Đà Nẵng tháo gỡ vướng mắc xung quanh việc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật PCCC

Theo thông tin từ Công an TP.Đà Nẵng, hiện nay có gần 1.000 cơ sở tại TP. Đà Nẵng gặp vướng mắc xung quanh các quy định mới về phòng cháy chữa cháy (PCCC) và đang được ngành chức năng phối hợp tìm ‘lối ra’.

Nhiều doanh nghiệp (DN) dù đã được cấp chứng nhận thẩm định và phê duyệt, thiết kế về PCCC nhưng khi áp dụng theo quy định mới thì không đáp ứng được, dẫn đến phải chỉnh sửa hệ thống PCCC, gây tốn kém.

Ông B.T.T, giám đốc một DN ở Q.Cẩm Lệ, bức xúc khi quy định pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về PCCC cho nhà và công trình liên tục thay đổi, chỉ trong 2 năm có đến 3 văn bản khiến DN rất khó theo kịp, chuyển đổi, gặp nhiều trở ngại trong hoạt động.

Trong lĩnh vực karaoke, với quy định mới về PCCC, hầu hết cơ sở xây dựng trước đây đều không đủ điều kiện. Vướng mắc lớn nhất là thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC, trang bị các giải pháp an toàn PCCC… Do đó, 2 năm qua, đa số karaoke trên toàn địa bàn thành phố đã tạm dừng hoạt động.

Như cơ sở karaoke của ông H.N.C ở Q.Thanh Khê, sau 2 năm đóng cửa vì dịch Covid-19 mới sửa sang, nhưng vừa đưa vào hoạt động thì bị đình chỉ theo quy định PCCC mới. Bà V.T.A.T, chủ cơ sở karaoke đường Ngô Văn Sở (Q.Liên Chiểu), cho biết cơ sở của mình tồn tại từ trước khi các quy định mới, nay chấp nhận sửa chữa, cải tạo cho an toàn nhưng đề xuất các quy định an toàn PCCC cần nới lỏng hơn, không quá cứng nhắc để tránh phải điều chỉnh kết cấu nhà (phần tốn kém nhất). “Như khoảng cách cầu thang, nếu cứng nhắc theo quy định thì phải đập đi xây lại, hoặc những cơ sở không đủ diện tích theo tiêu chuẩn mới chắc chắn phải đóng cửa”, bà T. nói.

 Nhiều doanh nghiệp tại Đà Nẵng gặp vướng mắc trong việc áp dụng quy chuẩn về PCCC. Ảnh minh họa

Về vấn đề này, Công an TP.Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tập trung hướng dẫn, tìm giải pháp tháo gỡ cho các cơ sở. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có gần 200 cơ sở có khả năng khắc phục các lỗi như chưa trang bị hệ thống PCCC, khoảng cách PCCC, chưa có tài liệu chứng minh tính chống cháy của vật liệu trên đường thoát hiểm… Khoảng 950 cơ sở khó khắc phục hoặc không có khả năng khắc phục, liên quan các lỗi thoát nạn (cầu thang chưa kín, thiếu thang máy…); nếu cải tạo, sửa chữa sẽ ảnh hưởng đến kết cấu, kiến trúc công trình. Ngoài ra, có 165 dự án, công trình còn tồn tại chưa được thẩm duyệt thiết kế về PCCC; 37 dự án, công trình còn tồn tại chưa được nghiệm thu về PCCC.

Để tiếp tục tháo gỡ cho DN, từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ đã 3 lần đối thoại với hơn 300 DN, cơ sở để tiếp thu kiến nghị, hướng dẫn chi tiết. Qua đó, tháo gỡ 8 công trình liên quan sơn chống cháy, 39 công trình khắc phục tồn tại nghiệm thu. Đã có hơn 20 cơ sở karaoke sau khi hướng dẫn tháo gỡ đã được hoạt động trở lại…

Đại tá Phan Văn Dũng, Phó giám đốc Công an TP.Đà Nẵng, cho biết đã yêu cầu lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ tiếp tục nghiên cứu vận dụng có hiệu quả nội dung hướng dẫn tháo gỡ khó khăn cho cơ sở. Đồng thời, phân loại theo từng nhóm, loại hình, đánh giá từng trường hợp có hay không khắc phục được, từ đó nghiên cứu đề ra giải pháp cụ thể, hướng dẫn tạo điều kiện cho DN sớm nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng.

Đáng chú ý, Công an TP. Đà Nẵng kiến nghị Bộ Công an phối hợp Bộ Xây dựng tham mưu Chính phủ sớm ban hành nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ cho các công trình hiện hữu không có khả năng áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC tại thời điểm đưa vào hoạt động để kịp tháo gỡ vướng mắc tại các công trình sai phạm hiện hữu. Qua đó, giúp người dân, DN sớm khôi phục, ổn định sản xuất kinh doanh. “Công an TP.Đà Nẵng cũng đề nghị Bộ Công an phối hợp các bộ, ngành liên quan tham mưu Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về PCCC và cứu nạn cứu hộ nhằm khắc phục, tháo gỡ dứt điểm vướng mắc, bảo đảm phù hợp tình hình phát triển kinh tế – xã hội”, đại tá Phan Văn Dũng nói.

Liên quan tới những vướng mắc khi áp dụng quy chuẩn PCCC, trước đó Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) cũng đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong khoảng 10.000 cơ sở.

Tính đến nay còn 38.140 cơ sở hiện hữu trên tổng số 1.182.722 cơ sở được rà soát (chiếm 3,22%) đã đưa vào hoạt động còn tồn tại, không có khả năng khắc phục theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC tại thời điểm thẩm duyệt hoặc đưa vào sử dụng, buộc phải sửa chữa, khắc phục.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hiện tỷ lệ doanh nghiệp cho biết gặp vướng mắc về thủ tục PCCC rất nhiều.

Khảo sát “Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)” của VCCI đối với doanh nghiệp trong và ngoài nước tại 63 tỉnh, thành cho thấy, nhóm thủ tục về PCCC nằm trong nhóm 4 khó khăn lớn nhất (cùng với đất đai, thuế phí, bảo hiểm xã hội).

Ông Nguyễn Đỗ Tùng Cương, Chủ tịch Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Việt Nam, thông báo thời gian qua, Hiệp hội nhận được rất nhiều ý kiến phản ánh những khó khăn của doanh nghiệp trong áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn PCCC.

Được biết, hiện nay Bộ Công an đang làm việc với Bộ Tư pháp về dự án sửa đổi Nghị định 136, dự tính chậm nhất trong tháng 8 sẽ ban hành các nội dung sửa đổi này. Bên cạnh đó, Bộ Công an đã chủ động đề xuất với Chính phủ sửa đổi Luật PCCC, theo hướng đơn giản hóa, tối đa các thủ tục hành chính, giảm thiểu các chi phí đầu tư cơ bản cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tăng cường phân cấp, phân quyền tối đa cho các lực lượng, đơn vị tại các tỉnh thành, nhằm tháo gỡ tất cả những vướng mắc liên quan tới PCCC một cách tổng thể.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình QCVN 06:2022/BXD

Ngày 30/11/2022, Bộ Xây dựng đã có Thông tư 06/2022/TT-BXD ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình QCVN 06:2022/BXD.

Quy chuẩn này quy định các yêu cầu chung về an toàn cháy cho gian phòng, khoang cháy, nhà và các công trình xây dựng (khoang cháy, nhà và các công trình xây dựng sau đây gọi chung là nhà); Phân loại kỹ thuật về cháy cho vật liệu xây dựng, cấu kiện xây dựng, các phần và bộ phận của nhà, và nhà.

Quy chuẩn này áp dụng đối với các nhà và công trình sau:

– Nhà ở: chung cư và nhà ở tập thể có chiều cao PCCC đến 150 m và không quá 3 tầng hầm; nhà ở riêng lẻ có chiều cao từ 7 tầng trở lên hoặc có nhiều hơn 1 tầng hầm đến 3 tầng hầm; nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh với diện tích sàn dành cho mục đích sản xuất, kinh doanh chiếm trên 30 % tổng diện tích sàn;

– Các nhà công cộng có chiều cao PCCC đến 150 m và không quá 3 tầng hầm (trừ các công trình trực tiếp sử dụng làm nơi thờ cúng, tín ngưỡng; các công trình di tích); các loại sân thể thao ngoài trời có khán đài (sân vận động, sân tập luyện, thi đấu thể thao và tương tự);

– Các nhà sản xuất, nhà kho có chiều cao PCCC đến 50 m và không quá 1 tầng hầm;

– Các nhà cung cấp cơ sở, tiện ích hạ tầng kỹ thuật có chiều cao PCCC đến 50 m và không quá 1 tầng hầm;

– Các nhà phục vụ giao thông vận tải có chiều cao PCCC đến 50 m và không quá 3 tầng hầm;

– Các nhà phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn (trừ nhà ươm, nhà kính trồng cây và tương tự).

Đối với các nhà thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng F1.2, F1.3, F4.2, F4.3 và nhà hỗn hợp có chiều cao PCCC lớn hơn 150 m hoặc có từ 4 tầng hầm trở lên, các nhà có các đặc điểm riêng về phòng chống cháy khác với các nhóm nhà trong Bảng 6, thì ngoài việc tuân thủ quy chuẩn này còn phải bổ sung các yêu cầu kỹ thuật và các giải pháp về tổ chức, về kỹ thuật công trình phù hợp với các đặc điểm riêng về phòng chống cháy của các nhà đó, trên cơ sở các tài liệu chuẩn được áp dụng.

Quy chuẩn này áp dụng khi xây dựng mới các nhà và công trình nêu tại 1.1.2, hoặc trong phạm vi những thay đổi sau: Cải tạo, sửa chữa làm thay đổi công năng của gian phòng, khoang cháy hoặc nhà; Cải tạo, sửa chữa làm thay đổi các giải pháp thoát nạn của gian phòng, khoang cháy hoặc nhà; Cải tạo, sửa chữa làm tăng tính nguy hiểm cháy của vật liệu xây dựng, hoặc làm giảm giới hạn chịu lửa của kết cấu, cấu kiện; Cải tạo, sửa chữa làm thay đổi hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ của gian phòng, khoang cháy và nhà theo hướng tăng tính nguy hiểm cháy; Cải tạo, sửa chữa làm nâng cao các yêu cầu an toàn cháy đối với gian phòng, khoang cháy và nhà; Cải tạo, sửa chữa hệ thống bảo vệ chống cháy của gian phòng, khoang cháy và nhà; Các trường hợp cải tạo, sửa chữa khác theo hướng dẫn của cơ quan Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Cảnh sát PCCC và CNCH) có thẩm quyền.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 16/01/2023 và thay thế Thông tư số 02/2021/TT-BXD ngày 19/05/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành QCVN 06:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình.

An Dương (T/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích