Một số lưu ý khi sử dụng đất nông nghiệp quy hoạch ODT
Một số lưu ý khi sử dụng đất nông nghiệp quy hoạch ODT
Đất ODT là gì, khi sử dụng đất nông nghiệp quy hoạch ODT cần lưu ý những gì là những thông tin sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.
Đất ODT là gì?
Đất ODT là gì được khá nhiều người quan tâm đến, đặc biệt là những người muốn thử sức ở lĩnh vực bất động sản. Theo Điều 144 Luật Đất đai 2013, khái niệm loại đất ODT là đất dùng để ở tại đô thị thuộc nhóm đất phi nông nghiệp. Nhiều người dân vẫn chưa nắm được những quy định về đất nông nghiệp ODT.
Cũng theo quy định của đơn vị này thì đất ODT bao gồm đất sử dụng để xây nhà và các công trình phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của con người. Loại đất này thường nằm trong các khu đô thị (khu nội – ngoại thành thành phố hoặc thuộc các thị xã, thị trấn).
Thời hạn sử dụng đất ODT
Đất ODT thường có thời hạn sử dụng rất lâu dài vì là loại đất thổ cư dùng để xây dựng các công trình nhà ở, hoặc các công trình phục vụ sinh hoạt của con người.
Loại đất này thuộc nhóm đất ở và có thời hạn sử dụng là ổn định lâu dài, khác với đất thương mại dịch vụ sở hữu 50 – 70 năm, đất ODT có thời hạn dài hơn.
Nếu đất ODT thuộc sở hữu cá nhân hoặc tổ chức bị giải tỏa với mục đích sử dụng của nhà nước, thì chủ sở hữu vẫn sẽ được đền bù đúng theo giá đất mà nhà nước quy định.
Đất nông nghiệp quy hoạch ODT
Đất nông nghiệp là loại đất được Nhà nước giao cho người dân để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp, bao gồm trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng…
Là tư liệu sản xuất chủ yếu vừa là tài liệu lao động vừa là đối tượng lao động, đặc biệt không thể thay thế của ngành nông – lâm nghiệp. Theo đó, đất nông nghiệp quy hoạch ODT là đất hoa màu nằm trong diện quy hoạch thành đất ở tại đô thị.
Theo Điều 49 Luật Đất đai 2013:
– Nếu đất nông nghiệp nằm trong trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện thì người sử dụng đất tiếp tục sử dụng đất và không bị hạn chế các quyền của mình.
– Quyền của người sử dụng đất năm trong quy hoạch chỉ bị hạn chế trong trường hợp đất nằm trong quy hoạch, đồng thời đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch.
Lúc này, người sử dụng đất vẫn được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất, nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm. Nếu người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật.
Thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất
Bước 1: Người sử dụng đất lập 1 bộ hồ sơ và nộp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả – UBND cấp huyện, hồ sơ gồm:
– Đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất theo mẫu số 1 ban hành kèm theo Thông tư 30/2014 /TT-BTNMT ngày 02/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường).
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Trường hợp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian không quá 3 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.
Bước 2: Trong thời gian không quá 8 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ; xác minh thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất; trình Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.
Bước 3: Trong thời hạn không quá 4 ngày làm việc, UBND cấp huyện ký quyết định chuyển mục đích sử dụng đất.
Bước 4: Sau khi có quyết định của cấp có thẩm quyền, chủ sử dụng đất đến nhận quyết định chuyển mục đích sử dụng đất tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả – UBND cấp có thẩm quyền để thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Căn cứ vào kết quả thực hiện nghĩa vụ tài chính, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện sẽ thực hiện xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp và trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã chỉnh lý tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả – UBND cấp huyện để trao lại cho chủ sử dụng đất.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị