Từ thiện và bài học đắt giá cho Nghệ sĩ
Từ thiện và bài học đắt giá cho Nghệ sĩ
Việc kêu gọi quyên góp cộng đồng nhưng không minh bạch rõ ràng khiến nhiều nghệ sĩ Việt đang chịu ảnh hưởng nặng nề về danh tiếng.
Có tâm nhưng thiếu tầm
Truyền thống tương thân, tương ái, “Lá lành đùm lá rách” đã trở thành nghĩa cử cao đẹp của dân tộc Việt Nam nên khi đất nước khó khăn bất cứ ai cũng đều sẵn sàng góp sức dù ít dù nhiều, không nề hà vất vả.
Là những người có tầm ảnh hưởng lớn đối với công chúng, người nghệ sĩ thấu hiểu được vị trí, tiếng nói của mình trong lòng người hâm mộ và cũng chính điều đó đã giúp họ nối dài những dự án cộng đồng, từ thiện. Minh chứng rõ nét có thể thấy qua những “con số trong mơ” mà họ nhận được khi kêu gọi quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung 2020 như ca sĩ Thủy Tiên trong 7 ngày đã huy động được hơn 100 tỷ đồng hay chỉ trong 24 giờ NSƯT Hoài Linh đã kêu gọi được 3,2 tỷ đồng.
Từ thiện luôn xuất phát từ trái tim, đặc biệt với nghệ sĩ – những người sống rất tình cảm nên luôn muốn chia sẻ sự yêu thương cho thật nhiều người, đặc biệt người có hoàn cảnh khó khăn. Xuất phát từ tấm lòng, nhưng làm từ thiện không đơn giản như vậy, bởi nó liên quan đến lĩnh vực kinh tế, cần sự sòng phẳng tới từng đồng.
Vấn đề nghệ sĩ làm từ thiện gần đây được đưa ra mổ xẻ, phân tích, bênh vực, chỉ trích từ khi thông tin nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Hoài Linh giữ tiền cứu trợ đồng bào bão lụt miền Trung đến 6 tháng. Sau đó, một số nghệ sĩ khác cũng “giải trình” với cư dân mạng về khoản tiền cứu trợ họ kêu gọi được đã được sử dụng vào mục đích gì. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng thậm chí “cực đoan” đến mức tuyên bố từ nay sẽ dừng vĩnh viễn việc kêu gọi đóng góp. “Sẽ không chuyển dùm ai, không đại diện ai”, Đàm Vĩnh Hưng khẳng định. Thay vào đó, anh vẫn làm từ thiện tự làm theo tiền cá nhân mình và bạn bè thân thiết gom lại với nhau có bao nhiêu thì làm bấy nhiêu!
Có thể nói, chưa bao giờ showbiz Việt lại rối ren đến như vậy. Hàng loạt tên tuổi lớn của làng giải trí bỗng kéo vào ồn ào tiền nong, thậm chí những ngôi sao được công chúng thần tượng bấy lâu còn dính nghi vẫn ăn chặn tiền từ thiện. Khán giả đang dần mất niềm tin vào nghệ sĩ và cách nhìn về người nổi tiếng bỗng ác cảm, đồng thời kéo theo những nghi hoặc, mất niềm tin.
Trước sức ép từ dư luận, Trấn Thành rồi đến Thủy Tiên – Công Vinh công bố sao kê khoản tiền quyên góp để làm từ thiện cho đồng bào miền Trung dịp cuối năm 2020. Với số tiền gần 178 tỷ đồng (theo giấy tờ của ngân hàng), vợ chồng nữ ca sĩ đã nhận hơn 18.000 tờ giấy sao kê.
Tuy nhiên, 1.000 tờ sao kê của Trấn Thành hay 18.000 tờ giấy Thủy Tiên lấy ra từ ngân hàng vẫn chưa đủ để xoa dịu khán giả đại chúng. Đến nay, những tranh cãi vẫn diễn ra.
Đã đến lúc từ thiện phải chuyên nghiệp
Để lòng tốt, câu chuyện từ thiện không trở thành “top” bàn tán của cư dân mạng, anh hùng bàn phím đồng thời không “mắc kẹt” trong vấn đề pháp luật, trước hết, người nghệ sĩ nên học hỏi, rút kinh nghiệm cho mình từ những người đã làm trước đó, có kế hoạch, có phương án quản lý, tổ chức rõ ràng, chấp hành pháp luật đặc biệt đảm bảo tính minh bạch, công khai.
Song song với trách nhiệm của cá nhân thì cơ quan quản lý Nhà nước nên có những quy định về việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ, từ thiện chặt chẽ, thống nhất.
Qua sự việc của Thủy Tiên hay Trấn Thành, giới nghệ sĩ cần nhận thức rõ rằng việc làm từ thiện không chuyên nghiệp, đúng quy trình và không tự giác minh bạch ảnh hưởng nghiêm trọng thế nào đến danh tiếng, uy tín của bản thân; Thậm chí dù làm đúng hay sai, khuất tất hay không, một khi vướng vào tai tiếng tiền từ thiện, nghệ sĩ hoàn toàn có thể bị ảnh hưởng sự nghiệp.
Điều này cho thấy nghệ sĩ làm từ thiện không phải chỉ cần cái “tâm”, mà còn cần cả “tầm”. Từ thiện phải tuân thủ các quy định của pháp luật, phải tổ chức hoạt động một cách khoa học, chuyên nghiệp và bắt buộc phải minh bạch tài chính.
Ông Nguyễn Túc, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, ông có thời gian dài theo dõi những việc liên quan tới các hoạt động làm từ thiện từ cả các tổ chức chính thức và các cả các cá nhân, nghệ sĩ.
Qua đó, ông nhận được nhiều ý kiến bình luận khác nhau về cách làm từ thiện của giới nghệ sĩ.
Trước hết, ông khẳng định, những hành động tương thân, tương ái của nhiều văn, nghệ sĩ là rất đáng trân trọng. Đó là tình cảm, tình yêu thương, chia sẻ với người dân, đất nước trước những khó khăn của thiên tai, dịch bệnh.
Tuy nhiên, ông cũng đề cập tới một hiện tượng khác là hiện tượng làm từ thiện theo kiểu tự phát, thiếu trách nhiệm, nhân việc làm từ thiện để đánh bóng tên tuổi, thậm chí tranh thủ, thiếu minh bạch, làm từ thiện không đến nơi, đến chốn gây bức xúc. Điển hình là hàng loạt những vụ việc ồn ào liên quan tới nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thời gian gần đây.
Ông Nguyễn Túc cho hay, có sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm nói trên là do một số nghệ sĩ đang nhầm vai.
“Mình là cầu nối giữa người muốn làm từ thiện và người cần được giúp nhưng lại cứ nghĩ mình chính là mạnh thường quân, tiền đó là của mình, nhờ có mình mới có được số tiền đó nên ứng xử tùy tiện, thiếu trách nhiệm.
Khi giữ số tiền từ thiện lên tới 14 tỷ trong suốt 6 tháng liền bị phản ứng thì lại ứng xử kiểu chống chế như ủy nhiệm chi, cấp tập giải ngân mà không cần trực tiếp đến tận nơi trao quà cho người dân. Nếu việc giải ngân dễ vậy tại sao không làm ngay từ khi người dân đang lúc khổ sở, khốn đốn nhất?
Cách làm này đã có tâm chưa? Có trách nhiệm chưa? Đã xứng đáng với sự tin tưởng của các mạnh thường quân gửi gắm chưa?
Rồi còn những thông tin về tính thiếu công khai, minh bạch khi sử dụng tiền từ thiện thì phải giải thích thế nào?”, ông Túc chỉ ra hàng loạt những vấn đề.
Chuyên gia truyền thông Lương Trọng Nghĩa cho rằng qua những ồn ào gần đây, nghệ sĩ phải khắc cốt ghi tâm nhiều bài học khi làm từ thiện, đặc biệt là vấn đề tự giác minh bạch, công khai tài chính.
Theo anh, việc chậm trễ minh bạch tiền bạc khiến nghệ sĩ đánh mất uy tín. Người xưa có câu “một lần thất tín, vạn lần bất tin”, khi làm sai hoặc thất tín một lần, khán giả sẽ không tin tưởng nghệ sĩ nữa. Khán giả một khi đã nảy sinh nghi ngờ thì khó lòng chấp nhận việc nghệ sĩ đứng lên kêu gọi từ thiện nữa. Bởi trong mắt khán giả, họ là nghệ sĩ đã có “vết đen” không minh bạch.
“Nhưng dù minh bạch đến bao nhiêu đi chăng nữa, vẫn sẽ luôn có người vừa lòng và người không vừa lòng với hành động của nghệ sĩ. Nên tốt nhất, của mình thì mình làm, từ thiện bằng tiền của bản thân”, chuyên gia truyền thông chia sẻ quan điểm.
Theo Tiến sĩ Trịnh Lê Anh, hoạt động từ thiện là văn hóa, thể hiện nghĩa tình của người Việt Nam trong những giai đoạn khó khăn. Và việc nghệ sĩ đứng ra kêu gọi quyên góp, làm từ thiện cũng nên khuyến khích, cổ vũ. Thông qua các hoạt động kể trên, người nổi tiếng thể hiện được trách nhiệm xã hội trước thời cuộc.
“Nghệ sĩ hay nói rộng ra là những người có ảnh hưởng đối với cộng đồng đều có quyền cá nhân trong việc làm từ thiện. Nhưng ở quy mô nào và mức độ ảnh hưởng ra sao đều phải cân nhắc đến các vấn đề pháp lý cùng trách nhiệm xã hội liên quan”, TS Lê Anh cho biết.
Anh cho rằng việc cá nhân làm từ thiện ở quy mô lớn với số tiền hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng rất khó khăn, đòi hỏi sự tính toán kỹ lưỡng, am hiểu cách thức vận hành, gây quỹ, quản lý quỹ và nắm rõ hành lang pháp lý.
Nếu nghệ sĩ làm từ thiện một cách dễ dãi, xuề xòa, chủ quan sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường.
“Ở xã hội tri thức, ai cũng phải học. Đối với nghệ sĩ, muốn làm từ thiện, trước hết hãy đi học: Học về gây quỹ, quản lý quỹ, đặc thù của hoạt động thiện nguyện, những rủi ro sẽ đến từ sự thiếu minh bạch… Nếu cứ hăng hái bước vào hành trình từ thiện một cách vô tư, thiếu hiểu biết hay nói cách khác là ‘tay không đánh giặc’, nghệ sĩ sẽ sớm gánh chịu hậu quả”, Tiến sĩ nói.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị