Cuộc đua tăng trưởng xanh trong các ngành sản xuất tại Việt Nam
Cuộc đua tăng trưởng xanh trong các ngành sản xuất tại Việt Nam
Doanh nghiệp trong các ngành từ xây dựng, thực phẩm cho tới hàng tiêu dùng tại Việt Nam đều đang có chiến lược riêng để thực hiện tăng trưởng xanh.
Thách thức toàn cầu buộc doanh nghiệp thích ứng
Thế giới đang phải đối mặt với các thách thức lớn như suy giảm đa dạng sinh học, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu, đặt ra bài toán lớn về việc làm sao để đảm bảo tương lai bền vững cho các thế hệ tiếp nối. Trong đó, biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề cấp thiết nhất khi nồng độ khí nhà kính đang ở mức cao nhất trong 2 triệu năm qua và thế giới đã ấm lên 1,1 độ C so với cuối những năm 1800.
Theo Báo cáo của Liên Hợp quốc vào năm 2018, các nhà khoa học và chuyên gia đã thống nhất rằng việc giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu không vượt quá 1,5 độ C sẽ là ngưỡng an toàn giúp chúng ta tránh được những tác động biến đổi khí hậu xấu nhất.
Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi có một cam kết và hệ thống giải pháp mang tính toàn cầu và cấp thiết. Vào tháng 12/2021 tại Hội nghị COP26, Việt Nam cùng gần 150 quốc gia đã đưa ra cam kết mạnh mẽ để giảm mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Mục tiêu đạt Net Zero vào 2050 của Việt Nam được đánh giá là thách thức, tuy nhiên cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tái cấu trúc mô hình kinh doanh và chuyển đổi tăng trưởng bền vững hơn.
Cuộc đua tăng trưởng xanh trong các ngành sản xuất tại Việt Nam
Trong cuộc đua phát triển xanh ở Việt Nam, doanh nghiệp FDI hiện “nhỉnh” hơn bởi tiềm lực tài chính, công nghệ… được hậu thuẫn từ tập đoàn mẹ. Chẳng hạn, trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, bà Cao Thị Thu Hồng – Trưởng phòng phát triển bền vững của C.P. Việt Nam- chia sẻ rằng, doanh nghiệp này đã và đang xây dựng mô hình kinh doanh khép kín 3F Plus hướng đến sản xuất thực phẩm an toàn và chất lượng; đồng thời đưa ra mục tiêu giảm khí thải nhà kính hướng đến là doanh nghiệp không phát thải Net Zero vào năm 2050.
C.P. Việt Nam cũng gia tăng sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng sinh học, năng lượng biogas, năng lượng xanh. Theo đó ở trang trại sẽ xử lý chất thải vật nuôi làm khí gas sử dụng cho các hoạt động sản xuất hàng ngày. Và trên các áp mái của nhà máy trang trại văn phòng đang dần dần lắp ráp các tấm pin năng lượng mặt trời và dự kiến năm 2024 lắp đặt khoảng 37MW. “Trước đó, trong năm 2021 chúng tôi đã ngưng sử dụng than đá trong tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng đến một môi trường sản xuất bền vững, giảm phát thải, giảm tác động đến môi trường”- bà Hồng cho biết.
Ngoài ra, theo bà Hồng, doanh nghiệp đã áp dụng chính sách bao bì bền vững trong sản xuất kinh doanh đó là “100% bao bì thực phẩm có thể tái chế, tái sử dụng và có thể phân hủy, đồng thời giảm thiểu các loại bao bì không cần thiết. “Ở trại giống thủy sản, dùng các thùng nhựa thay cho các túi nylon nhằm giảm thiểu nhựa và nâng cao tỷ lệ sống của con giống. Trong nhà máy sản xuất thay thế các túi đựng bán thành phẩm trên dây chuyền sản xuất bằng các khay nhôm, nhựa có thể làm vệ sinh và tái sử dụng; còn ở các cửa hàng bán lẻ, áp dụng các túi vải, hộp nhựa và khuyến khích người tiêu dùng tái sử dụng khi mua hàng”- bà Hồng chia sẻ thêm.
Ở lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, Unilever Việt Nam cho biết trong phạm vi nội bộ, doanh nghiệp đã sớm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” trong toàn bộ hoạt động vận hành nội bộ của mình từ năm 2021, sớm 9 năm so với cam kết toàn cầu của tập đoàn. Điều này đạt được thông qua nhiều sáng kiến chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, tiết kiệm điện năng, tái chế và tái sử dụng, kinh tế tuần hoàn… Toàn bộ nhiên liệu vận hành lò hơi ở tất cả các cụm nhà máy của Unilever trên toàn quốc được sử dụng từ viên nén sinh khối (biomass) tái chế từ phụ phẩm nông nghiệp như gỗ, vụn trấu… thay thế cho các nhiên liệu hóa thạch (diesel).
Các sáng kiến trong vận hành này đã giúp Unilever loại bỏ trung bình gần 10.000 tấn CO2 mỗi năm kể từ 2007 tới nay và giúp tiết kiệm hàng trăm ngàn Euro mỗi năm. Ngoài ra, để giảm phát thải gián tiếp từ tiêu thụ điện năng, hướng tới mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo, Unilever Việt Nam đã bổ sung chứng chỉ năng lượng tái tạo IREC đối với nguồn điện đang sử dụng tại tất cả các nhà máy, văn phòng và trung tâm phân phối. Điều này có nghĩa là toàn bộ lượng carbon phát thải qua điện năng tiêu thụ được xem là carbon tích cực.
Trong toàn bộ chuỗi giá trị, trên thực tế, phần lớn lượng phát thải carbon đến từ hoạt động thượng nguồn và hạ nguồn: như từ nguyên liệu thô đầu vào, vận chuyển nguyên liệu, đến các hoạt động sản xuất của nhà máy, sau đó là quá trình kho vận, phân phối, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Vì vậy, để thực hiện các mục tiêu khí hậu một cách tổng thể, Unilever đã cùng hơn 200 đối tác trong toàn chuỗi cung ứng cam kết hành động vì khí hậu thông qua hợp tác xây dựng chuỗi giá trị không phát thải carbon đến năm 2039.
Unilever cũng đã triển khai nhiều mô hình sáng kiến trong quản lý rác thải nhựa bền vững thông qua mô hình hợp tác công tư cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường từ năm 2020, mô hình kinh tế tuần hoàn thu gom và tái chế bao bì nhựa hợp tác cùng các đối tác như Duy Tân, Vietcycle… Cho đến nay, Unilever đã đạt cột mốc giảm hơn 50% nhựa nguyên sinh sử dụng trong bao bì, 63% bao bì có khả năng tái chế, thu gom và xử lý hơn 20.000 tấn rác thải nhựa, hỗ trợ sinh kế và cải thiện điều kiện vệ sinh, an toàn lao động, phúc lợi xã hội cho hơn 2.500 lao động nữ trong lực lượng lao động thu gom phi chính thức.
“Chúng tôi cam kết xây dựng chuỗi giá trị xanh phi phát thải như là cốt lõi của mô hình kinh doanh bền vững và trên thực tế đã tiên phong đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” trong toàn bộ hệ thống vận hành của mình từ năm 2021. Không chỉ dừng lại ở đó, Unilever cũng tiếp tục lan tỏa và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh này tới hệ thống hàng trăm các đối tác trong toàn bộ chuỗi giá trị, trở thành lực đẩy cho sự chuyển mình mang tính hệ thống của nền kinh tế”- bà Lê Thị Hồng Nhi – Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại Unilever Việt Nam cho biết.
Cuộc đua tăng trưởng xanh trong các ngành sản xuất tại Việt Nam
Trong lĩnh vực xây dựng, đại diện của Sika Việt Nam cho biết, tại sự kiện BCI Equinox 2023 chủ đề “Net Zero và Giải pháp năng lượng” tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh vào ngày 24/8, doanh nghiệp này đã công bố lộ trình hướng đến mục tiêu giảm phát thải nhà kính với những chỉ số rõ ràng được hệ thống hóa và báo cáo hàng năm của tập đoàn.
Cụ thể, Sika công bố các số liệu cụ thể đo lường được qua 5 năm vận hành theo chiến lược bền vững 2018 – 2023 bao gồm tiết kiệm 25.000 triệu lít nước nhờ SikaGrind® – dòng phụ gia đặc thù sử dụng trong sản xuất xi măng; giảm 10% KWh trên mỗi tấn xi măng sản xuất; giảm 30-40% lượng khí thải CO2 so với xi măng thông thường nhờ công nghệ đất sét nung. Hơn thế nữa, giải pháp và thông tin phụ gia Sika giúp giảm đến 50% lượng clinker nhận được sự ủng hộ của các chuyên gia xây dựng đầu ngành.
Bên cạnh đó, Sika khẳng định cam kết tiếp tục nghiên cứu, triển khai công nghệ và sản phẩm mới, hướng tới đạt “Net Zero Carbon”. Qua việc công bố các hành động thiết thực ở quy mô toàn cầu đến địa phương như cung cấp giải pháp thay thế xi măng Portland; màng chống thấm tái chế; quy trình tái chế bê tông với công nghệ độc quyền reCO2ver; giảm hàm lượng xi măng trong vữa; giảm lượng clinker trong sản xuất xi măng; thu hồi nhiệt thải từ sản xuất.
Doanh nghiệp Việt nhập cuộc ra sao?
Cùng với các doanh nghiệp FDI, trong hành trình hướng tới phát triển bền vững mặc dù doanh nghiệp Việt có phần chậm hơn song vẫn có những doanh nghiệp đang thực hiện khá bài bản và đạt thành tựu bước đầu. Trong đó, ở lĩnh vực dệt may những cái tên như May 10, May Đức Giang hay Thành Công… đang đầu tư mạnh mẽ vào sản xuất xanh.
Theo đó, Tổng công ty Ðức Giang đã tạo ra các sản phẩm được sản xuất trong các nhà máy sử dụng năng lượng mặt trời, nguồn nước sạch và thân thiện với môi trường. Các sản phẩm thời trang của tổng công ty được nghiên cứu, phát triển dựa trên các nguyên liệu tái chế, có nguồn gốc từ tự nhiên như sợi vải vỏ hàu, sợi vải cà-phê, sợi bạc hà,… đã được khách hàng đón nhận, tin dùng.
Hay với Công ty CP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (TCM), ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT của TCM cho biết, doanh nghiệp xác định sản xuất thời trang xanh là xu hướng và từ năm 2015 đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu và phát triển kinh doanh (R&D), đồng thời đầu tư bài bản cho nguồn nhân lực, tuyển dụng các sinh viên học ngành thời trang xuất sắc của Trường Đại học Bách khoa.
Theo ông Tùng, việc thành lập trung tâm R&D giúp TCM có 3 dòng sản phẩm chính là dòng sản phẩm thân thiện với môi trường (tái chế từ chai nhựa, mía, bắp, quần áo cũ…); dòng sản phẩm tính năng theo mùa và dòng sản phẩm tiện dụng cho cuộc sống.
Ở lĩnh vực nhựa, hàng tiêu dùng hay thực phẩm, các tên tuổi như Nam Thái Sơn, Vinamilk, Masan, PAN… cũng đã có những thay đổi trong sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Dù vậy, ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội tái chế chất thải Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang sụt giảm, để có thể lựa chọn hướng phát triển xanh vừa phù hợp nội lực của doanh nghiệp Việt Nam, vừa đáp ứng tiêu chuẩn xanh mà các thị trường quốc tế đang áp dụng là vấn đề không dễ. Đó là chưa kể để chuyển đổi sang sản xuất xanh, doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều rào cản, mà đứng đầu trong đó là công nghệ và chi phí. Cùng với đó, tại Việt Nam chưa có cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế xanh.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị