Chuyển đổi số lĩnh vực đánh giá sự phù hợp và đo lường

Tham dự buổi thảo luận chuyên đề có TS. Hà Minh Hiệp – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL); ông Trần Quý Giầu – Vụ trưởng Vụ Đo lường; bà Nguyễn Thị Mai Hương – Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn hợp quy, cùng đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Phát biểu tại buổi thảo luận chuyên đề, TS. Hà Minh Hiệp nhấn mạnh, trong thời gian tới sẽ chuyển toàn bộ hoạt động quản lý lên nền tảng số, bên cạnh đó Tổng cục TCĐLCL sẽ xây dựng quy chế phân cấp ủy quyền, trong thời gian tới sẽ triển khai thí điểm. Phân cấp ủy quyền có nghĩa là trình các văn bản trên nền tảng số, và Tổng cục TCĐLCL phấn đấu đến năm 2024 sẽ trình bằng văn bản trên nền tảng số hoàn toàn. Để xây dựng được quy chế phân cấp ủy quyền cần phải có quyết tâm rất cao.

TS. Hà Minh Hiệp – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL.

Chia sẻ về chuyển đổi số trong lĩnh vực đo lường, ông Trần Quý Giầu – Vụ trưởng Vụ Đo lường cho biết, về tình hình quốc tế, Tổ chức Đo lường quốc tế (OIML) thành lập Nhóm công tác Chuyển đổi số (DTG) gồm 14 thành viên OIML (11 thành viên chính thức và 3 thành viên quan sát); Ts. Sascha Eichstadt, PTB – Viện Đo lường Đức làm Trưởng nhóm DTG và Phó nhóm Ts. Ping Yang, NIM – Viện Đo lường Trung Quốc; Châu Âu đang hình thành cơ sở hạ tầng European Metrology Cloud trong Đo lường pháp định, tạo ra một nền tảng đáng tin cậy và đảm bảo được phối hợp, tập trung, đơn giản hóa, hài hòa và đảm bảo chất lượng của dịch vụ đo lường cho các Quốc gia Thành viên EU và tất cả các bên liên quan.

Về định hướng chuyển đổi số trong đo lường trên thế giới, thứ nhất, chuyển đổi số dịch vụ đo lường: nâng cấp hạ tầng chất lượng và đo lường pháp định thông qua xây dựng những khung tham chiếu, triển khai xác suất thống kê có xác thực, xây dựng cơ sở hạ tầng cho chứng chỉ hiêu chuẩn số và thiết lập đám mây đo lường phục vụ hạ tầng chất lượng số cho việc hài hòa và phát triển đánh giá sự phù hợp và kiểm soát thị trường

Thứ hai, đo lường trong phân tích dự liệu số lượng lớn: Khoa học đo lường trong những năm gần đây tạo ra một lượng khổng lồ thông tin với mức độ phức tạp ngày càng lớn (dữ liệu đa chiều – high-dimensional data) trong công nghệ hình ảnh và công nghệ photon. 

Thứ ba, đo lường trong hệ thống thông tin phục vụ chuyển đổi số: Các đại lượng cao tần trong hệ thống thông tin 5G và điều chế tín hiệu rất phức tạp, phi tuyến tính, ngẫu nhiên và đa chiều. Những phương pháp thu phát sóng tín hiệu cần phải được mô tả chi tiết và chính xác để giảm thiểu sai số truyền tín hiệu. Đo lường các đại lượng này là tiền đề để hiệu chuẩn các đại lượng cao tần và phát triển, xây dựng hệ thống thông tin số.

Thứ tư, ảo hóa đo lường (bảo gồm mô phỏng và phương tiện đo ảo): Thông qua phát triển các phương pháp phân tích và quy trình đối với hệ thống đo ảo và có kết nối, việc mô phỏng hệ thống đo phức tạp (phương pháp quang hình hay đo lường tọa độ) trực tiếp phục vụ việc triển khai và phân tích dữ liệu thí nghiệm, quy trình và chuẩn đo lường cho việc tự động kiểm soát quy trình và quá trình đo ảo trong tự động đánh giá dữ liệu đo.

Về giải pháp chuyển đổi số trong đo lường, giải pháp thứ nhất, đám mây đo lường: Thiết lập nền tảng số đáng tin cậy cho hạ tầng chất lượng số dựa trên hạ tầng và cơ sở dữ liệu sẵn có và cho phép các bên liên quan được truy cập những thông tin để phục vụ chuyển đổi số đo lường pháp định; Giải pháp thứ hai, chứng chỉ hiệu chuẩn số: Thiết lập một hạ tầng thông tin số được chuẩn hóa và bảo mật phục vụ nhiều chức năng bao gồm hiệu chuẩn, công nhận và đo lường đồng thời nâng cấp toàn bộ hệ thống hiệu chuẩn trong hạ tầng chất lượng; Giải pháp thứ ba, thí nghiệm ảo và toán học hỗ trợ đo lường: Hình thành những nhóm chuyên gia đa ngành, có năng lực về ảo hóa để hỗ trợ sự chuyển đổi sang mô phỏng và phân tích dữ liệu lớn như một cấu phần thiết yếu của quy trình đo lường.

Tình hình quốc tế, tại Đức, đã thực hiện cấp “chứng chỉ hiệu chuẩn số” (Digital Calibration Certificate, DCC) từ cuối năm 2017. Đến giữa năm 2020, Chứng chỉ hiệu chuẩn số đã được giới thiệu trên toàn thế giới. Chứng chỉ hiệu chuẩn số cho phép các tổ chức có thể trao đổi các chứng chỉ hiệu chuẩn thông qua những nền tảng số.

Tại Trung Quốc, NIM đã chính thức ra mắt chứng chỉ hiệu chuẩn điện tử vào ngày 20 tháng 5 năm 2020, giúp tăng cường quản lý chứng chỉ; nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc; cung cấp dịch vụ hiệu chuẩn một cách hiệu quả, nhanh và chính xác, mang lại sự hài lòng hơn cho khách hàng.

Tại Việt Nam, hiện có 20 TTHC về ĐL thuộc 7 nhóm TTHC: Chứng nhận đủ điều kiện sử dụng dấu định lượng (3TT); Đăng ký cung cấp dịch vụ KĐ, HC, TN PTĐ, CĐL (3TT); Chỉ định tổ chức thực hiện hoạt động KĐ, HC, TN PTĐ, CĐL (2TT); Chứng nhận CĐL (3TT); Chứng nhận, cấp thẻ KĐV đo lường (3TT); Phê duyệt mẫu PTĐ (3TT); Phê duyệt chuẩn quốc gia, chỉ định tổ chức giữ chuẩn quốc gia (3TT).

Việc thực hiện các TTHC về Đo lường: 2 phương thức thực hiện trên môi trường điện tử và hồ sơ bản cứng. Hiện tại, các TTHC về ĐL đã được kết nối 100% trên Cổng DVC của Bộ; 04 TTHC đã được kết nối với Cổng DVC Quốc gia và xử lý hoàn toàn trên môi trường điện tử (TTđiều chỉnh nội dung QĐ chứng nhận, cấp thẻ KĐV đo lường; điều chỉnh nội dung của QĐ chứng nhận CĐL; điều chỉnh nội dung của QĐ PDM PTĐ, gia hạn hiệu lực của QĐ PDM PTĐ) với tổng số khoảng 175 hồ sơ; 16 TTHC còn lại: chưa phát sinh hồ sơ hoặc vẫn đang thực hiện xử lý bản cứng.

Việc cấp GCN KĐ, HC, TN: Chưa có VBQPPL về ĐL nào quy định các tổ chức KĐ, HC, TN PTĐ, CĐL được sử dụng giấy chứng nhận điện tử thay thế cho chứng chỉ giấy để cấp cho PTĐ, CĐL sau khi thực hiện KĐ, HC, TN; Việc cấp chứng chỉ KĐ, HC, TN PTĐ, CĐL đang được thực hiện theo phương thức truyền thống: bản cứng; Gây tốn kém thời gian, chi phí, nhân lực; dễ bị giả mạo hơn, và dễ dàng bị thao túng trong quá trình xử lý; khó khăn trong việc lưu giữ, quản lý chứng chỉ, đồng thời cũng gây khó khăn cho cơ quan thanh tra, kiểm tra trong việc kiểm tra, truy xuất thông tin do việc lưu giữ các giấy chứng nhận bản cứng không đầy đủ.

Về định hướng, phát triển hệ thống thông tin tác nghiệp về Đo lường để cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với các TTHC, kết nối với hệ thống Chính phủ số và các hệ thống quy mô quốc gia cần thiết khác.

Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và quản lý nhà nước về đo lường; xây dựng quy chế hướng dẫn thí điểm áp dụng cấp GCN điện tử và sử dụng tem điện tử phục vụ hoạt động KĐ, HC, TN PTĐ, CĐL tại các đơn vị kỹ thuật trực thuộc Tổng cục.

Ông Trần Quý Giầu – Vụ trưởng Vụ Đo lường chia sẻ tại buổi thảo luận.

Chia sẻ thực trạng chuyển đổi số trong lĩnh vực đánh giá sự phù hợp, đại diện Vụ Đánh giá Hợp chuẩn hợp quy cho biết, về quản lý hoạt động ĐGSPH, triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với 15 thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đánh giá sự phù hợp; Xây dựng cơ sở dữ liệu (bằng Excel) về chuyên gia đánh giá, thử nghiệm viên, giám định viên, máy móc thiết bị; Sử dụng ứng dụng Dropbox để chia sẻ dữ liệu danh sách các tổ chức công nhận, tổ chức ĐGSPH, dữ liệu chuyên gia đánh giá, thử nghiệm viên, giám định viên, máy móc thiết bị để các chuyên viên xử lý công việc; Số hóa quy trình, thủ tục; Sử dụng thiết bị công nghệ để thực hiện đánh giá từ xa (trực tuyến) trong thời kỳ Covid-19; Sử dụng QR code để tra cứu thông tin kết quả đánh giá sự phù hợp.

Bên cạnh những thuận lợi, hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực đánh giá sự phù hợp còn gặp những khó khăn và vướng mắc như: Các công chức chưa theo kịp sự thay đổi, am hiểu về các công nghệ để thực hiện chuyển đổi số; Máy tính, thiết bị, hệ thống phần mềm chưa phù hợp với hoạt động chuyển đổi số; Rủi ro về an ninh mạng; Tốn chi phí để xây dựng cơ sở dữ liệu; Thói quen, tập quán của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC; Thành phần hồ sơ đối với TTHC về hoạt động ĐGSPH còn phức tạp, chưa thuận lợi cho việc chuyển đổi số.

 Toàn cảnh buổi thảo luận chuyên đề. 

Vị này cũng đưa ra các kiến nghị như: Bổ sung biên chế; Tổ chức tập huấn, nâng cao nhận thức cho công chức về công nghệ, phương án chuyển đổi số; Thay thế thiết bị cũ, lạc hậu không phù hợp với hoạt động chuyển đổi số; Xây dựng, hoàn thiện hệ thống dịch vụ công trực tuyến; Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động ĐGSPH; Tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện TTHC qua Cổng DVC trực tuyến; Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Trong khuôn khổ buổi thảo luận chuyên đề, các đơn vị đã có phần trao đổi thảo luận giải đáp những thắc mắc, khó khăn, và định hướng cho hoạt động chuyển đổi số trong thời gian tới.

Hà My

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích