Sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật: Tạo động lực mới cho hội nhập quốc tế

Được Quốc hội thông qua ngày 29/6/2006, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ liên quan đến tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Qua hơn 17 năm triển khai thực hiện, Luật đã tạo chuyển biến tích cực đối với hoạt động liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đáp ứng quy định của Tổ chức Thương mại thế giới và các thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ ngày càng đối mặt nhiều quy định, yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tại các thị trường nước ngoài. Việc xây dựng Luật cập nhật quy định mới về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sẽ tạo động lực mới cho doanh nghiệp hội nhập quốc tế.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định, đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố hơn 13.000 tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), đứng đầu trong nhóm các nước ASEAN; trong đó, tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt trên 60%. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cũng ban hành trên 800 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN).

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng việc sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật giúp DN tiếp cận các thị trường khó tính, hội nhập quốc tế. Ảnh: TTXVN

Hệ thống TCVN luôn được bổ sung về số lượng, nâng cao về mức độ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế/khu vực, bao quát đầy đủ hơn các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Đặc biệt, hầu hết TCVN ở các lĩnh vực ưu tiên, các sản phẩm chủ lực của nền kinh tế, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Điển hình như các lĩnh vực: Nông nghiệp hữu cơ, đô thị thông minh, sản xuất thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, an ninh thông tin, biến đổi khí hậu, quản lý nguồn nước, xử lý chất thải, an toàn thực phẩm, cơ khí chế tạo… Từ đó, giúp doanh nghiệp Việt nâng cao trình độ khoa học công nghệ, cập nhật được các xu hướng mới của thế giới để tiếp cận và đáp ứng nhu cầu thị trường.

Hơn 800 QCVN trong hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) cũng trở thành công cụ quan trọng của hoạt động quản lý nhà nước nhằm ngăn chặn các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích doanh nghiệp và người tiêu dùng trước nguy cơ tiềm ẩn.

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng tham gia, hợp tác quốc tế sâu rộng về thương mại tự do theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Việc tham gia các FTA, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương( CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), dẫn đến việc thực thi các Hiệp định này cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ ngày càng đối mặt nhiều quy định, yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tại các thị trường nước ngoài.

Chủ trương của Đảng, Chính phủ hiện nay là khuyến khích doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu đối với sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ. Cùng với đó là nhu cầu đổi mới sáng tạo, tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đổi mới mô hình quản lý khoa học công nghệ, phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia; vai trò, tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của các hiệp hội, doanh nghiệp trong xây dựng, phát triển hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Thực tế cho thấy, qua hơn 17 năm thi hành, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng thực tiễn khách quan, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm thi hành các cam kết về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết.

Cũng theo ông Phùng Mạnh Trường, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), trải qua hơn 17 năm triển khai thực hiện, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã đáp ứng yêu cầu đổi mới hoạt động tiêu chuẩn hóa, thúc đẩy tiến trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và thực hiện Hiệp định Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT/WTO), bảo vệ được lợi ích quốc gia và lợi ích của các doanh nghiệp trong nước trước sức ép của cạnh tranh toàn cầu và tự do hóa thương mại; đồng thời thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam phục vụ cho giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên, ông Phùng Mạnh Trường đánh giá, song song với những kết quả đạt được, quá trình triển khai Luật cũng phát sinh một số bất cập, hạn chế, đòi hỏi phải sửa đổi để phù hợp bối cảnh phát triển, từ đó, từng bước hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng đổi mới toàn diện.

Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình Chính phủ Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan.

Tầm nhìn và chiến lược

Thứ trưởng Lê Xuân Định cho biết, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra tầm nhìn và định hướng phát triển đất nước, trong đó, nhấn mạnh hai nội dung: Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn kết hài hòa, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế.

Đây là hai trong những mục tiêu, định hướng mà Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật hướng tới. Các nội dung được xem xét sửa đổi, bổ sung không chỉ khắc phục tồn tại, bất cập trong Luật hiện hành; quan trọng hơn, thể hiện tầm nhìn, chiến lược của Việt Nam trong sân chơi quốc tế, khu vực.

“Để đất nước có thể phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn nữa chúng ta cần tích cực hơn trong phát triển kinh tế-xã hội, chủ động hơn trong hội nhập kinh tế quốc tế. Tôi tin rằng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật là những công cụ hữu hiệu để đạt được mục tiêu này, giúp nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên thị trường thương mại quốc tế”, Thứ trưởng Lê Xuân Định khẳng định.

Thứ trưởng Lê Xuân Định cho rằng, việc sửa luật phải đáp ứng hai yêu cầu, vừa tăng cường khả năng quản lý nhà nước, vừa tạo động lực mới cho doanh nghiệp dùng sức mạnh của tiêu chuẩn đo lường chất lượng, biến thành năng lực đổi mới sáng tạo. Nếu thiếu một trong hai vế thì sẽ không đạt được mục tiêu của việc sửa Luật.

Theo TTXVN

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích