Từ ‘thảm họa cháy’ ở Hà Nội: ‘Lập lờ sổ đỏ chung cư mini và hệ lụy’

Từ ‘thảm họa cháy’ ở Hà Nội: ‘Lập lờ sổ đỏ chung cư mini và hệ lụy’

Lý do căn hộ chung cư mini gặp khó khi cấp sổ đỏ là bởi phần lớn các chủ sở hữu tự đứng ra đầu tư, xây dựng vượt tầng, chia nhỏ diện tích căn hộ và không được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy.

Sự sinh sôi như “nấm sau mưa” của hàng loạt công trình nhà ở “hóa” chung cư mini trong thời gian qua ở Hà Nội không chỉ là nguồn cơn phá vỡ quy hoạch xây dựng mà còn gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc, mà vụ cháy tại chung cư mini tại quận Thanh Xuân khiến 56 người thiệt mạng là trường hợp điển hình.

Điều đáng nói là mặc dù căn hộ chung cư mini là sản phẩm gặp nhiều rủi ro về pháp lý, nhưng với yếu tố giá rẻ – phù hợp với điều kiện của nhiều người xa quê, nên không ít “thương vụ” mua bán đã được ký kết, bất chấp các quy định “cứng” về cấp sổ đỏ và những hệ lụy có thể xảy ra.

Chung cư mini “núp bóng” nhà ở riêng lẻ

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, loại hình nhà ở riêng lẻ theo kiểu chung cư mini xuất hiện từ khi Nghị định số 71/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở ra đời và cho phép phát triển nhà ở riêng lẻ được thiết kế theo kiểu chung cư mini, có nhiều tầng, nhiều căn hộ nhỏ.

Tuy nhiên, cũng vì ham lợi, rất nhiều công trình dạng này đã được chủ đầu tư “lách luật,” xây sai phép. Ví dụ như xây quá số tầng, chia diện tích, số lượng các căn hộ trong một tầng nhỏ hơn giấy phép… Và cũng vì vậy nên cho dù “ra đời” cả chục năm nay nhưng rất nhiều chung cư mini vẫn chưa được cấp sổ hồng.

Dù vậy, thời gian qua, nhiều chủ công trình cùng với môi giới đã “tung” ra những lời hứa hẹn một cách mập mờ như: Chung cư có đầy đủ giấy tờ pháp lý chính chủ theo quy định (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng, hợp đồng mua bán công chứng, cấp sổ đỏ) cùng với giá cả hấp dẫn.

Chỉ cần gõ từ khóa “bán căn hộ chung cư mini tại Hà Nội” trên Google, chỉ trong vòng 0,57 giây, người viết đã nhận được 18,6 triệu kết quả có chứa từ khóa trên. Trong đó, với từ khóa “bán căn hộ chung cư mini tại Hà Nội có sổ đỏ,” trong vòng 0,63 giây, hệ thống Google đã cho ra hơn 1 triệu kết quả.

Những khu vực có chung cư mini được rao bán nhiều nhất là tại các quận như: Thanh Xuân, Cầu Giấy, Đống Đa, Nam Từ Liêm, Hà Đông…

Ngay như tại phố Khương Hạ, nơi có chung cư mini (ở ngách 29/70) vừa xảy ra vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng vào đêm 12.9 làm 56 người chết, khi người viết gõ từ khóa “bán căn hộ chung cư mini ở ngách 29/70, phố Khương Hạ,” chỉ trong vòng 0,42 giây, hệ thống tìm kiếm Google đã cho ra 21,8 nghìn kết quả.

Từ ‘thảm họa cháy’ ở Hà Nội: ‘Lập lờ sổ đỏ chung cư mini và hệ lụy’
Chung cư mini – nơi xảy ra đám cháy nằm giữa khu dân cư đông đúc. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Theo giấy phép xây dựng số 89-2015/GPXD do Ủy ban Nhân dân quận Thanh Xuân (Hà Nội) cấp cho ông Nghiêm Quang Minh vào ngày 11.3.2015, công trình này gồm 6 tầng, tầng lửng và tum thang có không gian kỹ thuật. Thế nhưng, thực tế nhà ở riêng lẻ này lại “giãn nở” thành chung cư mini với 10 tầng (trong đó có 1 tầng hầm, 8 tầng nổi và 1 tum).

Tại chung cư này, mỗi tầng có 5 căn hộ, mỗi căn khoảng 20-40 m2, gồm phòng khách, phòng ngủ thông với logia phơi quần áo.

Điều đáng nói là dù chung cư mini trên là công trình xây dựng sai phép, nhưng tới thời điểm trước khi xảy ra vụ cháy vào đêm 12.9, toàn bộ căn hộ tại chung cư này đã được chủ công trình bán và cho người dân thuê.

Giá rẻ nhưng hệ lụy quá đắt

Trên thực tế, chung cư mini là những dự án nhỏ lẻ do chủ sở hữu tự đứng ra đầu tư, xây tòa nhà cao tầng trên diện tích đất tương đối nhỏ nhằm mục đích kinh doanh. Nhiều gia đình trẻ cũng lựa chọn mua, thuê chung cư này để ở, khi giá mua dao động mỗi căn hộ chỉ khoảng trên dưới 1 tỷ đồng hoặc thuê vài triệu đồng/tháng.

Với nhiều người xa quê, thuê căn hộ chung cư mini giá rẻ là lựa chọn tối ưu tạm thời khi giảm được áp lực về vấn đề tài chính. Tuy nhiên, sau thời gian ngắn sinh sống, hầu hết người mua đều vỡ mộng vì chất lượng dịch vụ quá tệ, việc di chuyển gặp nhiều khó khăn, nhất là không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy.

Chị Kim Huệ là chủ sở hữu một căn chung cư mini ở quận Thanh Xuân. Vợ chồng chị thống nhất mua căn hộ gần 70m2 để cô con gái ở trong thời gian học đại học. Căn hộ này được chị mua từ năm 2015 với giá 1,1 tỷ đồng. Cả tòa chung cư này cao 11 tầng, mỗi tầng có 5 căn hộ.

“Với số tiền hơn 1 tỷ đồng, tôi khó có thể tìm được chung cư ở khu vực quận trung tâm. Tuy nhiên, vài tháng sinh sống ở chung cư mini, tôi thấy nhiều bất cập bởi chung cư xây cao tầng hơn so với quy định nên không được cấp sổ như lời chủ đầu tư quảng cáo ban đầu,” chị Huệ chia sẻ.

Từ ‘thảm họa cháy’ ở Hà Nội: ‘Lập lờ sổ đỏ chung cư mini và hệ lụy’
Hoạt động rao bán chung cư mini tại quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Ảnh chụp màn hình

Bày tỏ nỗi lo sau sự cố cháy chung cư mini khiến 56 người tử vong và hàng chục người bị thương vừa xảy ra ở trên địa bàn quận Thanh Xuân, chị Huệ cho rằng hệ lụy khi mua phải chung cư mini xây dựng sai phép là quá đắt.

Trong câu chuyện với phóng viên khi đề cập đến thực trạng trên, nhất là vấn đề cấp sổ đỏ đối với chung cư mini ở ngách 29/70, phố Khương Hạ, một cán bộ công tác trong lĩnh vực đất đai trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng thẳng thắn nêu lên thực tế: Phần lớn các căn hộ chung cư mini hiện nay ở trên địa bàn Hà Nội đều không có sổ đỏ.

Theo vị cán bộ trên, lý do căn hộ chung cư mini gặp khó khi cấp sổ đỏ là bởi phần lớn các chủ sở hữu tự đứng ra đầu tư, xây tòa nhà cao tầng trên diện tích đất tương đối nhỏ và không đảm bảo quy định, tiêu chuẩn như: Xây quá số tầng, chia nhỏ diện tích, không được nghiệm thu, đảm bảo phòng cháy, chữa cháy.

“Vì thế, phần lớn các trường hợp rao bán chung cư mini có sổ đỏ chỉ là cách câu khách của các chủ đầu tư hay môi giới. Ngay như chung cư mini vừa xảy ra sự cố cháy nghiêm trọng ở ngách 29/70, phố Khương Hạ, tôi tin chắc cũng chỉ được cấp 1 sổ đỏ đối với khu đất xây tòa nhà. Còn với việc công trình này xây vượt tầng, chia nhỏ diện tích căn hộ thì chắc chắn không được cấp sổ đỏ,” vị cán bộ trên nói.

Ở một khía cạnh khác, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM – ông Lê Hoàng Châu cho rằng loại hình chung cư này đâng tồn tại nhiều vấn đề rủi ro. Vì thế, hiệp hội này đã từng đề nghị Bộ Xây dựng kiểm soát tình trạng xây dựng chung cư mini làm gia tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị.

Hiệp hội chỉ ra chung cư mini xây dựng trái phép, sai phép, làm phá vỡ quy hoạch, gia tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị. Các chung cư mini cũng không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, không đủ điều kiện để được cấp sổ đỏ cho người mua, làm phát sinh tranh chấp ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích