Cần áp dụng tổng thể, hệ thống các giải pháp phòng, chống tham nhũng

TS Vũ Văn Tiến, Trưởng Ban Tuyên giáo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – tác giả cuốn sách đã dành cho PV Báo Thanh tra một cuộc trò chuyện ngắn.

Article thumbnail

“Nâng cao tinh thần “bút sắc, lòng trong” của báo chí trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, củng cố lòng tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng” là cuốn sách do Nhà xuất bản Công an nhân dân mới phát hành. Ảnh: TN

“Nâng cao tinh thần “bút sắc, lòng trong” của báo chí trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, củng cố lòng tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng” được đánh giá là sự cập nhật thời sự cho sứ mệnh nguyên thủy của báo chí trong giám sát, phản biện xã hội, đấu tranh với tiêu cực, phòng, chống tham nhũng. Điều này có là “điểm mới lạ” với một cuốn sách?

Tính thời sự vốn là phẩm chất của các bài báo. Tôi không thấy “lạ” bởi lẽ trong kỷ nguyên số hóa, việc cập nhật các vấn đề thực tiễn, thời sự nhanh, nóng cho sách cũng là điều cần thiết.

Gần 400 trang sách góp phần nhìn lại chặng đường phát triển, đổi mới hoạt động của báo chí cách mạng Việt Nam trên mặt trận phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với nâng cao tinh thần “bút sắc, lòng trong” của báo chí trong giai đoạn mới.

Đây cũng là thành quả đúc rút từ hoạt động nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn để làm “chất liệu” hình thành nên các bài viết nhằm góp phần tăng cường, phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội, báo chí và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Qua đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và nhân dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời phát hiện, giới thiệu, tuyên truyền những điển hình tiên tiến, những kinh nghiệm hay, những thành tựu, kết quả, những cách làm có hiệu quả của các cơ quan Trung ương, các địa phương, cơ sở trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân. Đó là những câu chuyện có thật, mang tính đúc kết, áp dụng được kinh nghiệm hay nhân rộng điển hình trong thực tiễn.

+ Bên cạnh các mặt hoạt động như hiện tại thì tới đây, báo chí cần phải làm gì để làm tốt hơn nữa sứ mệnh của mình trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm”, thưa ông?

– Trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay, ngoài việc tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vai trò của các cơ quan báo chí còn thể hiện qua việc phản biện chính sách, đề xuất các giải pháp hoàn thiện cơ chế giám sát của các cơ quan, đoàn thể và nhân dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phát hiện, giới thiệu, tuyên truyền những điển hình tiên tiến, những bài học kinh nghiệm, những phương pháp hiệu quả của các cơ quan, ban ngành, địa phương. Những ghi nhận từ thực tế, tiếng nói phản biện của người dân, các chuyên gia thông qua cơ quan báo chí, truyền thông cũng góp phần xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật khi nêu ra những ưu điểm và những điểm chưa thực sự phù hợp của các chính sách với thực tế cuộc sống. 

TS Vũ Văn Tiến, Trưởng Ban Tuyên giáo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: TN

Ông có thể nói rõ hơn những gửi gắm, kỳ vọng để nâng cao hiệu quả công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực?

Có thể khẳng định, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta đã có những bước tiến lớn, khá toàn diện, ngày càng quyết liệt, chặt chẽ và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, đất nước cũng trải qua giai đoạn đối mặt với thực tế chưa có tiền lệ, đó là tình trạng cán bộ “sợ sai”, “né trách nhiệm”, “đùn đẩy”, “dựa dẫm” vào tập thể – đây là “căn bệnh” vô cùng nguy hiểm không kém tham ô, tham nhũng, tha hóa quyền lực. Do đó, đòi hỏi bức thiết của thực tiễn cần có cơ chế để bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Mặt khác, qua việc phát động, tổ chức các giải thưởng, các cuộc thi báo chí với công tác phòng, chống tham nhũng, theo tôi, điều quý nhất được đúc rút ra từ những hoạt động, sự kiện này chính là phát hiện được các bất cập về cơ chế, chính sách, đề xuất các giải pháp khắc phục và nhân rộng các điển hình tốt, phê phán cái xấu, cái sai, cái lệch chuẩn. Và điều tôi mong muốn được gửi gắm trong cuốn sách, đối với báo chí, vấn đề phòng, chống tham nhũng không chỉ là việc của riêng ai mà là nhiệm vụ của cơ quan chủ quản báo chí, tập thể tòa soạn (bao gồm Ban Biên tập, biên tập viên, phóng viên…) vì bảo vệ công lý, sự thật và lẽ phải.

Và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ là tận diệt những “con sâu làm rầu nồi canh” mà cao cả hơn, lớn lao hơn, mục đích của phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là đưa đất nước phát triển bền vững; xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; tạo tiền đề cho xã hội vận hành ổn định; người dân tự giác chấp hành pháp luật… tất cả vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Có thể nói, vai trò của báo chí trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần củng cố lòng tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn hiện nay. Báo chí đang trở thành thứ vũ khí sắc bén, là động lực to lớn trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đang được Đảng ta triển khai quyết liệt, đồng bộ, từ đó góp phần nâng cao uy tín của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là mong muốn của tôi và Nhà xuất bản Công an nhân dân khi quyết định xuất bản cuốn sách mang tính thực tiễn, hơi thở cuộc sống của báo chí trong thời điểm này.

+ Xin cảm ơn ông!

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích