Khôi phục tầng ozone, giảm thiểu biến đổi khí hậu
Khôi phục tầng ozone, giảm thiểu biến đổi khí hậu
Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ozone được tổ chức vào ngày 16/9 hằng năm nhằm tăng cường sự hiểu biết Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone, nâng cao nhận thức, truyền tải các thông điệp bảo vệ tầng ozone tới cộng đồng.
Do đó, việc khôi phục tầng ozone và giảm thiểu biến đổi khí hậu” là cần thiết, tiếp tục triển khai Nghị định thư Montreal, nhằm đóng góp tích cực cho mục tiêu chung, hạn chế sự nóng lên toàn cầu.
Cảnh báo nhiệt độ toàn cầu tăng cao
Năm 1979, các nhà khoa học mới bắt đầu hiểu được những thiệt hại tiềm tàng do sự suy giảm tầng ozone gây ra. Các nhà khoa học càng lo lắng hơn khi thấy lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực mở rộng từ 1,1 triệu km2 vào năm 1979 lên đến 22,4 triệu km2 năm 1987. Chính phủ các quốc gia đã quyết tâm hợp tác để cùng nhau bảo vệ, khôi phục tầng ozone, cùng nhau đưa ra một kế hoạch dài hạn để loại trừ dần các chất làm suy giảm tầng ozone, làm giảm tốc độ mở rộng của lỗ thủng tầng ozone.
Năm 1987, Nghị định thư Montreal ra đời và có hiệu lực từ ngày 1/1/1989. Đây là một hiệp ước quốc tế được thiết kế để bảo vệ tầng ozone bằng biện pháp loại bỏ hoạt động sản xuất tạo ra các chất thải làm suy giảm tầng ozone.
Năm 2016, Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal được thông qua, thể hiện cam kết của cộng đồng quốc tế trong việc cắt giảm dần các chất hydrofluorocarbon (HFC) nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu (0,5 độ C) vào cuối thế kỷ này và hy vọng sẽ đạt mục tiêu gấp đôi nếu được triển khai cùng với các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Thông tin mới được Cơ quan Theo dõi Biến đổi khí hậu, Liên minh châu Âu đưa ra ngày 6/9, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong các tháng 6, 7 và 8/2023 là 16,77 độ C, vượt mức kỷ lục trước đó là 16,48 độ C ghi nhận năm 2019. Theo Cơ quan Thời tiết Nhật Bản, nhiệt độ trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 8/2023 “cao hơn đáng kể” so với mức trung bình tại khu vực miền Bắc, miền Đông và miền Tây đất nước. Trong khi đó, Australia đang trải qua mùa Đông “ấm” kỷ lục, với nhiệt độ trung bình từ tháng 6 đến tháng 8 vừa qua là 16,75 độ C.
Năm 2023, trái đất chịu tác động rõ rệt bởi tình trạng biến đổi khí hậu, dẫn tới nhiệt độ toàn cầu tăng cao, với tháng 7 là tháng nóng nhất từng được ghi nhận. Nhiệt độ tăng cao cũng đã xảy ra tại các nước châu Âu và châu Mỹ, từ Hy Lạp đến Canada, kéo theo nhiều vụ cháy rừng nghiêm trọng.
Tại Việt Nam, năm 2023, nắng nóng đã xuất hiện sớm từ giữa tháng 3. Đến tháng 4, hàng loạt kỷ lục nhiệt độ được thiết lập ở nhiều điểm đo trên cả nước. Đặc biệt, đầu tháng 5 đã ghi nhận kỷ lục nắng nóng nhất trong lịch sử Việt Nam. Cụ thể, ngày 6/5, nhiệt độ cao nhất tại Hồi Xuân (Thanh Hóa) là 44,1 độ C, vượt qua kỷ lục 43,4 độ C ngày 20/4/2019 tại Hương Khê (Hà Tĩnh). Ngay sau đó, ngày 7/5, nhiệt độ ghi nhận tại Tương Dương, Nghệ An là 44,2 độ C, trở thành mức nhiệt cao nhất từng ghi nhận trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Ngày 17/5, nhiệt độ tại Thủ đô Hà Nội đạt kỷ lục lên tới 41,3 độ C. Đầu tháng 6, nhiệt độ tại Mường La của Sơn La liên tiếp phá vỡ kỷ lục, lên tới 43,8 độ C. Đi kèm nắng nóng là nguy cơ hạn hán xảy ra từ tháng 4 – 8 năm 2023 ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên…
Sau hành trình 36 năm thực hiện, Nghị định thư Montreal đã đóng góp đáng kể trong việc hàn gắn lỗ thủng tầng ozone, ngăn ngừa những hệ lụy tác động đến sức khỏe con người và các hệ sinh thái trên hành tinh. Nếu không thực hiện Nghị định thư Montreal, thiệt hại đối với động thực vật và con người đã gia tăng nghiêm trọng, tỷ lệ ung thư da sẽ tăng lên trên toàn thế giới. Dự báo, đến năm 2065, lượng bức xạ tia cực tím dẫn đến đột biến ADN có thể tăng lên 500%, khoảng 2/3 tổng lượng ozone trên thế giới có thể biến mất, nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 2,5°C vào cuối thế kỷ này.
Bên cạnh những nỗ lực loại trừ thành công các chất làm suy giảm tầng ozone theo mục tiêu đề ra, chúng ta đang phải đối mặt với thách thức mới gắn với xu hướng gia tăng sử dụng các chất có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu cao (các chất HFC), là những chất được sử dụng để thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ozone trong các lĩnh vực liên quan như sản xuất điều hòa không khí, xốp, thiết bị lạnh, sửa chữa bảo dưỡng thiết bị lạnh, mỹ phẩm, dập cháy…
Có thể nói, trong gần bốn thập kỷ qua, với sự nỗ lực của các quốc gia trên toàn thế giới trong thực hiện Nghị định thư Montreal đã đạt được rất nhiều tiến bộ, giúp thu hẹp lỗ thủng tầng ozone để tiến tới khôi phục tầng ozone, bảo vệ sức khỏe con người và các hệ sinh thái trên hành tinh.
Việt Nam nỗ lực bảo vệ tầng ozone
Đến nay, 198 quốc gia thành viên đã tham gia Nghị định thư Montreal. Ngày 26/01/1994, Việt Nam đã tham gia phê chuẩn Nghị định thư Montreal. Cơ quan đầu mối thực thi Nghị định thư này là Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Thực hiện Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone, Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao là cơ quan đầu mối quốc gia triển khai thực hiện. Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả trong quản lý, kiểm soát các chất làm suy giảm tầng ozone. Cùng với cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã nỗ lực kiểm soát và loại bỏ các chất làm suy giảm tầng ozone (CFC, Halon, CTC, HCFC, Methyl Bromide), chất gây hiệu ứng nhà kính (HFC).
Hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bên liên quan đang xây dựng Kế hoạch quốc gia quản lý, loại trừ các chất được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal của Việt Nam để trình Thủ tướng phê duyệt. Một trong những nguyên tắc quan trọng của việc xây dựng Kế hoạch cho giai đoạn từ năm 2024 – 2045 là đảm bảo việc thực hiện cam kết quốc tế, đóng góp vào mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính, song vẫn bảo đảm phát triển kinh tế và đề ra các biện pháp tháo gỡ những khó khăn, rào cản để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Một trong những bước tiến mạnh mẽ trong công tác quản lý bảo vệ tầng ozone là việc nội luật hóa các quy định về bảo vệ tầng ozone tại Điều 92 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật gồm: Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone; Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT ngày 7/1/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Nghị định quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone đã đề ra các nội dung cơ bản về lộ trình quản lý, loại trừ các chất theo trách nhiệm và nghĩa vụ của Việt Nam thực hiện Nghị định thư Montreal; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các chất được kiểm soát; quy định nguyên tắc quản lý và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong quản lý các chất được kiểm soát. Nghị định đã quy định tổ chức sản xuất, nhập khẩu thiết bị, sản phẩm có chứa hoặc sản xuất từ chất được kiểm soát; sở hữu thiết bị có chứa các chất được kiểm soát, “bắt buộc thực hiện thu gom các chất được kiểm soát khi không còn sử dụng trong thiết bị, sản phẩm từ ngày 1/1/2024”…
Tiến sỹ Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thực hiện nhiệm vụ cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước Vienna, Nghị định thư Montreal về bảo vệ tầng ozone, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều cơ chế chính sách, pháp luật và triển khai các hành động cụ thể để nhanh chóng bắt kịp với nỗ lực của các quốc gia thành viên khác trong kiểm soát, loại trừ dần các chất làm suy giảm tầng ozone…
Với những nỗ lực triển khai thực hiện lộ trình theo Nghị định thư Montreal, Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất CFC, Halon và CTC từ ngày 01/01/2010; loại trừ hoàn toàn tiêu thụ HCFC-141b nguyên chất được sử dụng trong sản xuất xốp và cấm sử dụng Methyl Bromide cho các ứng dụng ngoài mục đích kiểm dịch hàng xuất khẩu từ ngày 01/01/2015. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai các hoạt động quản lý loại trừ các chất HCFC giai đoạn 2018 – 2023, triển khai hoạt động hỗ trợ chuyển đổi công nghệ cho các doanh nghiệp sản xuất để không sử dụng các chất HCFC trong các lĩnh vực điều hòa không khí, sản xuất thiết bị lạnh và sản xuất xốp, nhằm loại trừ được 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC và sẽ tiếp tục triển khai để sẽ chỉ còn 2,5% lượng tiêu thụ các chất HCFC vào năm 2030 và chấm dứt hoàn toàn việc nhập khẩu các chất này vào năm 2040.
Để đóng góp nhiều hơn cho việc khôi phục tầng ozone, Tiến sỹ Tăng Thế Cường cho rằng, cần triển khai đồng bộ nhiều hoạt động, từ hoàn thiện thể chế, tiếp tục ban hành quy định pháp luật về quản lý các chất được kiểm soát, xây dựng và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phục vụ công tác quản lý để đáp ứng lộ trình thực hiện cam kết quốc tế về bảo vệ tầng ozone; nghiên cứu, ban hành quy định hạn chế hoặc ngừng sử dụng các chất được kiểm soát có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu cao, nhất là khi đã có các chất thay thế mới thân thiện hơn với khí hậu; sớm loại trừ HFC-407C trong điều hòa không khí dành cho tàu hỏa; loại trừ HFC-23 trong các hệ thống phòng cháy chữa cháy; loại trừ HCFC-22 trong sản xuất thiết bị lạnh và điều hòa không khí…; tích cực hơn trong triển khai quản lý vòng đời các chất được kiểm soát; thúc đẩy các hoạt động tái chế, tái sử dụng và tiêu hủy các chất được kiểm soát bởi Nghị định thư Montreal…
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị