Thúc đẩy nhận thức về sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp

Đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp là yếu tố chính giúp tăng trưởng bền vững, thúc đẩy sự phát triển trong bối cảnh mới. Khả năng đổi mới sáng tạo của một doanh nghiệp bao gồm khả năng ứng phó với các điều kiện thay đổi của bối cảnh, tìm kiếm cơ hội mới, tận dụng kiến thức, sự sáng tạo của mọi người trong doanh nghiệp và phối hợp các bên liên quan bên ngoài.

Trong đó, doanh nghiệp thực hiện các sáng kiến, hoạt động đổi mới sáng tạo cần giải quyết vấn đề sở hữu trí tuệ dưới các hình thức khác nhau vì sở hữu trí tuệ gắn chặt chẽ với đổi mới sáng tạo.

 Quản lý sở hữu trí tuệ hiệu quả cho phép doanh nghiệp tối ưu hóa tài sản trí tuệ để tối đa hóa lợi ích liên quan đến đổi mới sáng tạo. Ảnh minh họa.

Sở hữu trí tuệ (Intellectual Property, IP) đề cập đến những sáng tạo độc đáo, giá trị gia tăng dựa trên trí tuệ con người, kết quả từ sự khéo léo, sáng tạo của con người. Sở hữu trí tuệ là một loại tài sản, còn quyền sở hữu trí tuệ (Intellectual Property Rights, IPR) là các quyền phát sinh từ các loại sở hữu trí tuệ khác nhau.

Quản lý sở hữu trí tuệ hiệu quả cho phép doanh nghiệp tối ưu hóa tài sản trí tuệ để tối đa hóa lợi ích liên quan đến đổi mới sáng tạo, đồng thời giảm thiểu rủi ro và chi phí. Quản lý sở hữu trí tuệ cho phép hợp tác với các đối tác, đối thủ cạnh tranh và khách hàng, nâng cao kết quả đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Quản lý sở hữu trí tuệ có thể tạo ra giá trị thông qua hợp tác và là động lực mới về doanh thu của doanh nghiệp.

Nói cách khác, quản lý tài sản trí tuệ bao gồm các hoạt động nhằm hình thành, phát triển và khai thác tài sản trí tuệ; giữ gìn, bảo vệ và phát triển giá trị của tài sản trí tuệ; quản lý và sử dụng nguồn thu từ khai thác thương mại tài sản trí tuệ…

Để thiết lập, triển khai, bảo trì và cải tiến liên tục việc quản lý tài sản trí tuệ, doanh nghiệp cần thúc đẩy nhận thức về sở hữu trí tuệ trong toàn doanh nghiệp thông qua:

Thứ nhất, sự giám sát về chính sách và quy trình quản lý tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, chiến lược quản lý tài sản trí tuệ của doanh nghiệp. Thứ hai, chỉ định một thành viên của nhóm quản lý cấp cao chịu trách nhiệm trực tiếp theo dõi việc thực hiện chính sách, quy trình quản lý tài sản trí tuệ của doanh nghiệp.

Thứ ba, cung cấp cho nhân viên hiểu về các chính sách quản lý tài sản trí tuệ; yêu cầu về vai trò, đóng góp của nhân viên đối với quản lý tài sản trí tuệ trong công việc hàng ngày. Thứ tư, đảm bảo nhân viên am hiểu về quy trình, phương pháp quản lý tài sản trí tuệ; nhận thức được các hệ lụy và hậu quả của việc không tuân thủ các yêu cầu của doanh nghiệp đối với việc quản lý tài sản trí tuệ.

Bên cạnh đó, để thực hiện việc cải tiến quản lý tài sản trí tuệ, doanh nghiệp cần cung cấp và duy trì môi trường làm việc cho phép khuyến khích tất cả các cấp quản lý thúc đẩy và thể hiện cam kết đối với việc quản lý tài sản trí tuệ. Môi trường làm việc của doanh nghiệp cũng bảo đảm cung cấp cơ sở hạ tầng, nguồn lực và các công cụ cần thiết cho hoạt động quản lý tài sản trí tuệ hiệu quả.

Doanh nghiệp cũng cần thực hiện việc phân cấp, trao quyền cho nhân viên đưa ra các quyết định quản lý tài sản trí tuệ hợp lý trong công việc hàng ngày, đồng thời khuyến khích sự tham gia và phản hồi thích hợp của nhân viên trong các quy trình quản lý tài sản trí tuệ. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần xây dựng các chính sách ưu đãi để công nhận thành tích của cá nhân có thành tích xuất sắc trong quản lý tài sản trí tuệ.

Mai Phương

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích