Phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia: Nâng cao năng lực xuất khẩu, gia tăng giá trị sản phẩm doanh nghiệp Việt Nam

Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) là hệ thống bao gồm các tổ chức nhà nước, tư nhân; các chính sách; khung pháp lý và chế định tương ứng; các hoạt động cần thiết nhằm hỗ trợ và nâng cao chất lượng, tính an toàn và lành mạnh của sản phẩm, hàng hoá, môi trường, các dịch vụ và quy trình của một quốc gia đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong nước, đẩy mạnh sự thừa nhận của quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ toàn cầu.

Các cấu phần chính của NQI bao gồm các hoạt động về: Tiêu chuẩn hóa, đo lường, công nhận chất lượng, đánh giá sự phù hợp và giám sát, kiểm tra, thanh tra. Những cấu phần này hoạt động độc lập đồng thời có quan hệ tương tác với nhau trong một hệ thống đồng bộ, thống nhất.

Chỉ số Hạ tầng chất lượng toàn cầu

Trên phạm vi toàn cầu, mức độ phát triển NQI của quốc gia được đánh giá và xếp hạng theo Chỉ số Hạ tầng chất lượng toàn cầu (GQII).

Về tiêu chí đánh giá, xếp hạng NQI: Chỉ số GQII sử dụng cơ sở dữ liệu NQI của 184 quốc gia do tổ chức thành viên mạng lưới quốc tế về cơ sở hạ tầng chất lượng cung cấp. Ví dụ: kết quả công bố xếp hạng GQII 2020, nền kinh tế được xếp hạng đầu (Đức) đạt số điểm 99,5 và Việt Nam có tổng điểm là 76,8, xếp hạng 54.

 Trung tâm Giám sát và điều hành thông minh của tỉnh Hải Dương.

Dựa vào Chỉ số GQII, các tổ chức hợp tác quốc tế hoạt động trong lĩnh vực này sẽ có được cái nhìn tổng quan cho các chương trình và dự án của họ. Đồng thời, dữ liệu và xếp hạng GQII phục vụ đánh giá tình trạng phát triển của NQI của quốc gia, nền kinh tế.

Chỉ số GQII 2020 cho thấy rõ mối tương quan chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và hạ tầng chất lượng. Các nền kinh tế chiếm phần lớn thương mại xuất khẩu của thế giới thì hạ tầng chất lượng nhiều sản phẩm xuất khẩu tích hợp tri thức hơn các nước khác. Tóm lại, hạ tầng chất lượng càng phát triển thì năng lực xuất khẩu càng cao và giá trị gia tăng của sản phẩm và dịch vụ này về mặt tri thức càng lớn.

Vai trò của hạ tầng chất lượng quốc gia

Hiện nay, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đang kêu gọi “tái cấu trúc” NQI. UNIDO cho rằng NQI là công cụ tuyệt vời để thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế nhưng cần có những điều chỉnh phù hợp với sự phát triển, đổi mới công nghệ, những mối đe dọa do biến đổi khí hậu, ô nhiễm, suy giảm tài nguyên và phá hủy sinh quyển.

Trong Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (United Nations’ Sustainable Development Goals, SDGs) đã đặt ra mục tiêu NQI đóng góp vào ba trụ cột: con người, sự thịnh vượng và hành tinh bền vững. Đồng thời kiểm soát được việc thực hiện thông qua Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA) trong khuôn khổ khu vực hoặc toàn cầu, giúp các quốc gia thúc đẩy phát triển kinh tế nhưng vẫn bảo vệ sinh thái bền vững và hiệu quả (bằng cách giám sát chất lượng không khí, nước, đất, không gian địa lý, cảnh quan,… thông qua áp dụng các tiêu chuẩn).

Như vậy, NQI là nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững của một nền kinh tế. NQI được coi là điều kiện cần thiết để thị trường thương mại nội địa hoạt động hiệu quả, nền tảng cơ bản của thương mại quốc tế, đóng vai trò tiền đề cho các nước đang phát triển tiếp cận thị trường quốc tế theo nguyên tắc hiện đại và trở thành công cụ nâng cao năng lực cạnh tranh mỗi quốc gia, thúc đẩy và duy trì sự phát triển của các quốc gia trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Kinh nghiệm quốc tế về phát triển NQI

Trên bình diện khu vực và quốc tế, nhiều quốc gia có chính sách, chiến lược thúc đẩy phát triển NQI tùy theo mức độ, yêu cầu phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Một ví dụ cụ thể là trong những năm gần đây, Trung Quốc đẩy nhanh thực hiện các Chương trình, Chiến lược như: “Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới”, “Đề cương Chương trình trung và dài hạn quốc gia về Phát triển Khoa học và Công nghệ (2006-2020)”, “Chiến lược quốc gia về phát triển theo định hướng đổi mới”…

Bên cạnh các Chương trình, Chiến lược nêu trên, nhiều tài liệu khác đều nhấn mạnh NQI cần được chú trọng sự phát triển nhanh hơn nữa. Chính quyền địa phương cũng xây dựng các kế hoạch hoặc hướng dẫn phát triển tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng, đồng thời đề xuất tăng cường xây dựng NQI và nâng cao mức độ tiêu chuẩn hóa.

Với quan điểm tăng cường phát triển năng lực NQI, Trung Quốc đẩy mạnh việc tham gia các hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc tế. Lĩnh vực đo lường được quan tâm phát triển, Trung Quốc trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới có hệ thống đo lường tần số thời gian độc lập và hoàn chỉnh.

Hoạt động chứng nhận và công nhận trong lĩnh vực đo lường ngày càng đóng vai trò tích cực trong quá trình chứng nhận và công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng quy tắc và xây dựng hệ thống thừa nhận lẫn nhau. Hoạt động thử nghiệm, giám định và chứng nhận hội nhập sâu rộng vào hệ thống công nghiệp hiện đại.

Công tác kiểm tra và thử nghiệm đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế và xã hội với “Ba khía cạnh an toàn chính”: An toàn sản phẩm tiêu dùng; an toàn kiểm tra xuất nhập cảnh và kiểm dịch; an toàn thiết bị chuyên dụng trong kiểm tra và thử nghiệm đã đạt được nhiều thành quả quan trọng.

Chiến lược phát triển của Trung Quốc là phát triển NQI nhờ thiết lập các tiêu chuẩn để phát triển trở thành nước công nghiệp hàng đầu thế giới.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đã đặt ra cho Việt Nam cơ hội và thách thức để phát triển NQI. Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ và hội nhập quốc tế đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng được giao triển khai nhiệm vụ nghiên cứu khoa học liên quan đến đề án.

Kết quả nghiên cứu đã đề xuất một số mục tiêu chính của đề án: Mục tiêu chỉ số NQI của Việt Nam đến năm 2035 đạt vị trí trong nhóm từ 40 đến 45 quốc gia hàng đầu trong Bảng xếp hạng GQII; tỷ lệ hài hoà của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn khu vực; phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2030; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên gia, kỹ thuật viên về tiêu chuẩn, đo lường, đánh giá sự phù hợp…

Đồng thời đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp có tính khả thi để thực hiện đề án hiệu quả, đồng bộ. Kết quả của nhiệm vụ sẽ cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn để hoàn thiện đề án trình cấp có thầm quyền phê duyệt.

Bùi Trung Dũng

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích