Cầu Trần Hưng Đạo phải có kiến trúc hiện đại, công nghệ xây dựng tiên tiến, gắn với văn hóa Hà Nội
(Xây dựng) – Sau khi có kết quả tuyển chọn phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo (nằm trong địa phận của Thành phố Hà Nội) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông (Bộ Giao thông vận tải) tổ chức, dư luận đã có nhiều ý kiến về việc đa số Hội đồng tuyển chọn cho điểm cao nhất với phương án 3 của Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải TEDI là phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo mang phong cách cổ điển “xứ Đông Dương”.
Cầu Trần Hưng Đạo, Hà Nội mang phong cách cổ điển “xứ Đông Dương” (Ảnh: Viện Kiến trúc Quốc gia). |
Cầu Trần Hưng Đạo có vai trò kết nối về giao thông giữa hai bờ sông Hồng chảy qua khu nội đô lịch sử của Hà Nội (gọi tắt là bờ Nam) sang bên kia là khu vực phát triển đô thị mới của Hà Nội thuộc quận Long Biên (gọi tắt là bờ Bắc). Quy hoạch xây dựng cầu Trần Hưng Đạo nằm trong nội dung Quy hoạch chung của Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đặc biệt, cầu góp phần giải tỏa lưu lượng phương tiện giao thông, con người trong khu nội đô lịch sử Hà Nội và tạo cơ hội thúc đẩy sự phát triển nhanh, mạnh của khu vực đô thị bờ Bắc sông Hồng.
Theo quan điểm cá nhân, tôi nhận thấy việc nghiên cứu thiết kế cầu Trần Hưng Đạo cần quan tâm và làm rõ một số nội dung sau. Về quy mô, cầu Trần Hưng Đạo với bờ Bắc kết nối trực tiếp với khu nội đô lịch sử của Hà Nội, tại ngã năm Trần Hưng Đạo – Trần Thánh Tông, thuộc địa bàn phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm. Có thể nói, cây cầu đi thẳng vào vùng trung tâm của Thủ đô Hà Nội. Vì vậy, quy mô và tính chất của cây cầu cần được xác định rõ. Nó sẽ không giống với các cây cầu nằm trên tuyến giao thông quốc lộ, tỉnh lộ.
Hiện nay, các nước trên thế giới rất hạn chế phát triển những cây cầu lớn đi trực tiếp vào khu vực trung tâm Thành phố vì quy mô cầu càng lớn thì lưu lượng phương tiện và con người tham gia giao thông càng tăng, khí thải độc hại cho môi trường, chất tải lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị cũng tăng theo. Trong khi đó, khu vực trung tâm thành phố vốn là chỗ đông người với quy hoạch chặt chẽ và hệ thống đường giao thông đã được định hình cố định.
Cầu Trần Hưng Đạo đi thẳng vào vùng lõi trung tâm của Thủ đô Hà Nội do vậy việc xem xét quy mô cho phù hợp là rất cần thiết. Như chúng ta đều biết, khu vực nội đô lịch sử Hà Nội là khu vực hạn chế phát triển và tránh tối đa sự can thiệp của con người vào cấu trúc đô thị đã định hình và hạn chế tăng dân cư… Do đó, cầu Trần Hưng Đạo chỉ cần thiết kế giao thông ôtô với tối đa 4 làn xe. Trong đó, 2 làn xe từ bờ Nam sang bờ Bắc để giải tỏa nhanh con người và phương tiện từ nội đô đi ra. 1 làn xe từ bờ Bắc sang bờ Nam đi vào hướng trung tâm nội đô là khu phố cổ, khu phố cũ Hà Nội để hạn chế con người và phương tiện từ bên ngoài vào khu vực này. 1 làn xe từ bờ Bắc sang bờ Nam kết nối thẳng với tuyến giao thông đi theo hướng ra bên ngoài nội đô lịch sử Hà Nội.
Vị trí dự kiến xây dựng cầu Trần Hưng Đạo trên mặt bằng khu vực 4 cây cầu đi vào và tiếp giáp với nội đô lịch sử Hà Nội (Ảnh: Viện Kiến trúc Quốc gia). |
Về tính chất, với vị trí của mình, cầu Trần Hưng Đạo phải được xác định ngoài yếu tố phục vụ giao thông cơ giới thì đó còn là cây cầu cảnh quan, tô điểm cho văn minh, văn hóa của người Hà Nội. Vì vậy, nó sẽ là nơi để dân cư trong khu nội đô lịch sử của Hà Nội cũng như khách du lịch trong nước và quốc tế được vãn cảnh, thưởng thức không khí trong lành và phóng tầm mắt để cảm nhận cái đẹp kiến trúc cảnh quan Thủ đô của 2 bên bờ sông Hồng. Do đó, ngoài việc bố trí giao thông cho phương tiện cơ giới thì cầu nên dành riêng tuyến giao thông cho người đi bộ, tiểu cảnh và những ban công lớn làm điểm dừng chân, vãn cảnh… cho dân cư.
Về ngôn ngữ và hình thức kiến trúc, cầu Trần Hưng Đạo sẽ kết nối về giao thông giữa hai bờ sông Hồng chảy qua khu trung tâm nội đô lịch sử của Hà Nội sang bên kia là khu vực phát triển đô thị mới của Hà Nội thuộc quận Long Biên. Với vị trí này, có thể nói cầu Trần Hưng Đạo sẽ là điểm kết nối giữa kiến trúc đô thị được hình thành theo lịch sử phát triển của Hà Nội (quá khứ) với kiến trúc đô thị Hà Nội đã và đang được hình thành của Thế kỷ XXI và tương lai. Vì vậy, ngôn ngữ và hình thức kiến trúc của cầu Trần Hưng Đạo cần phải là kiến trúc của ngày hôm nay, gắn với văn hóa của người Hà Nội, với kiến trúc hiện đại và công nghệ xây dựng cầu tiên tiến nhất của ngày hôm nay.
Sau này, theo dòng phát triển của lịch sử, cây cầu sẽ trở thành gạch nối giữa 3 giai đoạn: Quá khứ (khu nội đô lịch sử Hà Nội) – hiện tại (cầu Trần Hưng Đạo) – tương lai (khu vực đô thị bờ Bắc Sông Hồng thế kỷ XXI và tiếp theo).
Mặt khác, các cây cầu bắc qua sông Hồng đều có chiều dài lớn (2 – 5km). Việc nghiên cứu bước nhịp của cầu và kiến trúc các mố, trụ cầu cần được hết sức lưu ý vì nó sẽ tác động trực tiếp tới hình ảnh cây cầu, cần hướng tới là thanh mảnh, nhẹ nhàng và duyên dáng.
Về việc giải quyết kiến trúc cầu ăn nhập với kiến trúc cảnh quan có đặc thù riêng của 2 bên đầu cầu, bài toán này khá đơn giản vì chỉ cần tạo ra không gian mở đủ lớn ở 2 bên đầu cầu để xử lý cảnh quan, kiến trúc nhỏ tạo sự kết nối, liên tục với kiến trúc chính của khu vực bên trong đô thị.
Cận cảnh nơi dự kiến xây dựng cầu Trần Hưng Đạo – Hà Nội, phía bờ Nam (Ảnh: Viện Kiến trúc Quốc gia). |
Với những suy nghĩ trên, thiết nghĩ phương án thiết kế cầu Trần Hưng Đạo phải rất độc đáo, chất lượng, mang ý nghĩa văn hóa và nhân văn sâu sắc, phản ánh được trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến nhất của thời đại, được đa số giới chuyên môn và cộng đồng dân cư đồng thuận. Quá trình nghiên cứu thiết kế cầu Trần Hưng Đạo cần huy động được nhiều chuyên gia, kiến trúc sư trong nước và quốc tế tham gia…
ThS. KTS Đỗ Thanh Tùng
Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia
Nguồn: Báo xây dựng