Để lừa đảo trực tuyến không còn “đất sống”
Người dân cần nâng cao cảnh giác trước khi click chuột hoặc không nhấn vào link lạ. Ảnh: Minh Phương |
Nhiều người “sập bẫy”
Mặc dù cơ quan chức năng đã đưa ra rất nhiều cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo khi tham gia tương tác trên môi trường số, tuy nhiên thời gian gần đây tiếp tục có các nạn nhân bị mắc bẫy. Với quảng cáo chỉ cần thực hiện những thao tác đơn giản mà cũng có thể kiếm ra tiền, nạn nhân vì nhẹ dạ, chỉ thấy được cái lợi trước mắt mà dễ dàng dính bẫy lừa đảo.
Mới đây, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an thành phố Hà Nội nhận được đơn trình báo của một nam thanh niên bị chiếm đoạt số tiền lên tới 10 tỷ đồng khi tham gia nhóm hẹn hò Câu lạc bộ “Mỹ nhân Love” trên Telegram. Nạn nhân được hướng dẫn nạp tiền để kích hoạt thẻ thành viên và nhận phần hoa hồng từ việc nạp tiền. Sau khi kích hoạt thẻ thành công, các đối tượng lấy lý do báo lỗi hệ thống, yêu cầu nạn nhân chuyển gần 40 lần với số tiền hơn 8 tỷ đồng. Do không rút được tiền, nạn nhân được giới thiệu lãnh đạo cấp trên của Câu lạc bộ hỗ trợ rút tiền trực tiếp tại ngân hàng. Tại đây, các đối tượng thông báo nộp 500 triệu đồng để được hợp thức hóa số tiền. Nạn nhân chuyển tiếp 320 triệu đồng, sau đó, tiếp tục được yêu cầu chuyển 590 triệu đồng để bảo mật nguồn tiền. Sau đó, các đối tượng thông báo nạn nhân sẽ rút được 82% tổng tiền đã nộp nhưng phải thanh toán phí bồi thường. Lúc này nạn nhân mới biết mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo. Tổng số tiền nam thanh niên này đã bị chiếm đoạt là hơn 10 tỷ đồng…
Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam đã tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 37,82% so với 6 tháng cuối năm 2022. Có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam. Các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi hơn nên nạn nhân khó phát hiện. Các đối tượng lừa đảo cũng được tổ chức chuyên nghiệp, thành những nhóm tội phạm đặt trụ sở tại nước ngoài. Đặc biệt, các đối tượng này đang nhắm đến những nạn nhân như người già, trẻ em, người thu nhập thấp…
Giải pháp phòng ngừa
Theo thống kê từ Bộ Công an, Việt Nam đang có 77,93 triệu người sử dụng Internet (chiếm hơn 79% dân số), xếp thứ 12 trên thế giới. Tuy nhiên, dữ liệu cá nhân của hơn 2/3 dân số Việt Nam đang bị thu thập, chia sẻ trên mạng với với nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Trong 2 năm qua, lực lượng chức năng đã khởi tố 5 vụ án hình sự, với hàng nghìn GB dữ liệu và chứa hàng tỷ thông tin cá nhân bị mua bán.
Tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân tại Việt Nam diễn ra phổ biến, công khai và có hệ thống. Điều này có lẽ ai cũng có thể nhận thấy khi liên tục có những số lạ gọi điện thoại tới chào mua đủ loại dịch vụ sản phẩm khác nhau mà mình chưa hề từng biết tới. Thậm chí, nhiều dữ liệu về thông tin cá nhân bị rao bán bất hợp pháp trong thời gian dài, lặp đi lặp lại. Đây có lẽ là một trong những hậu quả của tình trạng lừa đảo trên mạng hiện nay.
Xuất phát từ việc tội phạm đã biết trước thông tin cá nhân của nạn nhân, các vụ lừa đảo qua điện thoại hoặc qua mạng Internet thường có một điểm chung là kẻ xấu luôn biết rõ tên tuổi và thông tin cá nhân của nạn nhân. Chỉ trong năm ngoái, Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam đã ghi nhận hơn 12.900 trường hợp lừa đảo qua mạng, tăng gần gấp đôi so với năm 2021. Trong năm 2022, các cơ quan chức năng đã ngăn chặn, xử lý hơn 2.620 trang web lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật (hơn 1.460 trang lừa đảo trực tuyến) và bảo vệ hơn 4,7 triệu người dân (tương ứng 6,7% người dùng Internet Việt Nam) trước các tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng…
Lý giải lý do vì sao lừa đảo trực tuyến tăng mạnh trong thời gian gần đây, nhiều chuyên gia công nghệ thông tin cho rằng, các đối tượng lừa đảo đã tận dụng được các tiện ích, công nghệ hiện đại để tạo ra những hệ thống lừa đảo tinh vi, hiệu quả, ngày càng giống thật, khiến người dùng khó nhận diện hơn. Ngoài ra, một phần nguyên nhân còn là do người dân vẫn chưa được cập nhật đầy đủ và sớm về các hình thức lừa đảo.
Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, Cục An toàn thông tin cho rằng, việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức nhằm trang bị cho mỗi cá nhân những kiến thức và kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng là yếu tố then chốt giúp tạo dựng một không gian mạng Việt Nam an toàn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội số một cách bền vững.
Là cán bộ đã có nhiều năm công tác trong lĩnh vực điều tra tội phạm, Thiếu tá Nguyễn Thế Hùng, Phó trưởng Công an phường Phương Mai, quận Đống Đa, cho biết, môi trường mạng đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ để các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo, do đó, người dùng cần đặc biệt nâng cao cảnh giác, trang bị những kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ mình. Người dân nên cập nhật kiến thức thường xuyên về các phương thức thủ đoạn lừa đảo trực tuyến mới mà các loại tội phạm thực hiện. Cần lưu ý rằng, các cơ quan chức năng và nhà cung cấp dịch vụ không bao giờ gọi điện yêu cầu, hỗ trợ người dùng thực hiện các hướng dẫn trực tuyến trên mạng.
Để tránh “sập bẫy” của các đối tượng lừa đảo trực tuyến Tuyệt đối không truy cập các đường link, liên kết trong tin nhắn lạ hoặc không rõ nguồn gốc. Không đăng nhập tài khoản cá nhân vào những địa chỉ này; Không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân… cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch; Các tổ chức, cá nhân có thể truy cập vào cổng thông tin khonggianmang.vn để tra cứu hoặc phản ánh tới cơ quan chức năng về những trường hợp nghi ngờ lừa đảo trực tuyến… |
Minh Phương
Nguồn: Báo lao động thủ đô