Bác sĩ Bệnh viện K cảnh báo: Những thực phẩm có thể làm tăng nguy cơ ung thư

Ung thư là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng trên toàn cầu, tình hình ung thư tại Việt Nam cũng là vấn đề quan trọng được ưu tiên hàng đầu trong những năm gần đây.

Theo nguồn thông tin được đưa ra tại Hội thảo Phòng chống ung thư Hà Nội năm 2022 do Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội phối hợp với Hội Ung thư Việt Nam và Sở Y tế TP Hà Nội tổ chức ngày 3-4/11, mỗi năm tại Việt Nam có 183 nghìn ca mới mắc và 123 nghìn người tử vong do ung thư, hiện có 354 nghìn người sống chung với ung thư.

Tỷ lệ tử vong do ung thư tại Việt Nam với con số đáng báo động là 73.5%, trong khi tỉ lệ của cả Thế giới chỉ ở mức 59.7%. Theo số liệu này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp Việt Nam nằm trong 50 nước thuộc top 2 của bản đồ ung thư (50 nước cao nhất thuộc top 1).

Tỷ lệ mắc mới bệnh nhân ung thư tăng lên 9 bậc (xếp thứ 90/185 quốc gia) và tỷ lệ tử vong do ung thư tăng 6 bậc (xếp thứ 50/185 quốc gia) so với ghi nhận năm 2018. Đáng chú ý hơn, số lượng người mắc bệnh ung thư tại Việt Nam đã tăng gấp 3 lần sau 30 năm và các ca mắc mới ngày càng có xu hướng trẻ hóa.

Trước đây, bệnh ung thư thường gặp ở những người trung niên và người lớn tuổi. Tuổi càng cao tỷ lệ mắc ung thư càng lớn, tuy nhiên hiện nay số lượng người mắc ung thư xuất hiện ở độ tuổi trẻ ngày càng có xu hướng tăng.

Nhóm nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ người mắc ung thư độ tuổi trẻ như sau: Ô nhiễm không khí và môi trường cũng là những yếu tố gây ung thư. Hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia là nguyên nhân gây ra các loại ung thư như ung thư miệng, họng, ung thư gan, ung thư vú, ung thư đại trực tràng,…

Một trong những nguyên nhân nữa chính là do chế độ ăn uống hàng ngày. Theo bác sĩ Trần Đức Cảnh, Khoa Thăm dò chức năng và nội soi, Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội), có một số loại thực phẩm làm tăng nguy cơ gây ung thư nhưng nhiều người vẫn vô tư sử dụng hàng ngày.

 Cá hồi nuôi nguy cơ có chứa dioxin, PCB và thủy ngân – các chất khả năng gây ung thư. Ảnh minh họa

Thịt đỏ nướng

Thịt đỏ là thịt của động vật có vú (bò, lợn, nai, trâu, ngựa), còn thịt trắng là thịt của các loại thịt động vật dưới thú như cá, chim, lưỡng cư, bò sát. Thịt nấu ở nhiệt độ cao có thể tạo ra lượng acrylamide, một chất gây ung thư. Vì vậy, các chuyên gia đều khuyên rằng nên hạn chế ăn thịt đỏ, đặc biệt khi nướng tránh để bị cháy cạnh.

Thịt chế biến sẵn

Các thực phẩm thịt chế biến sẵn như xúc xích, thịt nguội, thịt xông khói, salami, nem chua, lạp xưởng…chứa nhiều muối và các hóa chất gây ung thư như nitrat và nitrit. Ngay cả thịt hun khói tự nhiên cũng chứa hắc ín gây hại. Các nghiên cứu cho thấy ăn thịt chế biến sẵn hàng ngày làm tăng 22% khả năng mắc bệnh ung thư. WHO khuyến cáo ăn nhiều thịt đỏ chế biến (processed meat), cụ thể là 50g thịt mỗi ngày, làm tăng nguy cơ ung thư ruột tới 18%.

Nước ngọt, đồ uống có ga

Nước ngọt có ga chứa nhiều đường, hàm lượng fructose cao, tác nhân gây ra nhiều bệnh lý nghiêm trọng. Hơn nữa, màu nhân tạo của nó có chứa 4-MEI, một chất hóa học gây ung thư.

Thực phẩm đóng hộp

Thực phẩm đóng hộp chứa nhiều muối, trong khi các hộp đựng cũng được làm từ nguyên liệu có chứa hóa chất gây hại như Bisphenol-A (BPA). BPA là một chất có thể gây rối loạn hormone, nội tiết, từ đó gây xáo trộn chuyển hóa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh sản, tăng trưởng, nhiễm sắc thể và não, làm rối loạn chức năng thần kinh, gây ung thư.

Bỏng ngô làm từ lò vi sóng

Các loại bắp rang bơ làm từ lò vi sóng thông thường có chứa bơ hương liệu với diacetyl là chất phụ gia, gây hại cho não bộ. Ngoài ra, các túi đựng bỏng ngô dùng axit perfluorooctanoic (PFOA) có thể gây ung thư.

Cá hồi nuôi

Cá hồi chứa protein lành mạnh và an toàn trong chế độ ăn uống, song cá hồi đánh bắt tự nhiên lại rất khó kiếm. Hầu hết cá hồi tìm thấy trong các cửa hàng ngày nay đều được nuôi trong trang trại, nguy cơ có chứa dioxin, PCB và thủy ngân – các chất khả năng gây ung thư.

Các loại dầu hydro hóa

Khi dầu không được chiết xuất tự nhiên, chúng sẽ bị hydro hóa bằng quá trình xử lý hóa học cần thiết. Chẳng hạn, dầu thực vật không chỉ được xử lý hóa học mà còn được nhuộm màu, mùi hương tự nhiên của chúng cũng bị loại bỏ. Những thực phẩm này chứa chất béo omega-6 không lành mạnh, có liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển một số loại ung thư.

Chất tạo ngọt nhân tạo

Các chất tạo ngọt nhân tạo, nổi bật là aspartame, có khả năng gây ung thư. Sau khi sử dụng, các chất này phân hủy thành một chất độc được gọi là DKP trong quá trình tiêu hóa. Hồi tháng 7, WHO xác nhận aspartame, chất làm ngọt nhân tạo trong soda ăn kiêng, kẹo cao su có thể gây ung thư, song vẫn an toàn ở mức tiêu thụ đã được cho phép.

Cụ thể, lượng tiêu thụ quy ước hàng ngày đối với chất tạo ngọt này (0-40 mg aspartame trên mỗi kg trọng lượng cơ thể) là hợp lý, không cần thay đổi. Hiện nay, mỗi lon nước ngọt không đường chứa 200-300 mg aspartame. Như vậy, một người nặng từ 60 đến 79 kg, uống hơn 9 đến 14 lon nước ngọt mỗi ngày mới gây nguy hiểm, trong trường hợp họ không tiêu thụ aspartame từ các nguồn khác

Khoai tây chiên

Khoai tây chiên là món ăn nhẹ ít lành mạnh, do chúng được chiên trong chất béo chuyển hóa và phủ một lớp muối. Ngoài ra, khoai tây chiên cũng chứa một số chất tạo màu nhân tạo và hóa chất bảo quản, ảnh hưởng đến tim và tuần hoàn. Khoai tây chiên cũng chứa acrylamide là chất gây ung thư.

Bia rượu và đồ uống có cồn

Các nghiên cứu cho thấy việc uống quá nhiều rượu sẽ dẫn đến ung thư. Nếu uống, bạn nên uống theo khuyến nghị, chỉ uống một ly mỗi ngày đối với phụ nữ và hai ly đối với nam giới. Vượt quá vùng an toàn sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư ruột kết, gan, vòm họng, thực quản và trực tràng. Bạn có thể lựa chọn uống rượu vang đỏ thay thế vì trong rượu vang đỏ chứa hợp chất resveratrol giúp chống lại bệnh ung thư.

Bảo vệ sức khỏe phòng ngừa bệnh ung thư

Bệnh ung thư được phát hiện càng sớm thì tỷ lệ chữa khỏi càng cao, nếu phát hiện ở giai đoạn muộn việc điều trị gặp nhiều khó khăn, gây nên hậu quả lớn dẫn đến tử vong và tổn hại nghiêm trọng về kinh tế. Chính vì thế, việc tầm soát, ngăn chặn, chăm sóc sức khỏe với người chưa phát hiện và đang mắc phải là điều vô cùng cần thiết, cần được chú trọng thực hiện.

Trước hết cần xây dựng và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh. Chế độ ăn uống đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe, phòng chống ung thư. Đảm bảo bữa ăn được cung cấp đầy đủ và cân bằng các nhóm dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.

Ăn nhiều trái cây và rau xanh, hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa nhiều đường, hàm lượng calo cao và các thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh.

Hạn chế sử dụng rượu bia, chỉ uống trong mức cho phép. Lạm dụng rượu bia thường xuyên làm tăng nguy cơ ung thư. Đặc biệt, không hút thuốc lá. Chất chứa trong thuốc lá rất có hại cho cơ thể, để bảo vệ sức khỏe bản thân và người xung quanh bạn nên bỏ thuốc lá.

Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên và đều đặn mỗi ngày nâng cao sức khỏe giúp bạn kiểm soát cân nặng, giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư. Vận động đều đặn giúp tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện sức khỏe đem lại nhiều lợi ích đáng kể.

Cân bằng thời gian học tập, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc và đảm bảo chất lượng giấc ngủ tốt giúp tăng cường sức đề kháng và nâng cao sức khỏe. Hạn chế sử dụng thiết bị điện tử, tiếp xúc trực tiếp với bức xạ ánh nắng, môi trường ô nhiễm để bảo vệ sức khỏe.

Thực hiện tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng virus viêm gan A và viêm gan B, vắc xin phòng virus HPV để bảo vệ cơ thể, hạn chế virus gây bệnh tấn công, phòng bệnh ung thư.

Mỗi người nên chủ động kiểm tra sức khỏe, tầm soát ung thư tổng quát định kỳ giúp phát hiện ra bệnh ngay cả khi chưa có biểu hiện nào. Đặc biệt là nhóm đối tượng nguy cơ cao như người lớn tuổi, có hút thuốc lá và uống rượu bia, đang điều trị các bệnh mạn tính, có người thân bị ung thư, xơ gan, thừa cân béo phì…

Thường xuyên cập nhật thông tin, nâng cao kiến thức về các bệnh ung thư giúp bạn chủ động hơn trong việc nhận biết dấu hiệu bệnh và cách phòng ngừa ung thư hiệu quả góp phần làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong vì ung thư tại Việt Nam.

Ngọc Nga (T/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích