Sóc Bom Bo – “điểm nhấn” quan trọng của tỉnh Bình Phước
(Xây dựng) – Sóc Bom Bo thuộc xã Bình Minh (Bù Đăng, Bình Phước) là địa danh nổi tiếng về tình quân dân giữa người dân tộc S’tiêng với bộ đội thời kháng chiến. Nhờ vào ý nghĩa lịch sử và lợi thế của mình, nơi đây đã trở thành điểm thu hút văn hóa du lịch, tạo tiền đề cho sự phát triển chung cho cụm xã khu vực Tây Nam của huyện Bù Đăng. Nếu được quan tâm đúng mức, có chính sách ưu đãi đầu tư thông thoáng, Sóc Bom Bom sẽ trở thành “điểm nhấn” quan trọng để phát triển văn hóa du lịch tỉnh.
Tái hiện hình ảnh giã gạo nuôi quân của người dân S’tiêng tại Trung tâm bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng Sóc Bom Bo. |
Xã Bom Bo thừa hưởng lợi thế là điểm kết nối giữa 3 khu du lịch: Núi Bà Rá (thị xã Phước Long), Trảng Cỏ Bù Lạch (xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng) và Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng Sóc Bom Bo (nay thuộc xã Bình Minh, huyện Bù Đăng). Đặc biệt, Bom Bo là xã duy nhất trong cụm xã có đầy đủ tiện ích như: Ngân hàng, trạm phân phối điện, nhà thi đấu đa năng, khu trung tâm thương mại, trạm xá quân y, trường học các cấp, trung tâm bưu chính viễn thông và nhà máy xử lý nước sạch. Hệ thống giao thông liên xã được mở rộng và nhựa hóa, các tuyến đường liên thôn cũng được bê tông hóa phủ khắp các thôn. Bộ mặt kinh tế xã hội của xã Bom Bo đang ngày càng khởi sắc, tạo tiền đề cho những bước tiến dài trong tương lai về một đô thị hạt nhân thuộc huyện Bù Đăng.
Hơn thế, Bom Bo còn được nhắc đến là địa danh nổi tiếng của tỉnh Bình Phước gắn với lịch sử, truyền thống đấu tranh anh hùng trong thời kỳ kháng chiến. Cho đến nay, Bom Bo vẫn là một trong những vùng đất du lịch độc đáo và hấp dẫn, thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch mỗi năm. Đây là một lợi thế lớn để xã Bom Bo phát triển về du lịch và các dịch vụ thương mại phục vụ du lịch. Ngoài ra, xã Bom Bo có 3/4 diện tích tiếp giáp với lòng hồ Thủy điện Thác Mơ, đây là tiềm năng lớn để phát triển thủy điện kết hợp du lịch trải nghiệm.
Có thể nói, xã Bom Bo là nơi hội tụ giao thương, văn hóa, y tế, giáo dục của cả cụm xã Bình Minh, Bom Bo, Đắk Nhau, Đường 10 khi luôn là địa phương có nguồn thu ngân sách cao, tốc độ đô thị hóa nhanh nhất huyện.
Xã Bom Bo đạt chuẩn Nông thôn mới, đường vào thôn 5 của xã. |
Nếu vào thời điểm thành lập xã (năm 1998) từ Quốc lộ 14 (ngã ba Minh Hưng) đến trung tâm hành chính xã Bom Bo, người ta phải mất vài tiếng vượt bụi đỏ, bùn lầy với quãng đường 20km đầy những ổ voi, ổ gà, cầu tạm thì hiện nay, thời gian di chuyển chỉ còn hơn 30 phút, xe chạy bon bon trên đường nhựa.
Kinh tế – xã hội phát triển còn là tiền đề quan trọng để xã Bom Bo trở thành “điểm nhấn” thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Hiện tại, Khu đô thị trung tâm hành chính, thương mại và du lịch Bom Bo có diện tích khoảng 20ha đã được hình thành. Được biết xã Bom Bo đã và đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, dựa trên nhiều nguồn lực và tiềm năng phát triển, vận dụng lợi thế về hạ tầng, kinh tế, đô thị và cả du lịch, hướng đến đạt các tiêu chí của đô thị loại V (thị trấn).
Trung tâm bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng Sóc Bom Bo, tại xã Bình Minh, huyện Bù Đăng. |
Sóc Bom Bo nổi tiếng với truyền thống đánh giặc giữ làng, giã gạo nuôi quân trong kháng chiến, phần lớn là người dân tộc S’tiêng mà Già làng Điểu Lên được xem là hình tượng của người dân Bombo trong kháng chiến và xây dựng làng xã. Sóc Bom Bo đã được đầu tư thành Trung tâm bảo tồn văn hóa Dân tộc S’tiêng Sóc Bom Bo, có tổng diện tích khoảng 113,4ha với tổng kinh phí đầu tư gần 300 tỷ đồng. Công trình có những hạng mục như: Sân lễ hội, nhà khánh tiết, nhà dài truyền thống dân tộc S’tiêng, nhà làng nghề truyền thống và trường Tiểu học Xuân Hồng. Không chỉ có ý nghĩa về bảo tồn không gian và các giá trị văn hóa dân tộc S’tiêng mà Sóc Bom Bo còn là điểm đến du lịch độc đáo của tỉnh Bình Phước.
Theo tập quán của người S’tiêng, giã gạo là việc của phụ nữ thường làm vào ban đêm vì ban ngày họ còn đi làm nương rẫy. Năm 1965 trong chiến dịch Đồng Xoài, một số đơn vị bộ đội chủ lực miền Nam thiếu gạo, già làng đã kêu gọi cả sóc giã gạo nuôi quân, người dân đã đốt đuốc bằng cây lồ ô để sàng xảy gạo, đem tặng bộ đội. Đây chính là chất liệu thực tế để cố nhạc sĩ Xuân Hồng sáng tác bài hát nổi tiếng “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”.
Chị Thị Lyna, một du khách đến từ huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) chia sẻ: “Em biết bài hát Tiếng chày trên Sóc Bom Bo đã lâu, nhưng bây giờ mới có dịp đến đây để tham quan. Em là người dân tộc M’nông nhưng lại thấy gần gũi với những dụng cụ, trang phục của người S’tiêng Sóc Bom Bo, có đến đây mới thấy được ý nghĩa giá trị của cuộc sống”.
Ông Ngô Duy Hiển, cựu chiến binh xã Bình Minh – người đang trực tiếp phục vụ các loại hình dịch vụ du lịch tại Trung tâm bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng Sóc Bom Bo cho biết, bản thân ông đã đi rất nhiều nơi nhưng Sóc Bom Bo là nơi để ông chọn sống bởi Bù Đăng có vị trí là trung tâm du lịch vùng, là “hạt nhân” về tiềm năng du lịch của tỉnh Bình Phước để kết nối các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Trong đó, khu vực xã Bom Bo và xã Bình Minh (là địa điểm Sóc Bom Bo) có tốc độ phát triển khá nhanh. “Không những thế vùng đất này có nhiều tiềm năng để phát triển cây công nghiệp như: Hạt điều, cà phê, hồ tiêu và khai thác lợi thế mặt nước lòng hồ thủy điện Thác Mơ. Trong đó, khai thác du lịch sẽ có vai trò vị trí đặc biệt quan trọng để phát triển kinh tế -xã hội. Nếu tỉnh Bình Phước thực hiện cơ chế mở, tạo điều kiện và áp dụng các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư thì chẳng những Sóc Bom Bo, xã Bom Bo mà còn kéo theo cả những xã lân cận trong vùng phát triển”, ông Ngô Duy Hiển bày tỏ.
Nhận xét về cơ sở hạ tầng và công tác giáo dục, bà Lương Thị Thẩm – một giáo viên hưu trí ở thôn 6, xã Bom Bo cho biết, cách đây hơn 20 năm, bà cùng gia đình từ Lạng Sơn vào xã Bom Bo lập nghiệp, điều kiện sống lúc bấy giờ hết sức khó khăn, còn đường đất, chưa có điện lưới quốc gia. Bà Thẩm dạy học ở điểm trường thường xuyên phải đi tìm và vận động các em đến lớp, phòng học tranh tre dột nát. “Cho đến nay, nhờ vào sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, quê hương Bom Bo đổi mới từng ngày, các em học sinh có trường lớp khang trang, có dụng cụ và điều kiện học tập tốt, con em các dân tộc trong xã gần gũi, đoàn kết, thân thiện, ham học tập chăm chỉ đến trường hơn xưa rất nhiều, không còn cảnh trò trốn học thầy cô đi kiếm tìm vận động đến lớp nữa”, bà Lương Thị Thẩm chia sẻ.
Sóc Bom Bo, vùng đất truyền thống yêu nước xưa và nay vẫn mang trong mình dòng chảy cách mạng. Nghị lực kiên cường và ý chí vươn lên của nhân dân bà con các dân tộc xã Bom Bo cũng như Sóc Bom Bo đã được hun đúc bằng tình yêu quê hương đất nước mà cố nhạc sỹ Xuân Hồng đã tin tưởng, viết cách đây hơn nửa thế kỷ khi ông tham gia chiến dịch đi qua vùng này. Người Bom Bo phấn đấu vì mục đích phồn vinh cho cuộc sống tươi đẹp hơn với “nụ cười tin chắc tương lai”.
Nguồn: Báo xây dựng