Net Zero đang là ưu tiên số 01 của ngành kinh doanh bất động sản trên thế giới
Net Zero đang là ưu tiên số 01 của ngành kinh doanh bất động sản trên thế giới
Các nhà phát triển, chủ sở hữu và nhà điều hành bất động sản thương mại đang nhìn nhận mục tiêu “net zero” là một lợi thế cạnh tranh không thể thiếu.
Nhiều nhà lãnh đạo từ các công ty quản lý và đầu tư bất động sản hàng đầu thế giới CBRE, Cushman & Wakefield và Transwestern đều cùng quan điểm rằng Net Zero sẽ trở thành mục tiêu số 01 tiếp theo sau trào lưu chứng chỉ công trình xanh.
Phát triển bền vững và tiêu chuẩn bền vững ESG về Môi trường – xã hội – quản trị đang ngày càng quan trọng để có lợi thế cạnh tranh giữa các công ty. Cam kết cân bằng carbon (net-zero carbon) đang trở thành yếu tố bắt buộc “phải có” tiếp theo đối với các chủ sở hữu và nhà điều hành lớn đang mong muốn tiếp cận các nguồn tài chính xanh, giảm rủi ro, tìm kiếm khách hàng và khách thuê hàng đầu. Không những thế, đạt được các tiêu chuẩn bền vững thực chất còn là một yếu tố quan trọng giúp thu hút nhân sự chất lượng cao, có tâm, có tầm cho các tập đoàn.
Hơn 140 doanh nghiệp sở hữu 20.000 công trình tại 75 quốc gia đã ký vào “Cam kết Xây dựng Cân bằng carbon” của Hội đồng Xây dựng Xanh Thế giới (World Green Building Council), mục tiêu là giảm phát thải carbon trong ngành xây dựng đến mức không đáng kể vào năm 2050 và tiến gần đến mục tiêu đó vào năm 2030. Các hành động cụ thể sẽ giúp giảm bớt gần 40% lượng khí thải CO2 trên toàn cầu do các hoạt động xây dựng và vận hành tòa nhà.
Vào tháng 10 năm 2021, Diamond Developers tuyên bố rằng Trung tâm SEE Institute về bền vững tại Dubai sẽ là tòa nhà cân bằng carbon đầu tiên trên thế giới với việc bù đắp giảm khí thải carbon sinh ra từ quá trình sản xuất vật liệu. Tại Anh, Associated Architects đã tuyên bố vào tháng 7 rằng tòa tháp Curzon Wharf dành cho Birmingham sẽ là tòa nhà cao tầng cân bằng carbon đầu tiên trên thế giới cho vận hành toà nhà nhưng không bao gồm khí thải carbon từ vật liệu xây dựng.
Các tòa nhà cân bằng năng lượng và cân bằng carbon khác nhau hay là một
Các tòa nhà cân bằng năng lượng là các tòa nhà tự tạo ra toàn bộ năng lượng mà chúng có thể sử dụng, bằng sự kết hợp của sử dụng năng lượng tái tạo tại chỗ và các biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng cho tòa nhà, cũng có thể bao gồm cả mua bù đắp tín chỉ carbon.
Trong khi đó, tòa nhà Net-zero carbon nghĩa là “các tòa nhà không phát thải carbon ròng” hoặc “các tòa nhà cân bằng carbon” là các tòa nhà này cân bằng hoặc giảm thiểu hoàn toàn lượng khí thải carbon phát ra từ cả tiêu thụ năng lượng, sử dụng vật liệu vật liệu và toàn bộ hoạt động của tòa nhà. Có những định nghĩa còn xem xét trong cả vòng đời từ sản xuất vật liệu tới phá dỡ của tòa nhà cần có tổng lượng phát thải carbon tiến về Zero.
Các tòa nhà cân bằng carbon thường yêu cầu khắt khe hơn tòa nhà cân bằng năng lượng, mặc dù định nghĩa có thể khác nhau, nhưng cân bằng năng lượng là bước đầu tiên để có thể tiến tới đạt được cân bằng carbon thực chất.
Bùng nổ trong tương lai gần
Net Zero Energy – Công trình cân bằng năng lượng đang là xu thế ngày càng rõ nét và cấp thiết của rất nhiều các quốc gia trên thế giới để giúp giải quyết thách thức cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Với châu u thì điều này càng cấp bách hơn sau những va chạm với nguồn tài nguyên khí đốt của CHLB Nga.
Tại Hoa Kỳ con số thống kê chính thức số lượng tòa nhà thương mại đạt Net Zero Energy năm 2018 là hơn 500 công trình . Số lượng tòa nhà cân bằng năng lượng có thể đếm trên hai hoặc ba ngón tay cách đây một thập kỷ. Tới năm 2021 có khoảng 700 tòa nhà như vậy tại Hoa Kỳ và Canada, tăng 42% từ năm 2018 đến 2020, đặc biệt tại các tiểu bang có mục tiêu hành động về khí hậu mạnh mẽ. Theo như Viện Tòa nhà Mới – tổ chức duy trì cơ sở dữ liệu Getting to Zero của các tòa nhà thương mại và nhà chung cư có năng lượng thấp hoặc không tiêu thụ năng lượng, tổng diện tích đạt và gần đạt Net Zero Energy đã tăng 38% trong cùng khoảng thời gian, lên 62 triệu feet vuông.
Cũng như vậy, các tòa nhà cân bằng carbon vẫn đang ở giai đoạn mới phát triển và dự đoán sẽ bùng nổ trong tương lai gần; Viện Nguồn tài nguyên Thế giới cho biết các tòa nhà này chỉ chiếm 1% tổng số tòa nhà trên thế giới.
Net Zero là một khung cơ bản mà nhiều công ty trong lĩnh vực bất động sản đang hướng tới cho một tương lai dài hạn. Việc thay đổi này có nguyên nhân đến từ lợi ích kinh doanh khi áp dụng mục tiêu cân bằng Net Zero. Ít nhất có ba nhà lãnh đạo về bền vững tại các công ty bất động sản với quy mô khác nhau đều thống nhất quan điểm này.
CBRE
Mục tiêu cân bằng carbon của tập đoàn bao gồm tất cả các tài sản mà công ty quản lý. “Rất nhiều khách hàng của chúng tôi, đặc biệt là những công ty niêm yết, như chúng tôi, đều nhận được sự quan tâm từ cổ đông của họ về rủi ro và cơ hội liên quan đến biến đổi khí hậu, và liệu các công ty sẽ lên kế hoạch gì để giảm lượng phát thải carbon,” – Jennifer Leitsch, Phó Chủ tịch Trách nhiệm Doanh nghiệp CBRE, nói về sự quan tâm gia tăng về công trình cân bằng carbon trong ngành xây dựng.
“Hiện tại, tôi có khách hàng nói rằng, “Chúng tôi không thể chuyển vào một tòa nhà nếu nó không đáp ứng các tiêu chí bền vững nhất định.”
“Theo Leitsch, rất nhiều khách hàng của CBRE đã cam kết đạt được mục tiêu tòa nhà cân bằng carbon riêng của họ. Bà cho rằng cam kết đạt được mục tiêu cân bằng carbon của CBRE là một sự mở rộng tự nhiên từ cam kết của công ty đối với sáng kiến Science Based Targets vào tháng 12 năm trước.
Với 7 tỷ feet vuông bất động sản quản lý bởi CBRE trên toàn cầu tại hơn 100 quốc gia chiếm 97% tổng lượng khí thải nhà kính của công ty. Mục tiêu cân bằng carbon của tập đoàn bao gồm giảm phát thải khí nhà kính từ các hoạt động kinh doanh và mua sắm hàng hóa và dịch vụ. Tuy nhiên, mục tiêu này chưa bao gồm giảm phát thải carbon từ vật liệu xây dựng, vì chúng không được bao gồm trong GHG Protocol – Giao thức khí nhà kính phổ biến, mà CBRE sử dụng để tính toán khí thải. CBRE có 100.000 nhân viên, trong đó có 400 chuyên gia về phát triền vững để hỗ trợ khách hàng trong mục tiêu tòa nhà cân bằng carbon, bao gồm việc thiết lập mục tiêu giảm khí thải và các mục tiêu dựa trên cơ sở khoa học khác.
Cushman & Wakefield
Một công ty dịch vụ bất động sản có trụ sở tại Chicago, quản lý khoảng 4 tỷ feet vuông trên toàn cầu, với 50.000 nhân viên tại 60 quốc gia. Melissa Gutierrez-Sullivan, phó chủ tịch phụ trách bộ phận bền vững và thịnh vượng của công ty, cho biết các khách hàng doanh nghiệp của cô trong lĩnh vực công nghệ, tài chính và bảo hiểm đặc biệt quan tâm đến mục tiêu cân bằng carbon, nhưng cũng có nhiều công ty nhỏ và vừa tham gia vào xu hướng này.
“Các quỹ đầu tư bất động sản trên thế giới đang tuyển dụng các nhà đầu tư toàn cầu về ESG ngày càng nhiều.” cô nói. “Họ đang đầu tư vào nó vì họ biết rằng họ cần phải thay đổi, đặc biệt đối với các nhà phát triển dự án bất động sản cho hạng A. Họ biết rằng họ phải đạt được những mục tiêu bền vững, vì khách hàng của chúng tôi đang yêu cầu điều này.”
“Bây giờ, nhân viên và người tiêu dùng muốn điều đó và cần điều đó, và họ sẽ chuyển sang nơi khác nếu họ không tin tưởng vào giá trị của công ty đó – chưa kể các nhà đầu tư của bạn đang thúc đẩy nó,” Gutierrez-Sullivan nói, người cũng là Chủ tịch Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ tại Los Angeles.
Trong quá trình lây lan của COVID-19, cô chứng kiến sự thay đổi tâm lý của khách hàng từ một sự quan tâm vượt trội về bền vững sang sự quan tâm về sức khỏe. “Kể từ đó, mọi thứ đã xoay quanh carbon” cô nói.
Gutierrez-Sullivan cho biết: “Điều mà khách hàng nói chuyện với tôi nhiều nhất là các hợp đồng thuê có yếu tố bền vững “green lease”, là hợp đồng mà sẽ có các điều khoản về đảm bảo tính hiệu quả năng lượng và bảo vệ môi trường của tòa nhà một cách rõ ràng. Và tất cả khách hàng của tôi đều yêu cầu như vậy.”
“Hiện tại, khách hàng thường xuyên nói, ‘Chúng tôi không thể chuyển vào một tòa nhà nếu nó không đáp ứng các tiêu chí bền vững nhất định.’ Nhiều năm trước thấy họ đã có thể nói, ‘Không, chúng tôi không nâng cấp vì nó sẽ tốn chi phí là X, Y và Z.’ Bây giờ họ lại đang đặt ra những mục tiêu cân bằng carbon, những mục tiêu rất khó đạt được. Làm thế nào bạn sẽ đạt được những mục tiêu đó nếu bạn không có dữ liệu, quyết tâm và tiềm lực?”
Transwestern
Với trụ sở tại Houston, Transwestern có 33 văn phòng tại Hoa Kỳ và khoảng 1.900 nhân viên, chuyên cung cấp dịch vụ cho chủ sở hữu bất động sản thương mại. Giám đốc bền vững của công ty, Josh Richards, coi mục tiêu cân bằng carbon là một bước tiến “phải có” trong quá trình phát triển của công ty, được thúc đẩy một phần bởi các quy định xây dựng và năng lượng xanh tiến bộ tại các vùng như California và New York.
“Theo nhiều cách và được kỳ vọng là vào năm 2030, cân bằng carbon sẽ trở thành tiêu chuẩn xây dựng mới, ngay cả ở nhiều thành phố lớn ở Hoa Kỳ,” ông nói, mô tả xu hướng này là làn sóng tiếp theo trong sự khác biệt về bền vững trong các tòa nhà thương mại trong thập kỷ tới, tương tự như chứng nhận LEED đã làm trong những thập kỷ trước. Các thế hệ trẻ tập trung vào bền vững như thế hệ Y (sinh năm 1981 tới 1996) và Gien Z (từ năm 1997 tới 2012) sẽ giúp đẩy mạnh việc đạt mục tiêu cân bằng carbon như một yêu cầu trong các thập kỷ tương lai khi họ trưởng thành trong lực lượng lao động, Richards bổ sung.
Một số quỹ và khách hàng lớn của Transwestern đã thiết kế hoặc đang làm việc để đạt được mục tiêu cân bằng carbon, trong khi những người khác đang chờ xem người khác thử nghiệm.“Đây là cơ hội nâng tầm thương hiệu lớn tiếp theo khi theo đuổi giá trị bền vững.”
“Với các chủ sở hữu của chúng tôi, cân bằng carbon là điều đáng kỳ vọng, vì đây thực sự là cơ hội nâng tầm thương hiệu lớn tiếp theo sau chứng chỉ công trình xanh khi nói đến tính bền vững. Việc này cũng giúp họ giải quyết một số vấn đề mà các nhà đầu tư đang quan tâm” khi họ xem xét rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu, bao gồm các chi phí bảo hiểm và sửa chữa liên quan đến các thảm họa tự nhiên ngày càng thường xuyên, ông nói.
Ngoài ra, những người thuê nhỏ không chiếm toàn bộ tòa nhà thường hỏi chủ sở hữu thông tin về các lựa chọn năng lượng tái tạo và các phương án giảm carbon khác. Họ hỏi càng nhiều, càng thúc đẩy chủ sở hữu tài sản, quản lý tài sản đến gần hơn với mục tiêu cân bằng carbon như một phong cách hoạt động, Richards cho biết.
Theo Richards, đại dịch không gây ra sự gia tăng đáng kể trong việc thực hiện cân bằng carbon. Tuy nhiên, việc giảm số người sử dụng đã cho thấy tòa nhà tiêu thụ bao nhiêu năng lượng một cách lãng phí ngay cả khi không có người. Với cơ hội này, nhiều chủ sở hữu đã tận dụng để cải thiện hiệu suất năng lượng và thực hiện các nâng cấp về tính bền vững môi trường. Điều này trùng hợp với sự quan tâm sâu sắc của người thuê đối với sức khỏe, đặc biệt là chất lượng không khí trong nhà.
Việt Nam sẽ bắt kịp thế giới thế nào?
Các nhà đầu tư tại Việt Nam cũng đang quan tâm ngày càng nhiều hơn tới công trình hiệu quả năng lượng, nhưng thường thì sự quan tâm này xuất hiện khi đã nếm trải chi phí vận hành cao đáng kể. Bất kỳ nhà đầu tư nào cũng mong muốn thương hiệu bất động sản của mình gắn với tiên tiến, dẫn đầu hay tiên phong. Công trình Net Zero Energy đầu tiên có thể giúp bất kỳ nhà đầu tư bất động sản nào đạt được kỳ vọng như trên. Dĩ nhiên, công trình đầu tiên bao giờ cũng sẽ gặp một số rào cản nhất định, có thể từ kỹ thuật, công nghệ, thiết bị…, trong thực tế thì các yếu tố kỹ thuật thường không phải là rào cản lớn nhất, rào cản lớn nhất thường tới từ tư duy, cách làm việc, sự nghi ngại khi áp dụng các phương pháp và công cụ thiết kế mới, bất kể việc thiết kế theo cách truyền thống tại Việt Nam đã bộc lộ quá nhiều bất cập về cả chi phí đầu tư, chi phí vận hành, bất tiện về nhiệt, chiếu sáng, âm thanh.
Bài viết được biên dịch tổng hợp bởi chương trình SBVN Net Zero – Pilot Project. Trong năm 2023, chương trình sẽ hỗ trợ miễn phí thiết kế kỹ thuật cho nhà đầu tư có mong muốn xây dựng công trình văn phòng Cân bằng năng lượng Net Zero Energy cho Việt Nam. Thông tin cụ thể chương trình mời đọc giả xem tại: https://sbvn.vn/net-zero-cong-trinh-mau/
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị