Apple phát triển công nghệ giúp phát hiện sớm trầm cảm

Các nhà nghiên cứu của Apple dự định sẽ cùng đối tác nghiên cứu sử dụng một loạt các dữ liệu cảm biến bao gồm di động, hoạt động thể chất, cách ngủ, hành vi gõ phím. Với kho dữ liệu này, các nhà nghiên cứu hy vọng có thể phát hiện ra những dấu hiệu kỹ thuật số gắn liền với thuật toán có thể phát hiện bệnh một cách chính xác. Apple hy vọng đây sẽ là tính năng độc quyền cho các thiết bị của hãng này.

Hiện tại, các tính năng chăm sóc sức khỏe của Apple đang tập trung chủ yếu trên đồng hồ thông minh của hãng. Có vẻ Apple thông qua hợp tác này muốn đẩy mạnh nghiên cứu trên các dòng sản phẩm chủ lực như iPhone. Thực tế dự án hiện đang mới ở giai đoạn đầu và có thể sẽ không có tính năng nào ra mắt. Theo nguồn tin, các nhà nghiên cứu vẫn đang đánh giá xem thuật toán có thể tạo ra dữ liệu có độ tin cậy cao hay không.

Apple hiện cũng đang bắt tay với Đại học Duke để tạo ra thuật toán phát hiện tự kỷ ở trẻ nhỏ bằng cách dùng camera của iPhone để quan sát cách trẻ tập trung. Dù vẫn đang ở giai đoạn đầu phát triển nhưng Giám đốc vận hành Jeff Williams, người đang giám sát mảng sức khỏe của Apple tỏ ra khá lạc quan về khả năng giải quyết chứng trầm cảm và rối loạn lo âu cũng như các bệnh thần kinh khác. Jeff Williams được cho là người sẽ kế vị Tim Cooks giữ chức CEO tiếp theo của Apple.

Apple đang cố gắng cùng với đối tác của hãng nghiên cứu công nghệ phát hiện tình trạng trầm cảm.

Dữ liệu sức khỏe vẫn là vấn đề nhạy cảm và Apple đang tìm cách để lưu trữ dữ liệu trên máy người dùng thay vì gửi về máy chủ của Apple. “Táo khuyết” đã từng làm việc với các nhà nghiên cứu để phát triển các tính năng chăm sóc sức khỏe. Chẳng hạn Đại học Stanford từng giới thiệu chiếc đồng hồ thông minh có khả năng xác định rối loạn nhịp tim gọi là chứng rung nhĩ. Apple sau đó đã nhanh chân đưa tính năng này vào các phiên bản Apple Watch Series 3 trở về sau.

Đại học California được cho là đã nghiên cứu tính năng phát hiện căng thẳng, trầm cảm, lo lắng từ năm 2020 dựa trên 150 tình nguyện viên dùng iPhone và Apple Watch. Trường đại học này dự kiến tăng số lượng dữ liệu thu thập lên 3.000 người trong năm nay.

Các nhà nghiên cứu ở Đại học California sử dụng camera, bàn phím và cả loa của iPhone để thu thập dữ liệu bao gồm biểu cảm khuôn mặt, cách phát âm, tần suất và tốc độ đi bộ, cách ngủ, nhịp tim và nhịp thở. Trường cũng lấy cả dữ liệu đo tốc độ gõ phím, tần suất gõ lỗi và nội dung nhập vào cùng các dữ liệu khác, theo nguồn tin giấu tên nói trên.

Một khi tìm thấy các dữ liệu có sự trùng khớp với tình trạng sức khỏe tâm thần, các nhà nghiên cứu hy vọng có thể xây dựng thành ứng dụng hoặc tính năng để cảnh báo trước cho người dùng. 

Còn Biogen cho biết cũng có hợp tác tương tự với Apple để phát hiện chứng suy giảm nhận thức nhẹ, một tình trạng nếu kéo dài có thể phát triển thành căn bệnh Alzheimer’s.

Nghiên cứu kéo dài hai năm với 20.000 tình nguyện viên tham gia cũng sẽ sử dụng phương pháp gần như tương tự ĐH California. Biogen hy vọng dữ liệu thu thập được sau đó có thể phát triển thành tính năng trên iPhone giúp phát hiện sớm bệnh và khuyến khích người dùng đi khám.

Bảo An (Tổng hợp)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích