Hà Nội cần mạnh tay với kinh doanh vận tải trá hình

Tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội được các chuyên gia hiến kế bằng nhiều giải pháp khắc phục khác nhau, kéo dài cả thập niên, tuy nhiên hiệu quả vẫn còn ở mức khiêm tốn. Đặc biệt điểm nóng tập trung tại các cửa ngõ ra vào thành phố như Đường vành đai 3; nút giao Trần Duy Hưng – Đại lộ thăng long; nút giao Ngã Tư Sở; nút giao Xuân Thủy – Mai Dịch…

Hiện tượng ùn tắc có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do số lượng phương tiện tăng đột biến vào giờ cao điểm và được lý giải bằng nguyên nhân: đa phần do người tham gia giao thông ở ngoại thành và các tỉnh đổ vào nội thành với những nhu cầu khác nhau như: khám chữa bệnh, trao đổi hàng hóa… bằng phương tiện giao thông cá nhân.

Hà Nội đã tính đến phương án lập vành đai, kiểm soát xe ngoại tỉnh vào các quận nội thành. Tuy nhiên, vấn đề này còn nhiều điểm cần bàn bạc, tính toán để có giải pháp phù hợp. Thêm vào đó, hiện nay có rất nhiều phương tiện vận tải đang trá hình, lách luật để hoạt động kinh doanh vận tải trong nội thành, đây cũng là nguyên nhân gây “nhiễu loạn” mạng lưới giao thông nội đô.

Song song với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, các mạng xã hội như: Facebook, Titok, Zalo… cũng tăng trưởng mạnh với hàng loạt các dịch vụ gia tăng đi kèm. Trong đó có một chức năng tương tác khá cao, được sử dụng làm cầu nối cho mọi nhu cầu của xã hội, đó là các diễn đàn hay các hội nhóm và nhu cầu đi lại cũng không ngoại lệ.

Thời gian vừa qua, Hà Nội đã có nhiều chiến dịch liên quan đến quản lý giao thông như cuộc chiến dành lại vỉa hè cho người đi bộ; dẹp nạn xe dù bến cóc; dẹp các bãi đậu xe trái phép; dẹp xe dừng đỗ sai quy định… Tuy nhiên, mỗi chiến dịch chỉ diễn ra trong một thời gian nhất định và hiệu quả cũng chỉ được cải thiện tại thời điểm đó.

Hàng ngày khi tham gia giao thông, chúng ta không khó để bắt gặp tình trạng những chiếc xe ô tô con 4 chỗ – 7 chỗ, có biển kiểm soát ngoại tỉnh, hoặc các xe biển vàng mang phù hiệu Limousine, dừng đỗ sai quy định trên các tuyến phố Hà Nội. Đây chính là một phần làm nên thương hiệu “đặc sản tắc đường” ở Hà Nội.

Hiện nay trên các trang mạng xã hội, có hàng nghìn các hội nhóm xe tiện chuyến hình thành và được điều hành như những nhà vận tải chuyên nghiệp. Thông qua trang tìm kiếm google.com với cụm từ “xe tiện chuyến Hà Nội”, sau cái enter đã cho ra trên hàng chục nghìn kết quả, một con số rất đáng để các nhà quản lý phải suy nghĩ.

Theo tìm hiểu, từ những thành viên trong hội nhóm thì xe tiện chuyến đa phần hoạt động kinh doanh vận tải có tổ chức, được lập ra bởi nhóm trưởng hay admin quản trị nhóm có tính phí, nhưng lại không đăng ký kinh doanh vận tải theo luật định, mà hầu hết các thành viên dùng xe biển kiểm soát màu trắng mang đăng ký tư nhân để vận tải hành khách, vì vậy không phải nộp thuế và các chi phí liên quan đến hoạt động vận tải.

Do có thể len lỏi vào các ngõ ngách và các tuyến phố nhỏ, mà xe tiện chuyến lại đáp ứng được phần lớn nhu cầu đi lại ở Hà Nội với các tỉnh lân cận. Với ưu điểm nhanh, sạch sẽ, đón khách tại nhà và giá rẻ hơn so với giá của các đơn vị kinh doanh vận tải, nên mô hình này thích ứng rất nhanh với nhu cầu đi lại. Điều này đặt ra thách thức cho các cơ quan quản lý nhà nước tại Hà Nội, về vấn kiểm soát xe vận tải hành khách tiện chuyến.

Còn nhớ mấy năm về trước, Hà Nội đã nhiều lần bàn tới vấn đề xe Limousine lách luật bằng các “Hợp đồng chở khách”. Để ngang nhiên đón khách khắp mọi ngõ ngách trong nội thành. Bài toán đặt ra càng cấp thiết hơn khi đường phố Hà Nội ngày càng ùn tắc, giao thông nổi lên nhiều bất cập chưa được giải quyết. Hơn nữa việc quản lý, đưa các hội nhóm xe tiện chuyến vào khuôn khổ cũng góp phần tăng thêm nguồn thu từ thuế cho ngân sách nhà nước, tạo sự công bằng trong kinh doanh vận tải.

Theo tìm hiểu, các hội nhóm đều có quy định riêng, mỗi thành viên trong nhóm phải đóng phí. Sau đó mỗi chuyến chở khách, lái xe phải trả từ 30.000 đồng đến hàng trăm ngàn đồng cho trưởng nhóm, tùy thuộc vào doanh thu của chuyến khách đó và hoàn toàn không phải đóng thêm bất cứ một loại thuế, phí nào cho ngân sách nhà nước.

Cứ như vậy, trưởng nhóm hoặc admin của xe tiện chuyến có thu nhập rất lớn từ hình thức kinh doanh vận tải này, mà không phải nộp bất cứ một loại thuế hoặc phí nào. Trong khi các phương tiện này hoàn toàn không đủ điều kiện kinh doanh vận tải theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ, quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải.

Đã đến lúc cơ quan chức năng cần mạnh tay để quản lý hình thức vận tải hành khách này, đảm bảo hoạt động đúng khuôn khổ của pháp luật, tạo sự công bằng trong cạnh tranh và hạn chế phương tiện kinh doanh vận tải hoạt động trong nội thành Hà Nội.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích