Bản Ven, điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn tại vùng đất Yên Thế

Bản Ven, điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn tại vùng đất Yên Thế

 Trong ngày 2/9, điểm du lịch cộng đồng bản Ven, xã Xuân Lương, huyện Yên Thế (Bắc Giang) thu hút lượng du khách lớn đến tham quan, trải nghiệm, vui chơi, trong đó có nhiều đoàn khách ngoài tỉnh. 

Nằm trên trục Quốc lộ 17, cách trung tâm thị trấn Phồn Xương, huyện Yên Thế 14 km về phía Tây Bắc, cách trung tâm TP Bắc Giang khoảng 45 km và cách thủ đô Hà Nội khoảng 85km là bạn đã đến với bản Ven – khám phá điểm du lịch cộng đồng thú vị và hấp dẫn. 

Chúng tôi về thăm điểm du lịch cộng đồng bản Ven, xã Xuân Lương, huyện Yên Thế (Bắc Giang) vào những ngày thu tháng 9 năm 2023. Khám phá, tận hưởng cảnh sắc thiên nhiên mát mẻ, trong lành giữa đại ngàn của núi rừng Yên Thế. Hòa mình, tĩnh lặng vào không gian nghe tiếng lá cây xào xạc trong gió, tiếng chim hót véo von, tiếng nước suối chảy thì thầm, róc rách, kèm âm thanh rì rào của thác đổ tạo nên bản nhạc hòa tấu nhạc rừng làm say lòng du khách. 

tm-img-alt
Công nhận điểm du lịch cộng đồng bản Ven

Xã Xuân Lương có diện tích tự nhiên là 2.520,72 ha, tổng diện tích rừng là 1.335,8 ha (rừng trồng và rừng tự nhiên), độ che phủ rừng là 53,1%. Dân số 6.848 nhân khẩu, xã có 14 bản với 15 dân tộc chung sống, dân tộc thiểu số chiếm 35%. Với tiềm năng thiên nhiên ưu đãi sẵn có và truyền thống văn hóa, đậm đà bản sắc dân tộc là một lợi thế cho phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng. 

Tìm hiểu về dân tộc Cao Lan ở bản Ven, xã Xuân Lương, Trưởng bản Trần Văn Kính, 48 tuổi (dân tộc Cao Lan) phấn khởi chia sẻ: “Bản Ven có tổng số 148 hộ gia đình với 562 nhân khẩu. Đồng bào dân tộc Cao Lan là 141 hộ chiếm 95,2%, dân tộc Kinh có 07 hộ dân ở tỉnh Hưng Yên lên vùng đất này lập nghiệp vào khoảng năm 1984-1985. Mấy năm gần đây, tốc độ xã hội phát triển công nghiệp, gây ảnh hưởng đến môi trường. Du khách hướng tìm về gần gũi với thiên nhiên rừng núi, hưởng không khí trong lành nghỉ ngơi, yên tĩnh”. 

“Vào dịp lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, các con nghỉ hè cả nhà thường đi tham quan, du lịch sinh thái và  trải nghiệm rất thú vị. Ở điểm du lịch bản Ven bình quân hàng ngày có hàng chục du khách đến tham quan, trải nghiệm. Các ngày thứ 7 và CN, ngày lễ, tết, lượng khách rất đông tới hàng trăm du khách/ngày từ khắp các nơi đổ về như: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn lui tới”, ông Kính cho biết thêm.

tm-img-alt
Du khách trải nghiệm hái chè cùng bà con dân bản Ven

Theo ông Ngô Cao Kiên, Giám đốc Công ty cổ phần phát triển du lịch cộng đồng Bản Ven Xanh cho biết, điểm du lịch nhận được hơn 30 hợp đồng đăng ký đặt ăn trước của các đoàn (mỗi đoàn 20-30 người) từ ngày 1 đến 3/9, trong đó khoảng 60% là khách ngoài tỉnh. Dự kiến trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, nơi đây đón hơn 10 nghìn lượt khách tham quan.

tm-img-alt
Mô hình trang trại nuôi cừu thu hút nhiều trẻ em đến tham quan, trải nghiệm.

Tới bản Ven, bạn sẽ được trải nghiệm khám phá đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc Cao Lan nơi đây như: Hái chè cùng bà con bản địa trên các nương, đồi chè xanh trải dài xa tít ngút tầm mắt; thưởng thức chè bản Ven mang hương vị thơm mát, uống xong vẫn có cảm giác vị ngòn ngọt nơi đầu lưỡi; nếm mật ong rừng tự nhiên; đặt cơm với các món như thịt lợn rừng, lợn mán, lợn quay lá mắc mật, gà đồi Yên Thế, xôi ngũ sắc, xôi trứng kiến, ốc khe, măng đắng, rau rớn, hoa chuối rừng…

Tại điểm du lịch cộng đồng bản Ven, du khách có thể thoải mái lựa chọn những bộ trang phục dân tộc Cao Lan hoặc các bộ đồ phong cách riêng theo ý mình để Check-in lưu lại những kỷ niệm đáng nhớ dịp hè. 

tm-img-alt
Chị Phạm Thị Hiển cùng các bạn họp khoá cấp 3

Chị Phạm Thi Hiển, 50 tuổi, ở xã Tân Trung, huyện Tân Yên (Bắc Giang) vui vẻ cảm nhận: “Khu này yên tĩnh, cảnh rất đẹp, cách trung tâm huyện Yên Thế có hơn chục cây số. Ngày nghỉ, thỉnh thoảng gia đình em và bạn bè lại rủ nhau lên đây vui chơi và nghỉ ngơi rất thỏa mái, được xả tress sau những ngày làm việc căng thẳng. sáng đi tối về vẫn thoải mái thời gian. Từ đây còn có thể đi tới các điểm vui chơi như hồ Ngạc Hai, thác Ngà, cây lim Xanh nghìn tuổi… mùa hè những hôm trời nắng nóng mà vào thác Ngà mà tắm thì thôi rồi! mát lạnh mãi chả muốn về”.

tm-img-alt
Họp khoá lớp E-D, Trường THPT Tân Yên số 1 khoá 1987-1990

Cộng đồng người Cao Lan ở bản Ven còn lưu giữ được nhiền giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, từ kiến trúc nhà sàn đến nét sinh hoạt truyền thống hàng ngày. Nhà sàn Cao Lan thường là ba gian hai chái; phần khung nhà có kết cấu giằng néo, dầm dưới xà trên, có câu đầu, kèo dốc dài xuống gần đến phần sàn nhà; mái nhà thường được lợp bằng lá cọ. gồm 4 mái, 2 mái chính và hai mái chái nhỏ hơn. Kề với nhà lớn thường có thêm nhà phụ, phần sàn nhà là nơi để các loại lương thực, thực phẩm như thóc, ngô, khoai và dụng cụ lao động. Cửa sổ phòng ngủ có thể mở ra, khép lại đảm bảo sự thông thoáng và sinh hoạt riêng tư.

tm-img-alt
Một nhà sàn – điểm dừng chân cho khách tham quan

Người Cao Lan còn lập Thổ kỳ tại những gốc cây to trong làng để thờ các vị thần, thờ thổ công, thổ địa cai quản làng, mang ý nghĩa bảo vệ sự bình an, cầu mong sự che chở cho người dân bản làng luôn gặp may mắn, mưa thuận, gió hòa.

Quần áo của người Cao Lạn có họa tiết riêng, dưới gấu áo đáp liền nhau những miếng vải trắng, hình vuông. Do chiếc áo không sử dụng hai dải vải màu, thường là màu xanh và đỏ để làm thắt lưng bên ngoài. Hai bên cổ áo may đáp vải trắng, đen xen kẽ, trong đó vải đen có thêu các hoa văn theo truyền thống của người Cao Lan. 

tm-img-alt
Du khách check-in kỷ niệm trên cây cầu cạn tại điểm du lịch

Từ điểm du lịch cộng đồng bản Ven, du khách có thể tiếp tục hành trình khoảng 3,0 km, tới thác Ngà bản Xoan, xã Xuân Lương, tại đây bạn sẽ được ngắm dòng thác từ trên cao mấy chục mét đổ xuống giữa khu rừng già. Dọc đường vào thác ta sẽ bắt gặp gần trăm thùng ong mật của người dân bản địa nuôi trong rừng sâu để tận hưởng nguồn mật hoa rừng tự nhiên rừng già hoang dã.

Từ điểm đỗ xe ngay bìa rừng tự nhiên, du khách sẽ đi bộ ngược theo khe suối khoảng 300 m để lên chiêm ngưỡng dòng thác Ngà của bản Xoan, xã Xuân Lương.

Dòng thác Ngà cao hơn 20 m mét thả mình như dải lụa, tuôn nước chảy theo sườn núi tung bụi nước như những hạt mưa bay, mát lạnh khắp cả khu vực xung quanh. 

Trong không gian lao động, sản xuất và sinh hoạt thường ngày, người Cao Lan ở bản Ven còn thành lập có câu lạc bộ hát Sình ca. Là món ăn văn hoá tinh thần không thể thiếu được bảo tồn, lưu truyền từ người già đến thanh niên, trẻ nhỏ, ai cũng say mê Sình ca, bởi nó không chỉ là những bài hát giao duyên của trai gái, mà còn là những bài hát ca ngợi sản xuất, hát “phụng” thổ công và thần nông, hát mừng nhà mới, hát ru con, hát đố, hát ghẹo… Qua những làn điệu Sình ca, có thể gửi gắm những tâm tư, tình cảm, ước nguyện vọng với thiên nhiên và thần linh… 

tm-img-alt
Cây lim xanh nghìn năm tuổi ở bản Nghè, xã Xuân Lương cao khoảng 50 m, có chu vi 6-7 người ôm. Năm 2016, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã công nhận cây lim Xanh nghìn năm tuổi là cây di sản Việt Nam. Đây là cây cổ thụ hiếm hoi còn sót lại ở vùng rừng núi phía Bắc

Khi có dịp gặp nhau, người Cao Lan hát cho nhau nghe những bài hát ca ngợi cảnh đẹp quê hương, bản làng. Trong lúc lao động vất vả, mệt nhọc, họ thường cất lên tiếng hát làm mệt mỏi xua tan. Làn điệu Sình ca với nhiều nội dung ý nghĩa, cầu chúc nhau sức khỏe, hạnh phúc, chúc những vụ mùa bội thu, tươi tốt. Trai gái chưa có gia đình làm quen nhau mong được bén duyên, họ hát những làn điệu dân ca để ngỏ ý giao duyên và hẹn ước làm tin…

“Xu thế du lịch hiện nay, du khách đang hướng tới loại hình du lịch sinh thái – cộng đồng, trải nghiệm và khám phá. Từ bản Ven, du khách có thể đi tham quan các điểm, địa danh du lịch sinh thái trong xã như: Thác Ngà, thác Lũng Tình (bản Xoan); hồ Suối Ven (bản Ven); cây Lim nghìn năm tuổi (bản Nghè); hồ Ngạc Hai (bản Đồng Gia, Cầu Nhãn, Làng Trên); Đình Xuân Lung; Chùa Minh Xuân. Với lòng nhiệt tình hiếu khách nồng hậu của người dân bản địa và cảnh sắc nơi đây, hy vọng, du lịch cộng đồng bản Ven sẽ là điểm đến không thể bỏ qua của du khách mỗi khi đến tham quan du lịch Bắc Giang. Hướng tới điểm du lịch cộng đồng bản Ven sẽ dần phát triển hội nhập, kết nối với các tua du lịch trong, ngoài tỉnh biết đến” ông Thân Văn Dần – Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lương chia sẻ ./.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích