đó cho thấy các chính sách, thể chế đã dần đi vào nhận thức của các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn thiết kế cũng như người tiêu dùng.

Thể chế chính sách là trụ cột đầu tiên có ý nghĩa quyết định đến chiến lược khử carbon trong công trình xây dựng. Bên cạnh đó, các giải pháp khoa học công nghệ và kế hoạch triển khai thực tiễn sẽ là những giải pháp không thể thiếu. Hiện nay, lượng khí thải carbon trong công trình xây dựng được tính toán xác định theo phương pháp đánh giá theo toàn bộ vòng đời công trình từ khi sản xuất vật liệu, xây dựng, vận hành và phá dỡ công trình.

Một trong các phương pháp được áp dụng hiện nay là sử dụng quy trình đánh giá theo tiêu chuẩn châu Âu EN 15978, theo đó carbon trong công trình được xác định từ năng lượng tiêu thụ khi vận hành công trình (hệ thống điều hòa không khí, chiếu sáng và đun nước nóng) và carbon hàm chứa trong VLXD công trình.

Theo báo cáo từ chương trình chuyển đổi năng lượng London, lượng carbon thải ra trong quá trình vận hành công trình chiếm tới 80%, trong khi lượng carbon hàm chứa trong vật liệu chỉ chiếm 20%. Do vậy các nhóm giải pháp khoa học công nghệ khử carbon trong công trình xây dựng cần đến từ quá trình sản xuất VLXD, thiết kế công trình, quá trình vận hành, khai thác và tái chế xử lý rác thải cuối vòng đời công trình.

Hiện nay, các công nghệ vật liệu tập trung vào công nghệ chế tạo sản xuất bê tông có hàm chứa carbon thấp. Trong đó, các giải pháp giảm hàm lượng xi măng và sử dụng xi măng xanh được ưu tiên đầu tư nghiên cứu. Bên cạnh đó, các vật liệu có tiềm năng giảm carbon như vật liệu gỗ cũng được quan tâm triển khai thông qua các dự án nghiên cứu hợp tác.

Khử carbon - Con đường dẫn đến các tòa nhà không sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại Việt Nam
Hợp tác nghiên cứu triển khai vật liệu kết cấu gỗ ghép giữa IBST và Kabaya (Nhật Bản).

Ví dụ như công trình kết cấu gỗ triển khai thí điểm tại Viện Khoa học công nghệ xây dựng cho mức giảm carbon hàm chứa lên tới 65% (theo phương pháp đánh giá của tiêu chuẩn EDGE). Bên cạnh đó, các giải pháp về thiết bị liên quan tới chiếu sáng, hệ thống điều hòa, đun nước nóng cũng góp phần giúp giảm carbon trong quá trình vận hành công trình.

Để thực hiện được giảm carbon trong công trình, còn cần có các biện pháp nâng cao nhận thức của chủ đầu tư và khách hàng về công trình không phát thải carbon, có các cơ chế khuyến khích đầu tư thông qua các chương trình tín dụng xanh và sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Với quyết tâm nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cũng như sự đồng thuận của người dân, các doanh nghiệp và sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu trung hòa khí nhà kính đến năm 2050 như cam kết với cộng đồng quốc tế để đảm bảo hoàn thành mục tiêu trở thành nền kinh tế phát triển, xanh và bền vững.

TS Nguyễn Hồng Hải, ThS Trần Phương
Viện Khoa học công nghệ xây dựng Việt Nam
ThS Nguyễn Thị Kim Phụng
Công ty TNHH Arup Việt Nam

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích