Dùng tấm chắn ngoài không gian để che nắng cho Trái đất

Dùng tấm chắn ngoài không gian để che nắng cho Trái đất

Để ngăn nhiệt độ tăng lên, nhà thiên văn học István Szapudi từ Đại học Hawaii (Mỹ) đưa ra một sáng kiến “viễn tưởng” đó là dùng một tấm chắn khổng lồ ghim lên một tiểu hành tinh để che bớt ánh nắng từ Mặt Trời.

Trang Daily Mail đưa tin, ý tưởng trên của Szapudi đã được xuất bản trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ. Theo đó, Szapudi cho rằng điều đó có thể tạo ra một lá chắn Mặt trời khổng lồ. Tấm chắn sẽ được làm từ siêu vật liệu graphene, chỉ dày một nguyên tử nhưng cứng hơn kim cương và đàn hồi hơn cao su.

tm-img-alt
Hình minh họa tấm chắn được buộc vào tiểu hành tinh để giảm bớt ánh nắng Mặt trời xuống Trái đất. Ảnh: ITN

Ông Szapudi đề nghị đặt tấm chắn tại điểm Lagrange L1 – một vị trí trong không gian giữa Trái đất và Mặt trời, nơi các vật thể được gửi đến đó có xu hướng ở yên tại chỗ. Để ngăn không cho tâm chắn bị thổi bay khỏi bức xạ mặt trời, tác giả của ý tưởng đề xuất sử dụng một tiểu hành tinh làm đối trọng, và được buộc vào tấm chắn ánh nắng Mặt trời.

Theo tác giả của ý tưởng, trọng lượng của tấm chắn và đối trọng cộng lại sẽ xấp xỉ 3,5 triệu tấn. Trong đó trọng lượng của lá chắn chỉ chiếm 1% trọng lượng (khoảng 35 nghìn tấn) và đó là phần duy nhất cần được phóng từ Trái đất. Còn lại 99% trọng lượng sẽ là tiểu hành tinh mà tấm chắn được buộc vào.

Tuy nhiên, việc làm cách nào để phóng 1 tấm chắn nhiều nghìn tấn vào không gian và công việc cố định nó vào một tiểu hành tinh, cũng như làm thế nào để duy trì nó mà không tạo ra mối đe doạ cho Trái đất là một thách thức lớn.

Các nhà nghiên cứu nhận định, mặc dù ý tưởng trên có vẻ chưa đủ thực tế để có thể áp dụng ngay, nhưng các nghiên cứu kỹ thuật sử dụng phương pháp này có thể bắt đầu bây giờ để tạo ra một thiết kế khả thi, giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu trong nhiều thập kỷ.

Tú Anh (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích