Quảng Trị: Mỗi làng nghề truyền thống mang một nét đẹp văn hóa riêng

(Xây dựng) – Quảng Trị được ví như khúc ruột miền Trung là vùng quê gió lào, cát trắng. Cũng chính nơi này đã hình thành nhiều làng nghề truyền thống từ hàng trăm năm về trước, mỗi làng nghề mang một “hồn cốt” riêng, khắc họa bức tranh chân thực mang giá trị nghệ thuật tuyệt tác.

Quảng Trị: Mỗi làng nghề truyền thống mang một nét đẹp văn hóa riêng
Sản phẩm đan lát của Lan Đình được khách hàng mua về làm vật dụng trong gia đình.

Mặt trời vừa ló lên khỏi ngọn tre là lúc chị Nguyễn Thị Hằng ở thôn Bố Liêu, xã Triệu Hòa (huyện Triệu Phong, Quảng Trị) vừa xong xuôi việc nhà. Chị lại vội vã di chuyển đến nhà hàng xóm, nơi tập trung nhóm chị em trong thôn cùng làm nghề chằm nón. Ngày mới bắt đầu, trong một căn phòng của nhà chị Nguyễn Thị Mai rộng khoảng chừng 30-40m2, một nhóm chị em gồm 5 người, những đôi bàn tay mềm mại, uyển chuyển, người thì vuốt tre tạo thành khung nón, người thì thao tác tác chằm nón, thoăn thoắt những mũi kim, đường chỉ xuyên qua lá nón cuộn chặt vào vành tre… Cứ thế bình quân mỗi ngày một chị chằm được 2-3 chiếc nón.

Thôn Bố Liêu là một vùng quê thuần nông, đời sống chủ yếu dựa vào cây lúa nước. Đất chật người đông, từ bao đời người dân nơi đây phải trải qua nhiều gian nan vất vả, một nắng hai sương “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng cuộc sống vẫn chật vật, khó khăn. “Cái khó ló cái khôn”, cùng với sự cần cù, chịu thương, chịu khó nên nghề chằm nón lá đã hình thành ở Bố Liêu từ rất sớm.

Tuy đến nay, các bậc cao niên trong làng không ai biết chính xác nghề chằm nón ở Bố Liêu có từ bao giờ, nhưng ai cũng thừa nhận rằng, nghề chằm nón đã mang thêm một hơi thở mới, góp mặt cho sự thay da đổi thịt nhất định của làng quê Bố Liêu.

Ông Nguyễn Tri Phương – Trưởng thôn Bố Liêu bộc bạch: Nghề chằm nón tuy thu nhập không cao, nhưng hầu như ngày nào cũng có tiền thu vào, bình quân mỗi người cũng chằm được 2 đến 3 cái, thu về từ 70-100 nghìn đồng/ngày, nhà nào có nhiều người làm thì thu nhập tăng lên. Đặc biệt vào những năm 80 của thế kỷ trước, khi mà mùa màng thất bát triền miên bởi trời không thuận, gió không hòa, nhưng nhờ nghề chằm nón mà người dân Bố Liêu vẫn có tiền trang trải đủ cho cái ăn, cái mặc, con cái vẫn có điều kiện đến trường…

Rời Bố Liêu, chúng tôi đến với địa danh Dốc Miếu đi thăm làng Lan Đình, thuộc xã Phong Bình (huyện Gio Linh, Quảng Trị), nơi có nghề đan lát truyền thống nổi tiếng ở Quảng Trị. Cùng anh Trần Chiến – Chủ tịch Hội nông dân xã Phong Bình rong ruổi trên những con đường làng Lan Đình, rồi câu chuyện về nghề đan lát của Lan Đình giữa chúng tôi mỗi lúc một sôi nổi. Được biết, làng Lan Đình hình thành cách đây khoảng hơn 600 năm về trước, người dân xưa nay sống chủ yếu dựa vào trồng lúa và hoa màu. Bên cạnh đó, dựa vào lợi thế là vùng đất gò đồi, cây tre phát triển tốt, cùng với tính cần cù, chăm chỉ làm ăn, người dân Lan Đình đã phát triển thêm nghề đan lát mà nguyên liệu là lấy từ cây tre mọc quanh vùng.

Ông Nguyễn Lân, ở thôn Lan Đình năm nay đã gần 80 tuổi, ông theo nghề đan lát từ lúc mới lên 10 tuổi. Ông Lân cho hay, từ nhỏ thấy cha mẹ làm nghề đan lát, ông tự làm theo, dần dần làm nghề thông thạo, ông giữ nghề cho đến hôm nay. Những sản phẩm đan lát bằng tre của làng Lan Đình như thúng, nẽn, trẹt, sàng, dần… Tuy là nghề thủ công, nhưng để có những sản phẩm đẹp, chất lượng, thì đòi hỏi người nghệ nhân phải khéo tay, tỉ mỉ, đặc biệt là chọn vật liệu đầu vào phải đảm bảo về chất lượng.

Thực tế cho thấy, các sản phẩm của Lan Đình được khách hàng rất tín nhiệm, hàng sản xuất đến đâu thì được thương lái bao tiêu đến đấy. Hiện tại, thôn Lan Đình có khoảng 300 hộ gia đình đang giữ nghề, chiếm hơn 80% số hộ trong thôn, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân nơi đây.

Ngoài nghề chằm nón của làng Bố Liêu và nghề đan lát của làng Lan Đình, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị còn có nhiều làng nghề truyền thống có tên tuổi và tồn tại qua nhiều đời, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho biết bao bộ phận dân cư, các làng nghề phải kể đến như: Làng nghề chạm mộc Cát Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh; Làng nghề chiếu Lâm Xuân, Gio Mai, huyện Gio Linh; nghề bún Cẩm Thạch, xã Hiền An, huyện Cam Lộ…

Mỗi làng nghề truyền thống không những giữ được “hồn cốt” văn hóa sâu sắc, mà còn thu hút và để lại bao dấu ấn, hình ảnh đẹp trong lòng du khách. Và có thể nói, dấu chân của nhiều du khách từ xa xôi biết được những làng nghề truyền thống ở Quảng Trị qua báo, mạng xã hội, khi đến Quảng Trị họ đã lặn lội tìm về tham quan các làng nghề truyền thống. Có một du khách từ Mỹ, khi đến thăm quan làng nón Bố Liêu, du khách không những thán phục sự khéo léo và cần mẫn của người Bố Liêu tạo nên những vành nón tuyệt tác, mà còn đặt mua hàng trăm chiếc nón để đưa về Mỹ làm quà cho người thân, bạn bè…

Phải thừa nhận rằng, nền khoa học càng tiến bộ và phát triển, thì các ngành nghề thủ công phải trải qua một cuộc cạnh tranh khốc liệt, nhiều ngành nghề thủ công không thể tồn tại tiếp, đó là quy luật tất yếu và khách quan. Song một số làng nghề truyền thống ở Quảng Trị vẫn tồn tại hàng trăm năm và tiếp tục lưu giữ cho đến ngày nay.

Tuy nhiên, các làng nghề này cũng không tránh khỏi sự mai một của giai đoạn mới, trước sự vận động của nền khoa học hiện đại, tiên tiến. Song, chúng ta điều hiểu rằng, nghề truyền thống không những gắn liền đời sống của người dân ở nhiều vùng, miền khác nhau qua nhiều đời, nhiều thế hệ mà nó còn là nét văn hóa đặc trưng mang cốt cách của con người ở thôn quê, chứa đựng sự sắt son, thôn dã, nghị lực, tình làng nghĩa xóm đong đầy… ở những vùng quê dù đi qua bao dặm thăng trầm.

Theo Chi cục phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, hiện nay một số nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang có nguy cơ mai một và cần có sự tác động kịp thời từ phía Nhà nước để phát huy, lưu giữ các làng nghề truyền thống. Được biết, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2023-2030.

Với mục tiêu, bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề; thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề, chú trọng phát triển làng nghề với các sản phẩm là thế mạnh của tỉnh; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; bảo vệ cảnh quan không gian và môi trường, xây dựng các khu dân cư, làng văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nông thôn bền vững. Có lẽ từ động thái này, người dân các làng nghề truyền thống trên địa bàn Quảng Trị đang kỳ vọng về những sự chuyển động tích cực tiếp theo của kế hoạch nói trên.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích