Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập
Ngày 27/8, Sở Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Yên Bái long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập (28/8/2003 – 28/8/2023).
Sở TN&MT tỉnh Yên Bái được thành lập theo Quyết định số 356/2003/QĐ-UB ngày 28/8/2003 của UBND tỉnh Yên Bái với nòng cốt là Sở Địa chính và hợp nhất các bộ phận thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản (thuộc Sở Công nghiệp), tài nguyên nước (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), môi trường (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ). Sở TN&MT có chức năng tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước trên 6 lĩnh vực: Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, môi trường, khí tượng thủy văn – biến đổi khí hậu và đo đạc bản đồ – viễn thám.
Phát biểu buổi lễ, ông Hồ Đức Hợp, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái cho rằng: Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, Sở TN&MT luôn nêu cao tinh thần đoàn kết gắn bó, tranh thủ thời cơ, phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Theo Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái, khi mới thành lập, Sở TN&MT còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc còn nhiều hạn chế. Sở gồm 7 phòng, 2 đơn vị sự nghiệp với 76 cán bộ, công chức, viên chức. Sau nhiều lần kiện toàn sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đến nay toàn Sở có 9 đơn vị trực thuộc.
Trong đó, có 4 phòng chuyên môn (Văn phòng sở, Thanh tra, Khoáng sản, Tài nguyên nước khí tượng thuỷ văn và Biến đổi khí hậu); có 2 chi cục (Chi cục Quản lý đất đai, Chi cục Bảo vệ môi trường); 3 đơn vị sự nghiệp (Văn phòng Đăng ký đất đai, Trung tâm Phát triển quỹ đất, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường) với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (chưa bao gồm đội ngũ người lao động) lên đến 243 người tăng gấp ba lần so với năm 2003 khi mới thành lập.
Trong thời gian qua, Sở xác định công tác tham mưu xây dựng thể chế và ban hành văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm. Sở đã trình Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh ban hành 113 lượt văn bản quy phạm pháp luật và hàng nghìn văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về TN&MT, phù hợp quy định pháp luật, bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. Tăng cường nghiên cứu, triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ, đã thực hiện hoàn thành 8 đề tài khoa học cấp tỉnh về lĩnh vực TN&MT…
Công tác quy hoạch ngành được xác định là cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý nhà nước, do đó Sở đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh triển khai các quy hoạch của ngành như: Quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; quy hoạch khai thác sử dụng tài nguyên nước; quy hoạch bảo vệ môi trường…Đến nay, đã đủ cơ sở căn cứ pháp lý để tỉnh mời gọi các nhà đầu tư quan tâm triển khai dự án trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Trong lĩnh vực khoáng sản, tỉnh Yên Bái được đánh giá là một trong những tỉnh có tiềm năng về khoáng sản với trên 20 loại khoáng sản, có hơn 300 mỏ và điểm quặng. Để đưa công tác quản lý tài nguyên khoáng sản vào nề nếp, phát huy tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế của tỉnh, Sở TN&MT đã tích cực, chủ động tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng và ban hành quy định về quản lý hoạt động khoáng sản góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản…
Đặc biệt, chỉ tính trong giai đoạn 2016-2020 việc đóng góp số thu ngân sách của ngành TN&MT vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Trong đó, quyền sử dụng đất với thị trường bất động sản được phát triển mạnh có số thu từ đất chiếm tỷ trọng 37,7%, từ cấp quyền tài nguyên nước và phí bảo vệ môi trường, ký quỹ phục hồi môi trường chiếm trên 1%, từ hoạt động khoáng sản chiếm 9,7% trong tổng thu ngân sách nội địa trên địa bàn tỉnh. Như vậy, cho thấy kinh tế – xã hội của tỉnh ngày càng phát triển có một phần đóng góp công lao to lớn của ngành TN&MT
Trong 20 năm xây dựng và phát triển, Sở TN&MT tỉnh Yên Bái đã đạt được những thành tích đáng phấn khởi và tự hào, khẳng định vai trò đảng lãnh đạo toàn diện, xuyên suốt trên các lĩnh vực công tác của Đảng bộ Sở.
Trong 20 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Sở TN&MT tỉnh Yên Bái đã vinh dự được đón nhận những phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước: Từ năm 2005 đến năm 2008, 2010 đến 2012 liên tục được UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường tặng Bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; năm 2012 Sở TN&MT được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh tặng Cờ “Đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua”.
Năm 2013 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba. Nhiều tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng Chính phủ và Huân chương của Chủ tịch Nước; từ năm 2014 đến nay nhiều năm được UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường tặng Bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh về dự là phát biểu tại buổi lễ, ông Ngô Hạnh Phúc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái ghi nhận sự đóng góp to lớn của các thế hệ các bộ, công chức viên chức, người lao động Sở TN&MT trong suốt 20 năm qua.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái: Ngành TN&MT có vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của tỉnh, tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định 3 đột phá chiến lược, 7 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “bảo vệ môi trường, sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu” trong phát triển kinh tế – xã hội để thực hiện triết lý “phát triển nhanh, bền vững theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Ngô Hạnh Phúc đề nghị Ngành TNMT cần tập trung triển khai thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Cần tích cực, chủ động hơn nữa trong công tác tham mưu cho tỉnh, triển khai công tác có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh. Trong đó, xác định những việc quan trọng, cấp bách cần giải quyết, kịp thời kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo xử lý hiệu quả, đảm bảo quy định pháp luật.
Đồng thời, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đồng bộ, thống nhất với quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng; quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên đất, nước, khoáng sản…
Tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, tập trung phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường, thực hiện tốt các chương trình, đề án bảo vệ môi trường; hoàn thành việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, không để phát sinh mới cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn.
Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển đổi số, nhất là đo đạc, cơ sở dữ liệu; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng tiếp cận quản lý đa mục tiêu, khuyến khích đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ trong ngành tài nguyên và môi trường.
Đặc biệt, ngành TNMT tỉnh cần tiếp tục tham mưu củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy đảm bảo tinh gọn, hiệu lực hiệu quả gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trách nhiệm, chuyên nghiệp, trình độ chuyên môn cao trong các lĩnh vực TNMT, có bản lĩnh, tư duy đột phá, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị