Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp

(Xây dựng) – Năm 2020, ông Phạm Ngọc Hoàng (Đồng Nai) nhận chuyển nhượng 10ha đất trồng cây hằng năm. Năm 2021, ông nhận chuyển nhượng 15ha đất trồng cây lâu năm và năm 2022, ông nhận chuyển nhượng 15ha đất trồng lúa.

Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp
Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân được quy định tại Điều 129, Điều 130 Luật Đất đai năm 2013 và Điều 44 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP.

Hiện nay, ông Hoàng nhận chuyển nhượng thêm khoảng 3ha đất trồng lúa, Văn phòng Đăng ký đất đai cho biết ông đã vượt hạn điền đất nông nghiệp là 40ha (10ha + 15ha + 15ha). Ông Hoàng hỏi, như vậy có đúng không?

Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:

Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân được quy định tại Điều 129, Điều 130 Luật Đất đai năm 2013 và được quy định chi tiết tại Điều 44 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ.

Theo đó, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng cây hằng năm, đất trồng cây lâu năm của mỗi hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích nông nghiệp, cụ thể như sau:

Đất trồng cây hằng năm: Không quá 30 héc ta cho mỗi loại đất đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực Đông Nam bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long; không quá 20 héc ta cho mỗi loại đất đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại.

Đất trồng cây lâu năm: Không quá 100 héc ta đối với các xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 300 héc ta đối với các xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp bao gồm nhiều loại đất (đất trồng cây hằng năm, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất là rừng trồng, đất nuôi trồng thủy sản và đất làm muối) thì hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đó được xác định theo từng loại đất.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích